Đây là thông tin được tổ chức Plan International Việt Nam cung cấp tại Hội nghị sơ kết “Hành trình đến với ước mơ – Thành phố an toàn cho trẻ em gái” vào sáng nay 27.6.
Em Nguyễn Phương T, sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, T đi học bằng xe buýt, nhiều lần em đã bị quấy rối tình dục. “Dù đi xe buýt thường xuyên nhưng em không thích vì nó rất đông và không an toàn. Những bạn gái như chúng em thường là đối tượng để người khác trêu chọc. Sự an toàn trên xe buýt phụ thuộc rất nhiều vào lái xe và phụ xe, vậy nhưng có lần em mặc quần short lên xe đã bị chú phụ xe nói rằng “Mặc quần ngắn thế thì dễ bị muỗi đốt lắm. Lúc đó em đã thấy rất sợ và xấu hổ”, T kể lại.
Không chỉ T, nhiều học sinh khác khi được hỏi cũng kể từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Có em thậm chí còn bị hành khách đi cùng lợi dụng sờ vào những vùng nhạy cảm của cơ thể, lấy đồ, hướng ánh mắt nhìn vào những vùng nhạy cảm...
|
Môi trường xe buýt là môi trường dễ xảy ra tình trạng quấy rối tình dục (Ảnh minh họa T) |
Bà Lê Quỳnh Lan - Quản lý chương trình Plan tại Hà Nội cho biết, trong 4 năm, dự án đã đầu tư ngân sách 17,32 tỷ đồng để thực hiện dự án “Thành phố an toàn cho trẻ em gái” tại TP Hà Nội.
Một kết quả khảo sát của Plan International Việt Nam thực hiện tháng 6.2013 cho thấy, 31% trong tổng số 1.128 em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em luôn có cảm giác an toàn nơi công cộng.
Ngoài ra, 62% cán bộ nhà nước, 45% hành khách nam và 49% hành khách nữ được hỏi cho rằng quấy rối tình dục là một nguy cơ. Có tới 45% số người được hỏi cho biết họ không làm gì cả khi nhìn thấy những sự việc ở nơi công cộng và 20% không can thiệp khi thấy em gái bị quấy rối trên xe buýt.
Plan đã phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện tập huấn cho lái xe, phụ xe buýt về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em gái ở cộng đồng, đặc biệt là trên xe buýt. Thêm vào đó, cũng trong khuôn khổ của dự án, chương trình đã ra mắt tập tài liệu cầm tay về bí kíp đi xe buýt dành cho trẻ em gái.
Sau 4 năm kể từ ngày thực hiện, dự án đã giảm được tỉ lệ trẻ em gái bị quấy rối tình dục từ 31% năm 2014 xuống còn 19% năm 2018. Thêm vào đó, số người cho rằng số trẻ em bị quấy rối tình dục trên xe buýt không phải là việc của họ cũng giảm mạnh, từ 20% năm 2014 xuống còn 9% năm 2018 ở cả nam và nữ.
Đặc biệt, nhận thức của một bộ phận lái xe, phụ xe buýt đã được thay đổi. Hầu hết đều cam kết thúc đẩy an toàn của trẻ em gái ở cộng đồng đô thị. Có 58% lái xe phụ xe tham gia khảo sát năm 2018 cho biết họ đã cảnh báo nguy cơ bị xâm hại, quấy rối tình dục tại nơi công cộng cho hành khách.
Bà Lê Quỳnh Lan cho biết, từ kết quả tích cực này, dự án sẽ nghiên cứu để nhân rộng mô hình ra 7 tỉnh thành khác trong cả nước.