Sáng nay (22/1), HĐXX Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ tuyên án bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và 21 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trước giờ bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm bị kết án, dư luận vẫn thắc mắc liệu rằng ông Thăng có còn được HĐXX cho nói thêm lời nào nữa hay không và nếu được nói thì ông tiếp tục nói gì?
Trong phiên tòa ngày 17/1 trước đó, ở phần tự bào chữa cho mình và nói lời sau cùngm ông Thăng trình bày trước HĐXX rằng: “Không bao giờ nghĩ mình phải đứng trước tòa để nói lời sau cùng. Đây là sự bất hạnh, đau xót với bị cáo, gia đình".
|
Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử. |
Ngoài ra, ông Thăng còn nhắc đến những món nợ với nhân dân do nhiều việc mà bị cáo chưa làm được khi còn đương chức. "Bị cáo còn nợ nhân dân sân bay Quốc tế Long Thành, tuyến cao tốc Bắc Nam; người dân vùng sâu vùng xa hàng nghìn cây cầu dân sinh để họ đi lại an toàn. Ở TP HCM, còn nợ người dân đưa thành phố trở thành nền kinh tế số một châu Á, một thành phố bình an không trộm cắp, cướp giật, tệ nạn xã hội; một khát vọng biến Củ Chi thành một trung tâm hành chính mới; người dân Cần Giờ, công nhân lao động được đến một nơi ở mới văn minh, sạch sẽ; các cháu học sinh về một chương trình giáo dục không bị quá tải, hội nhập; một cháu bé chân tay cụt chưa đến thăm cháu và gia đình và nhiều món nợ cũng chỉ là ý tưởng…", ông Thăng nói.
Ông Thăng cũng từng đề nghị HĐXX, VKSND TP Hà Nội thay đổi biện pháp ngăn chặn để bản thân ông được tại ngoại thăm bố ốm và ăn cái Tết cuối cùng với người thân gia đình, bạn bè trước khi chấp hành án phạt tù.
Ngoài xin cho mình, ông Thăng không quên xin HĐXX “xem xét cho các bị cáo khác liên quan đến dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vì họ không có động cơ cá nhân. Thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo khác vì họ không gây nguy hiểm cho xã hội nên không cần thiết phải bị tạm giam”.
Mặc dù những lời của ông Đinh La Thăng từng khiến cả phiên tòa lắng lại, song chung quy, bị cáo vẫn khẳng định, bản thân không cố ý làm trái, việc ký hợp đồng, tạm ứng tiền là trách nhiệm của ban giám đốc và chủ đầu tư không liên quan nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, đại diện VKSND TP Hà Nội nói có đủ căn cứ xác định bị cáo Đinh La Thăng cố ý làm trái quy định Nhà nước. Cáo trạng xác định ông Đinh La Thăng chỉ định PVC thực hiện và ký gói thầu EPC số 33 trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỉ sai mục đích gây thiệt hại gần 120 tỉ đồng.
Theo đại diện cơ quan công tố, với vai trò người đứng đầu, ông Thăng biết rõ PVC không đủ điều kiện làm tổng thầu nhưng vẫn chỉ định ký gói thầu EPC và chỉ đạo cấp dưới tạm ứng tiền cho công ty này trái quy định.
Sáng nay Tòa kết án, một trong những đề nghị của ông Thăng được dư luận quan tâm là liệu ông có tiếp tục đề nghị được tại ngoại và ông có được tại ngoại? Ông sẽ nhận trách nhiệm của mình đến đâu hay vẫn chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu mà không nhận trách nhiệm sai phạm của mình?
Hay như một độc giả từng bình luận: “Ra tòa, toàn thấy ông kể công chứ không thấy tội lớn của mình với Quốc gia. Ông góp phần khiến ngân khố thâm thủng, ngành dầu khí điêu tàn, cấp dưới khốn khổ rồi lâm cảnh tù đày. Công to hay tội lớn rồi đây pháp luật sẽ đưa ra mức án nghiêm minh, nhưng rõ ràng ông vẫn chưa nhận mình sai. Xuân này có bao nhiêu người xa quê đâu được về ăn Tết, là phạm nhân sao ông cứ nằng nặc xin về”.
Có lẽ, trong phiên tòa hôm nay, dư luận mong chờ một lời nói trách nhiệm, nhận thức rõ sai phạm của mình từ ông Thăng chứ không phải chỉ kể công chung chung hay xin được tại ngoại như ông đã từng nói. Đó là điều ông nên làm để "trả nợ" cho những người từng tin yêu, đề bạt ông cũng như những đồng nghiệp, thuộc cấp vì ông mà họ liên lụy phải bước vào con đường tù tội.
Theo cáo trạng truy tố, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị can Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và BQL dự án căn cứ Hợp đồng này tạm ứng 6.6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119.8 tỷ đồng.
Hành vi trên đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Trong phiên xét xử chiều 11/1/2018, đại diện VKS đề nghị mức phạt từ 14-15 năm tù đối với Đinh La Thăng.