Thời gian gần đây, việc ngập nặng tại thành phố lớn đang là vấn đề nan giải khiến nhà chức trách đau đầu. Tuy nhiên việc ngập ở nội ô các thành phố lớn khiến nhiều người dễ hình dung hơn là việc “tưởng tượng” ra cảnh ngập xảy ra tại các vùng nông thôn sau cơn mưa kéo dài vài giờ đồng hồ. Bởi xưa nay, nếu mưa chỉ tầm 1 – 2 tiếng đồng hồ đối với thành phố lớn là “ác mộng” nhưng với các vùng nông thôn là “chưa thấm vào đâu”.
Nhưng không có gì là không thể xảy ra được, mới đây chúng tôi nhận được phản ánh của cả 90 hộ dân (với khoảng hơn 200 người) sinh sống ngay bên cạnh quốc lộ 1A, đoạn thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai “kêu cứu” vì ngập.
Cụ thể, 90 hộ dân sinh sống tại 3 ấp gồm Chiến Thắng, Hòa Bình, Hòa Hợp thuộc xã Bảo Hòa (Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) đã phản ánh về tình trạng nhà xây lấn suối, rác,… khiến mỗi lần mưa lớn kéo dài là dân chịu cảnh ngập. Họ cho rằng, tình trạng ngập mỗi ngày một nghiêm trọng hơn vì trước đây có ngập nhưng ngập nhẹ và đến nay thì mưa vài giờ là dân đã phải chịu ngập. Chính vì vậy họ đã nhiều lần gửi đơn lên xã với mong muốn có cách giải quyết, chống ngập.
|
Suối hẹp và ngập đầy rác. |
Theo đó, người dân cho biết, dòng suối chảy qua nhà họ là suối có chức năng thoát nước chính cho xã Bảo Hòa. Trước đây suối rộng khoảng 8m nhưng nhiều năm gần đây đã bị người dân lấn chiếm để xây dựng nên suối bị thu hẹp lại còn khoảng 1 – 1,5m. Không chỉ bị lấn để xây dựng mà còn nhiều người dân thiếu ý thức đã vứt rác xuống suối khiến tắc dòng chảy.
Theo những người này, cơn mưa chỉ kéo dài từ 1 – 2 tiếng đồng hồ là mực nước dâng cao khoảng 0,5 – 1m. Đỉnh điểm gần đây do mưa khá lớn, lượng mưa cao nên mực nước dâng đỉnh điểm lên 1,8 – 2,2m.
Nước dâng rất cao còn suối đầy rác và đã bị thu hẹp nên không có lối thoát và đã ập vào nhà dân gây hư hỏng đồ đạc, nhiều người phải leo lên giường, lên cây để thoát nạn.
|
Bà Khánh cho biết mưa nhỏ cũng đủ để ngập. |
“Trận mưa mới đây kéo dài nhiều giờ đồng hồ đã gây ngập lên nhà chúng tôi nghiêm trọng. Thời điểm này bờ bao sập, tôi ra xem thì nước nó ào vào vườn nhà tôi luôn, chạy không kịp nên tôi phải leo lên cây ổi thoát thân. Lát sau trên xã có người xuống giúp kê lại đồ đạc trong nhà và “cứu” tôi xuống.
Không muốn chịu cảnh ngập lụt này thêm bất cứ lần nào nữa nên chúng tôi đã nhiều lần làm đơn gửi lên cơ quan chức năng nhưng đến nay mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Chỉ mong xã, huyện, tỉnh nhìn đến chúng tôi để chúng tôi bớt khổ”, bà Trần Thị Hồng Khánh (người dân) bức xúc nhớ lại.
|
Đồ đạc nhà bà Khánh bị hư hỏng nặng sau mưa. |
Để có thể tận mắt thấy “nỗi khổ” của người dân, phóng viên báo Người Đưa Tin đã trực tiếp đến khu vực này để ghi nhận tình hình thực tế. Theo ghi nhận của phóng viên, dòng suối Bảo Hòa hiện nay chỉ rộng khoảng 1 – 1,5 mét. Trên suối , nhất là khu vực cống ngập đầy rác và có nhiều hộ xây nhà kiên cố, xây cầu nối nhà lấn suối. Và điều để “chứng minh” người dân phải chịu khổ như thế nào trong nhiều năm qua đó chính là những vệt nước màu rêu còn in lại sau mỗi lần ngập và tường bao bị sập, nhiều nhà do bị nước “tấn công” nên đến nay đã bị sụt lở, nứt toác.
|
Nhà bà Yêu sụt lở, nứt toác. |
Một điều khiến chúng tôi thấy ám ảnh nhất đó chính là các câu chuyện về nỗi khổ chạy ngập của người dân cũng như việc nhìn thấy biển rao bán nhà không lạ lẫm ở khu vực ngập.
