Hai vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) khiến 53 người mất tích. Đến chiều ngày 29/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 16 thi thể, trong đó, có 8 nạn nhân là người ở xã Trà Vân và 8 nạn nhân ở xã Trà Leng. Ngoài ra, cũng tại tỉnh Quảng Nam xảy ra vụ sạt lở khiến 11 người bị vùi lấp, hiện đã tìm được 3 thi thể tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn.
Dư luận đặt câu hỏi, những thảm họa trên được đã được báo trước từ khi bão số 9 chưa đổ bộ, tại sao vẫn xảy ra đau lòng và thương tâm đến vậy?
|
Hình ảnh vụ sạt lở tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam). |
Việc đặt câu hỏi của dư luận không phải không có cơ sở. Bởi trước khi bão lớn đổ bộ đất liền, tại cuộc họp ứng phó bão Molave sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo hiện tượng sạt lở núi có thể xảy ra bởi khu vực miền Trung có độ dốc lớn, đất ngâm nước lâu ngày mà hay gọi là “mưa thối đất”, như trường hợp 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337 ở Quảng Trị bị vùi lấp thì vùng sạt lở nằm cách nơi đóng quân tới 1,6 km. Đồng thời yêu cầu các địa phương phải chủ động di dời dân.
Tại hai công điện ngày 26 và ngày 27/10 ứng phó khẩn cấp với bão số 9, Thủ tướng đều yêu cầu, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân: sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Ngày 27/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 1667/QĐ-TTg, thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó bão số 9 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban.
Tại nhiều cuộc họp ứng phó bão trước khi bão số 9 vào đất liền, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhiều lần chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tận dụng “thời gian vàng” trước khi bão số 9 đổ bộ, di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, phải hoàn thành việc di dời người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân, cử người theo dõi, canh gác tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, ngầm tràn, nước chảy xiết, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên khẩn trương rà soát các hộ dân còn ở các khu vực có nguy cơ mất an toàn phải di dời ngay…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung bảo đảm an toàn trên đất liền khi bão đổ bộ, chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không an toàn…
Do đó, việc xảy ra liên tiếp 3 vụ sạt lở tại Quảng Nam khiến số người bị thiệt mạng lên đến hàng chục người là rất đáng tiếc.
Tại cuộc họp tối ngày 28/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, một số sự cố có thể lường trước được nhưng riêng sạt lở đất do mưa lũ kéo dài ở vùng núi rất khó đoán định.
"Bão vào chủ động ứng phó được nhưng sạt lở đất rất khó khăn, không chỉ Quảng Nam mà các địa phương khác cũng vậy" - Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng lưu ý Quảng Nam cần đặc biệt tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Ông yêu cầu tiếp tục rà soát các vị trí nguy hiểm để sơ tán dân. "Khó nhưng cũng phải làm" - Phó Thủ tướng quán triệt.
Tại cuộc họp của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sáng 29/10, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo tất cả các tỉnh vùng miền núi rà soát lại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt sạt lở có rất nhiều nhưng chỗ nào có dân ở thì chúng ta phải có biện pháp trước khi có bão, lũ đến.
“Khu vực lũ chúng ta có thể tích trữ lương thực thực phẩm vào, nhưng đối với sạt lở hết sức phức tạp không biết chỗ nào mà lần. Nên những khu vực nào ven núi chúng ta phải tổ chức sơ tán trước khi mưa lũ vì xảy ra rất nhanh, mà hậu quả lại khó lường" - ông Dũng nói.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sạt lở đất tại địa bản đóng quân sư đoàn 337, Quảng Trị