Theo đó, hội nghị sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35, đặt ra những giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35, kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp phát triển.
Tổng số đại biểu tham dự Hội nghị năm nay ước khoảng 2.000 đại biểu. Trong đó có khoảng 1.500 đại biểu doanh nghiệp khu vực tư nhân, 200 đại biểu từ các doanh nghiệp FDI, đại diện cơ quan ngoại giao và các định chế tài chính lớn; và khoảng 100 đại biểu doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa.
Ngoài ra, sẽ có hàng chục nghìn đại biểu tham dự hội nghị từ xa qua các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Vào chiều cùng ngày, Chính phủ sẽ họp để bàn bạc các giải pháp có thể tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp. Cuối ngày sẽ tổ chức họp báo công bố kết quả của hội nghị.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2017 sẽ tập trung thảo luận một số vấn đề chính:
Thứ nhất, những cơ chế chính sách, quy định pháp luật hiện cản trở đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, nhân lực…
Thứ hai, các quy trình, thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho danh nghiệp, chỉ rõ khâu nào, lĩnh vực nào chưa tốt, thủ tục nào không cần thiết? Gánh nặng thanh tra, kiểm tra hiện tại thế nào? Cấp nào, ngành nào, cơ quan, tổ chức cá nhân nào gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp?
Thứ ba, các giải pháp cần thiết để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng, cả trước mắt và lâu dài.
Thứ tư, các vấn đề đặt ra và đề xuất giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp trong tranh chấp pháp lý trong nước và quốc tế.
Thứ năm, những bất cập và đề xuất, kiến nghị về cơ chế phản hồi thông tin, giải quyết kiến nghị, khiếu nại của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần làm gì để hướng tới phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại.
Chính sách có rồi thì thực thi thế nào để các cơ quan Nhà nước thực sự trở thành người đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp?
Sau hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, đại biểu sẽ nêu ý kiến cụ thể về từng lĩnh vực và các nội dung cụ thể cần đưa vào chỉ thị của Thủ tướng.
|
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới một năm qua. Đồ họa: Hiếu Công.
|
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã gửi đến hội nghị nhiều ý kiến đóng góp cũng như phản hồi tích cực sau “Diên Hồng” lần thứ nhất.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, mong Chính phủ tiếp tục làm rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, kỳ vọng Hội nghị Thủ tướng sẽ là bước nền để đưa cơ quan Nhà nước gần lại với doanh nghiệp hơn.
Ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, cho rằng cần nhanh chóng cụ thể hóa những cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, lao động - tiền lương, hỗ trợ về đào tạo, khoa học, công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại… giúp doanh nghiệp.
Trả lời Zing.vn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết cộng đồng doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào giai đoạn tăng tốc của việc thực hiện Nghị quyết 35. VCCI sẽ đưa ra các kiến nghị để làm sao rút ngắn được chặng đường giữa nghị quyết và cuộc sống, giữa lời nói và việc làm.
Ông Lộc mong tất cả các công chức phải đồng hành cùng Chính phủ trước khi đồng hành cùng doanh nghiệp.
Đồng thời, VCCI sẽ có một số đề xuất vĩ mô, cố gắng thúc đẩy tăng trưởng nhưng không dùng quá nhiều biện pháp hành chính. Chính quyền không can thiệp vào hoạt động kinh doanh, tránh gây ra hệ lụy, không phát triển bền vững.