“Nhà chúng tôi có lẽ là căn nhà thảm hại nhất đến mức giờ mẹ chồng tôi phải rao bán vì không giám ở. Hiện tại bà ấy không ở nhà mà đến nhà bà con “lánh nạn” bởi sau cơn mưa kinh hoàng mới đây bà ấy bị sốc nặng. Tôi cũng không quên nổi cái giọng ú ớ của mẹ tôi khi nhìn thấy bức tường đổ sập và nước ào vào. Bà cố chạy và đuối sức ngay tại cửa nhưng vẫn cố bò lên giường.
Và cho tận khi nước rút bà đơ hết người chân tay cứng hết vì sợ hãi khiến vợ chồng tôi cũng bị một phen khiếp vía. Sau ngập không lâu mẹ chồng tôi phải nhập viện để điều trị và đến nay thấy mưa là đi “trốn”, cũng sau vụ ấy mẹ tôi rao biển bán nhà nhưng chả thấy ai mua”, vừa nói con dâu của bà Nguyễn Thị Yêu (người dân) vừa chỉ cho chúng tôi thấy bức tường bao bị sập cũng như căn nhà nứt toác của mẹ chồng cô.
|
Bà Yêu phải treo biển bán nhà vì sợ ngập. |
Không chỉ hộ bà Khánh, bà Yêu mà còn nhiều hộ dân khác cũng phải “gồng mình” chống chọi với ngập suốt nhiều năm qua. Có những người dân đã đến tuổi “xưa nay hiếm” cuộc sống khó khăn nhưng vẫn phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Giờ họ chỉ mong muốn cơ quan chức trách sớm xử lý tình trạng trên để bà con bớt khổ.
Ông Phạm Ngọc Lộc (Chủ tịch UBND xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) xác nhận có tình trạng ngập, tình trạng xây nhà lấn suối xảy ra tại khu vực nói trên. Ông Lộc cho biết xã đã tiếp nhận đơn của người dân và đã cho cán bộ đến ghi nhận tình hình để có hướng xử lý. Và trước mắt nếu có mưa xã đều cho người xuống phụ dân kê đồ đạc tránh thiệt hại tài sản.
“Chúng tôi đã tiếp nhận đơn phản ánh về tình trạng ngập của 90 hộ dân sống cạnh suối Bảo Hòa. Chúng tôi xác nhận có tình trạng ngập và nguyên nhân ngập là do QL1A được nâng cấp, nhiều nhà dân xây dựng lấn suối, người dân thiếu ý thức vứt rác xuống suối.
Hiện xã đã có báo cáo gửi lên huyện, đồng thời tổ chức họp với các ban ngành liên quan nhằm đưa ra giải pháp tạm thời và lâu dài. Trước mắt sẽ tiến hành nạo vét lòng suối sau đó sẽ xử lý đến vấn đề xây dựng nhà ở lấn suối, tuy nhiên do nhiều hộ dân lấn (lấn nhiều lấn ít đều có lấn) và đã xây nhà kiên cố nên việc xử lý cần có thời gian. Và do xã cũng có ngân sách để xử lý khắc phục thiên tai nên xã cũng đề xuất được trích số ngân sách trên để hỗ trợ cho các hộ dân chịu thiệt hại”, ông Lộc nói.
Ngoài ra ông Lộc còn cho biết sẽ giải quyết vấn đề này hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân, không để dân chịu thiệt thòi.
Chúng tôi cũng liên hệ với ông Lê Khắc Sơn (phó chủ tịch huyện Xuân Lộc), ông Sơn thông tin là huyện đã nhận được báo cáo về tình hình ngập ở khu cực nói trên của xã Bảo Hòa. Sau khi nắm sự việc, huyện đã có chỉ đạo xã sớm đưa ra phương án giải quyết vấn đề trên để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân.