Số ca COVID-19 tăng mạnh, nhiều F0 chuyển nặng: Có đáng ngại?

Google News

Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại nhiều địa phương. Nhiều người lo ngại: Liệu dịch COVID-19 có bùng phát trở lại?

Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại nhiều địa phương. Riêng ngày 19/4, Bộ Y tế cho biết có 2.159 ca mắc COVID-19 mới, số bệnh nhân đang thở oxy là 111 ca. Nhiều người lo ngại: Liệu dịch COVID-19 có bùng phát trở lại?
PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế và bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, cố vấn khối nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
So ca COVID-19 tang manh, nhieu F0 chuyen nang: Co dang ngai?
 Ảnh minh họa.
Số ca mắc COVID-19 tăng giảm là chuyện rất bình thường!
Số ca mắc COVID-19 tăng cao tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây, theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
GS.TS Trần Đắc Phu: Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu tăng trở lại là vì sau một thời gian tiêm vắc xin, miễn dịch giảm. Bên cạnh đó, miễn dịch của người đã nhiễm cũng giảm nên họ có nguy cơ mắc lại. Người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan. Cuối cùng là việc người dân chủ quan, lơ là không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh.
Số ca mắc COVID-19 tăng giảm là chuyện rất bình thường. Trên thế giới cũng thường xuyên xuất hiện các làn sóng mắc COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa công bố hết dịch do tình hình chưa ổn định. Số ca mắc như hiện nay vẫn chưa phải số liệu thực tế vì người nhiễm bệnh có triệu chứng, nhưng không xét nghiệm hoặc xét nghiệm dương tính nhưng không báo với cơ sở y tế và tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, để bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP HCM và miền Nam trước đây, tôi nghĩ là không xảy ra. Những ca mắc đợt này nhẹ.
Một số ý kiến cho rằng, trước việc COVID-19 gia tăng như thời gian gần đây, ngành y tế cần phải đánh giá nguy cơ?
GS.TS Trần Đắc Phu: Đúng vậy. Theo tôi, ngành y tế cũng phải đánh giá nguy cơ như thế nào, liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vắc xin hay không? Từ đó, để có cảnh báo cho người dân, chủ động trong phòng, chống dịch.
Bản thân virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng. Trong bối cảnh các quốc gia mở cửa để phát triển kinh tế, các sự kiện tập trung đông người... nguy cơ gia tăng ca nhiễm cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta cần kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không được để gây quá tải hệ thống y tế.
Chúng ta đã tiêm phủ vắc xin, đó là thuận lợi để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch?
GS.TS Trần Đắc Phu: Đây cũng có thể coi là một làn sóng dịch mới. Tuy nhiên, hiện chúng ta đã hiểu biết nhiều về COVID-19, cùng đó năng lực phòng chống dịch tăng lên, cách đáp ứng tăng lên và đặc biệt là linh hoạt hơn. Chúng ta cũng đã phủ vắc xin với tỉ lệ rất cao. Tuy nhiên, dịch vẫn có thể bùng phát và không lơ là, chủ quan với điều này. Hệ thống y tế dự phòng có những “tổn thương” nhất định sau đợt dịch COVID-19 vừa qua nên cũng cần rút kinh nghiệm để phòng chống dịch tốt hơn.
Dù đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với dịch bệnh này, song chúng ta phải căn cứ tình hình dịch bệnh các nước khác trên thế giới, chẳng hạn như Ấn Độ cũng đang tăng nhanh số ca nhiễm, đặc biệt là sự xuất hiện biến thể XBB.1.16 lây lan nhanh hơn.
Biến chủng này chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng, nhưng điều đó cho thấy trên thế giới, COVID-19 chưa ổn định như cúm mùa.
So ca COVID-19 tang manh, nhieu F0 chuyen nang: Co dang ngai?-Hinh-2
PGS.TS Trần Đắc Phu 
Nhiều người lo lắng, liệu có xảy ra tình trạng cách ly, phong tỏa giống đợt dịch trước?
GS.TS Trần Đắc Phu: Trong phòng chống dịch COVID-19 chúng ta vẫn phải thực hiện nguyên tắc nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng và vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá thì lại cấm đoán gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống. Vấn đề là chúng ta không nên quá lo lắng, nhưng cũng đừng chủ quan lơ là. Điều quan trọng là cần bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước COVID-19 như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vắc xin.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Số ca mắc đang tăng, nhưng so với các bệnh cảm cúm, hô hấp thì số ca mắc COVID-19 không hề vượt trội. Do vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không chủ quan với dịch bệnh, nhưng cũng đừng tự đẩy lên cao trào, gây hoang mang dư luận. Người dân cần phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang và sát khuẩn tay, những người có nguy cơ cần phải cẩn trọng hơn.
So ca COVID-19 tang manh, nhieu F0 chuyen nang: Co dang ngai?-Hinh-3
Bác sĩ Trương Hữu Khanh 
Dịp lễ tới, dịch bệnh dễ lây lan, phòng thế nào?
Dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 tới đây kéo dài 5 ngày, sẽ là cơ hội để người dân đi lại, tụ tập đông người, nhiều sự kiện lớn như các lễ hội du lịch... Điều này sẽ tạo nguy cơ cao cho dịch lây lan, làm gia tăng ca nhiễm?
GS.TS Trần Đắc Phu: Thời gian nghỉ lễ tới đây nhu cầu đi lại gia tăng, vì vậy người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B và các bệnh lây qua đường hô hấp khác. Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc COVID-19 hay không và cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vắc xin của Bộ Y tế.
Tôi cho rằng cơ quan chức năng cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng hiện tại như thế nào, có chủng mới vô hiệu hóa vắc xin hay không, đồng thời đánh giá lại việc tiêm vắc xin theo lịch. COVID-19 sẽ không mất đi và việc tiêm vắc xin là vẫn cần thiết, nhưng quan trọng là xác định nên tiêm cho đối tượng nào.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!

