Người dùng bằng giả bị xử lý thế nào?
Ngày 14/8, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, theo quy định của pháp luật, bằng tốt nghiệp phổ thông trung học là giấy tờ ghi nhận năng lực trình độ của người học khi đã trải qua thời gian học tập, kiểm tra phải làm bài thi đạt kết quả theo quy định của pháp luật. Bằng tốt nghiệp phải do cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp, ký theo quy định của pháp luật về Luật Giáo dục và Đào tạo. Về nguyên tắc, cơ quan nào đào tạo, cơ quan đó sẽ cấp bằng tốt nghiệp.
Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội sử dụng giấy tờ giả quy định, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
"1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 2 lần trở lên;
c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".
Việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi “sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả” và bị cấm. Nhưng để xác định người sử dụng có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không phải xem xét mục đích của hành vi. Nếu mục đích đó "nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 Điều 341 Bộ luật hình sự.
Nếu như chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo căn cứ Khoản 3, Khoản 5 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP (số: 138/2013/NĐ-CP, ngày 22/10/22013) của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Ông Vương Tấn Việt chưa tốt nghiệp cấp 3, các trường đại học có phải chịu trách nhiệm liên đới?
Liên quan việc Sở GD&ĐT TPHCM có văn bản xác nhận ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp và danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa năm 1989, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ có hay không hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả.
|
Ông Vương Tấn Việt được cấp bằng tiến sĩ vào năm 2022. |
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi bản chính bằng tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1989 và các bản sao có chứng thực để tiến hành giám định chữ ký con dấu ở trong các tài liệu này. Nếu Phòng Kỹ thuật Hình sự hoặc Viện Khoa học Hình sự kết luận chữ ký con dấu trong bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Việt là giả, có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu giả theo quy định tại điều 341 Bộ luật Hình sự để xử lý với người vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận, bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc của ông Vương Tấn Việt là giả, trường Đại học Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp đại học và bằng tiến sĩ của ông này.
Theo quy định của pháp luật, khi đăng ký học đại học, thí sinh phải nộp bản chính bằng tốt nghiệp phổ thông trung học. Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường rất khó xác định bằng tốt nghiệp đó là thật hay giả, kèm theo bằng tốt nghiệp con có học bạ có chữ ký con dấu của cơ sở giáo dục.
Tiến sĩ Cường cho rằng, nếu hồ sơ nhập học đã đầy đủ, nhìn mắt thường không thể phát hiện ra đây là giấy tờ giả, các trường Đại học Hà Nội và Đại học Luật Hà Nội được xác định không vi phạm, sẽ không bị xử lý gì trong tình huống này.
Vụ việc này sẽ không dừng lại ở đây, cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ và kết luận bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt có là bằng giả hay không. Nếu là giả có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý với những người vi phạm, đồng thời sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục thu hồi hủy bỏ các bằng tốt nghiệp đại học và sau đại học theo quy định của pháp luật.
Theo Sở GD&ĐT TPHCM, ngày 30/7, Sở có buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về việc xác minh quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt. Qua buổi làm việc, Sở GD&ĐT TPHCM đã phối hợp đoàn kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ gồm danh sách thí sinh tốt nghiệp bổ túc THPT và danh sách ghi tên ghi điểm của tất cả thí sinh dự thi khóa ngày 6/6/1989.
Kết thúc quá trình kiểm tra, Sở GD&ĐT TPHCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt (sinh năm 1959), như sau: Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD&ĐT TPHCM. Ông Vương Tấn Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TPHCM.
Ngày 13/8, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đã rà soát, kiểm tra, xác minh và phối hợp xác minh làm rõ thông tin, minh chứng trên tinh thần và nguyên tắc kỹ lưỡng, cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Về nghi vấn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt, hiện nay, dư luận căn cứ văn bản của Sở GD& ĐT TPHCM trả lời Ban Tôn giáo Chính phủ để cho rằng ông Vương Tấn Việt không có bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa, hoặc chưa tốt nghiệp cấp ba. Tuy nhiên, điểm trọng yếu cần làm rõ là liệu thông tin văn bằng Sở GD& ĐT TPHCM đã xác minh có đúng là thông tin trên văn bằng của ông Vương Tấn Việt sở hữu hay không.
Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.