Ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu để khắc phục “bổ nhiệm sai cán bộ“

Google News

Nếu không có quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể đối với cấp uỷ và người đứng đầu khi chọn cán bộ sai thì khó lòng khắc phục được tình trạng quy trình đúng mà kết quả sai như thời gian vừa qua.

Chưa một nhiệm kỳ nào, việc giới thiệu lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lại được chuẩn bị công phu, bài bản chặt chẽ như nhiệm kỳ Đại hội XIII. Đại hội đã thống nhất rất cao tin tưởng bầu chọn 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa mới đáp ứng tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác sự nghiệp phát triển đất nước mà Đảng và nhân dân giao phó.

Tuy nhiên, mới gần nửa nhiệm kỳ đã có gần 70 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật... Từ đây đặt ra vấn đề vì sao vẫn còn xảy ra thực trạng đúng quy trình nhưng không đúng cán bộ. Chúng ta cần những giải pháp gì để hạn chế được hiện tượng “lựa chọn, bổ nhiệm nhầm cán bộ”.

Tại hội nghị bất thường diễn ra tháng 6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng đối với hai cựu Ủy viên Trung ương Đảng gồm ông Chu Ngọc Anh, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế do những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến vụ Việt Á…

Rang buoc trach nhiem nguoi dung dau de khac phuc “bo nhiem sai can bo“
Ông Nguyễn Thanh Long (ảnh trái) và ông Chu Ngọc Anh.

Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cũng đồng ý cho các ông Nguyễn Thành Phong (Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương), Huỳnh Tấn Việt (Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương) và Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương vì những sai phạm xảy ra trong những nhiệm kỳ trước…

Nhiều cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương bị khởi tố, truy tố, xét xử liên quan đến các vụ án tham nhũng kinh tế lớn như Việt Á, chuyến bay giải cứu, vi phạm các quy định về đấu thầu cho thấy công tác cán bộ ở một số trường hợp dù làm đúng quy trình nhưng kết quả lại sai.

Tình trạng này xảy ra ngoài việc do chính cán bộ có chức, quyền thoái hoá, biến chất thì việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ vẫn chưa hiệu quả, nhất là chưa có những quy định thật chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, những người tham gia vào quá trình giới thiệu, quy hoạch, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ.

Ông Đinh Văn Minh – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh, trong công tác cán bộ, những người tham gia vào quá trình đó cũng phải có trách nhiệm trong việc lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm… Công tác cán bộ, công tác nhân sự cần phải làm rõ trách nhiệm của người tham gia vào việc lựa chọn, giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đó.

Rang buoc trach nhiem nguoi dung dau de khac phuc “bo nhiem sai can bo“-Hinh-2
Ông Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ)

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đào - Giảng viên cao cấp, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, tất cả quy trình bổ nhiệm cán bộ đều do con người thực hiện, ngay từ khâu đầu tiên là giới thiệu cán bộ, không phải cả tập thể đồng loạt giơ tay giới thiệu một người, mà ở đó có một người đề xuất, khởi xướng lựa chọn cán bộ. Người giới thiệu nhân sự có thể vì lợi ích của mình, lợi ích của gia đình mình, dòng họ, anh em bạn bè mà đề xuất tiến cử cán bộ… Do vậy, phải có quy định buộc người tiến cử cán bộ phải liên đới chịu trách nhiệm nếu tiến cử sai, có như vậy mới lựa chọn được cán bộ đủ tâm, tài, trí phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.

"Nhiều người giới thiệu đàn em kế tục mình hay đảm đương một vị trí nào đó. Vậy sau đó, người được tiến cử rơi vào vòng lao lý thì người tiến cử có trách nhiệm không? Trách nhiệm rất lớn. Anh đã giới thiệu sai và chúng ta phải tìm động cơ của người giới thiệu là vì cánh hẩu với anh hay giới thiệu để bảo lãnh chính trị. Nếu như để xảy ra tình trạng người mình giới thiệu vi phạm thì mình cũng phải gánh trách nhiệm", ông Nguyễn Ngọc Đào nêu ý kiến.

Theo nguyên tắc tổ chức của Đảng: Tập thể cấp ủy mới có quyền quyết định về công tác cán bộ, tuy vậy, thực tế lại đang bị chi phối rất lớn từ người đứng đầu, Bí thư cấp uỷ có thể tạo nên quyền lực mềm lái được các bước trong công tác cán bộ theo ý mình... Từ thực tế đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị phải làm rõ bước “dân chủ” và bước “tập trung”.

"Chỗ nào dân chủ để có ý kiến, để có lá phiếu đúng đắn về uy tín cán bộ khi bổ nhiệm. Chỗ nào cần định hướng, chỗ nào tập trung, chỗ này thể hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Vừa rồi, chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ. Nhưng ngược lại có nơi “thả nổi”. Người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm. Cả 2 việc này không tốt cho Đảng. Vì vậy đây là nguyên tắc “cốt tử” cần quan tâm, cụ thể hóa để dễ thực hiện, dễ chấp hành”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho biết.

Rang buoc trach nhiem nguoi dung dau de khac phuc “bo nhiem sai can bo“-Hinh-3
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai

PGS.TS Nguyễn Vũ Tiến, nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho rằng, chúng ta đã nhiều lần đề cập trách nhiệm của người giới thiệu, lựa chọn, bố trí sai cán bộ, nhưng thực tế chưa có trường hợp nào làm công tác tổ chức cán bộ bị xem xét trách nhiệm đúng mức. Bởi chúng ta mới nói trách nhiệm chung chung chứ chưa thật cụ thể. Vì vậy nếu không có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với cấp uỷ và người đứng đầu khi chọn cán bộ sai thì khó lòng khắc phục được tình trạng quy trình đúng mà kết quả sai như thời gian vừa qua.

"Quy định nói phải chịu trách nhiệm nhưng chỉ nói chung chung về mặt đảng. Vấn đề trách nhiệm như thế nào tới đây trong Luật cán bộ công chức phải có quy định cụ thể về trách nhiệm của người giới thiệu sai cán bộ, trách nhiệm của cấp uỷ và người đứng đầu ở đó như thế nào…Nếu không làm được như vậy thì khó mong muốn đạt được đội ngũ cán bộ có chất lượng", ông Nguyễn Vũ Tiến cho biết.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, phát triển kinh tế bằng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đằng sau các chức vụ lãnh đạo quản lý là quyền lực, bổng lộc. Bởi vậy, vấn đề bố trí nhân sự sẽ chịu nhiều sự tác động. Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng không phải cứ sai là được rút kinh nghiệm, vì vậy phải kiểm soát quyền lực của người đứng đầu. Thời gian tới để việc ràng buộc trách nhiệm trong công tác cán bộ có thể đi vào thực tiễn phải tách bạch trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm tập thể, đồng thời có những chế tài cụ thể để có tác động răn đe, kiểm soát quyền lực mạnh mẽ hơn./.

Theo Sỹ Lý/VOV

>> xem thêm

Bình luận(0)