3 yếu tố đánh giá tình hình dịch COVID-19

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, việc đánh giá tình hình dịch COVID-19 sẽ dựa trên 3 yếu tố.

Thứ nhất, là virus SARS-CoV-2: Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng. Một điểm cần lưu ý là đặc tính hiệu quả của vắc xin trong phòng lây nhiễm với biến thể Omicron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả.

Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá những người đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đã mắc, hầu hết đều có miễn dịch – do vắc xin hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc phải có biểu hiện nhẹ hơn, ít hơn hoặc không có triệu chứng. Mặc dù hiện nay tỷ lệ nặng/mắc không có sự gia tăng đáng kể, kể cả đối với Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý, các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19. Do đó cần tuân thủ việc tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thứ hai, là môi trường sống, hành vi của người dân: Biến thể Omicron có đặc điểm lây lan nhanh. Hiện nay hầu hết các nước đã mở cửa, nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống dịch kể cả ở những nước có sự lây nhiễm cao. Cùng đó việc giao lưu đi lại sau 3 năm đại dịch gia tăng rất lớn, thậm chí ngay trong nước cũng làm gia tăng sự giao tiếp. Những sự giao lưu này đã tạo điều kiện cho virus lây lan sang đối tượng khác. Thời gian qua hoạt động phòng chống dịch của chúng ta đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vắc xin. Vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, chính điều này làm gia tăng sự lây nhiễm. Trên thực tế, hiện nay tại nước ta số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc – nơi đang có sự giao mùa. Thống kê hiện nay là đã tăng khoảng gần 4 lần với tuần trước đó. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của virus, ý thức của con người, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh có lúc có nơi chưa đảm bảo.

Thứ ba, về biện pháp đáp ứng: Vũ khí hiệu quả của Việt Nam là do chúng ta đã bao phủ vắc xin phòng chống dịch COVID-19 rất sớm. Với liều cơ bản, chúng ta bảo phủ gần như 100% cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, mũi 3, 4 cũng đạt tỷ lệ cao 80-90%, việc tiêm cho trẻ từ 5 đến – dưới 12 tuổi mũi 1 cũng lên đến 90%, mũi 2 là gần 70%. Tuy nhiên có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao. Đánh giá chung tình hình thì số mắc COVID-19 trong thời gian tới có thể có sự gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang ở cấp độ dịch 1- tất cả đều màu xanh. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc mà còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng đảm bảo thu dung điều trị.

>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Covid-19 có thể gây viêm não tương tự bệnh Parkinson.

Nguồn: THDT




Hải Ninh (thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)