Ngày 10/9, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai cho biết, qua rà soát tại các địa phương dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng bão Conson (số 5), đã có 4.280 ca F0 ở 29 huyện, thị xã tại 6 tỉnh, thành phố nằm trong diện phải sơ tán gấp đến các khu vực an toàn.
Cụ thể, Thanh Hóa có 215 ca tại TP Thanh Hoá, TX Nghi Sơn và các huyện: Nga Sơn, Như Thanh, Nông Cống; Nghệ An có 1.105 ca tại TP Vinh và các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Nam Đàn; Quảng Bình có 928 ca F0 tại các huyện Đồng Hới, Bố Trạch và Tuyên Hóa.
TP Đà Nẵng có 1.524 ca F0 tại 7 quận: Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang; Thừa Thiên - Huế có 322 có ca F0 ở các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Lộc, TP Huế, Quảng Điền, Phú Vang; Quãng Ngãi có 185 ca F0 ở H.Bình Sơn và TP.Quãng Ngãi.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc sơ tán các trường hợp F0 ở trong vùng nguy hiểm để phòng tránh thiên tai là tình huống rất đặc biệt trong mùa mưa bão năm nay.
Các địa phương vừa phải lo chống bão vừa lo đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, đồng thời cần đảm bảo để dịch bệnh không lây lan trong quá trình di chuyển, không vi phạm chỉ thị về giãn cách xã hội…
“Chúng tôi đã xây dựng cuốn sổ tay về phòng chống COVID-19 trong điều kiện thiên tai xảy ra. Ban chỉ đạo TƯ cũng liên hệ với Bộ Y tế đề nghị có hướng dẫn, có chỉ đạo, đôn đốc các địa phương. Đến nay, Bộ Y tế đã có hai văn bản hướng dẫn cho sở y tế ở các tỉnh, thành phố trong khu vực bão ảnh hưởng để lên phương án, kịch bản chi tiết”, ông Hoài nói.
Theo đó, các địa phương đã lên các kịch bản cụ thể, như sàng lọc các trường hợp F0 như thế nào, di chuyển đến đâu, các điều kiện trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị F0 ra sao và làm sao không để lây nhiễm ra cộng đồng... Những yếu tố này đã được đề cập với các địa phương, cũng như xây dựng phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho các khu vực phải sơ tán bởi bão Conson.