Những ngày này, cử tri cả nước đang háo hức chào đón ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của đất nước. Trong không khí chào đón ngày trọng đại này, cùng quay ngược thời gian tìm hiểu quy trình tiến cử, tuyển chọn nhân tài trong các triều đại phong kiến Việt.
Tuyển chọn quan lại theo cách nào?
Thời phong kiến, ngôi vua là cha truyền con nối nên dẫn đến trong việc tuyển quan lại có thể lệ tập ấm, tức là các con cái quan lại thì có suất để được bổ nhiệm làm quan, mà không phải qua thi cử. Học giả Đào Duy Anh, trong cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương", đã tóm tắt về chế độ tập ấm như sau: Các triều Lý, Trần, Lê vẫn có lệ thừa ấm, hễ con các quan thì lại được bổ làm quan. Ở triều Lê vẫn có lệ thừa ấm, có khoa nhiệm tử, cốt lấy con các quan mà bổ dụng.
|
Ảnh minh họa. |
Triều Nguyễn cũng có lệ tập ấm, phàm quan chính nhất phẩm thì còn được tập ấm theo hàng tùng lục, gọi là ấm thọ, đó là bậc cao nhất; còn bậc thấp nhất thì các quan tùng ngũ được một người con tập ấm gọi là ấm sinh. Tuy nhiên, phép thế tập ở nước ta không giống như phép thế tập của quý tộc các nước châu Âu, vì lệ tập ấm chỉ hưởng được một hai đời... Ngoài chế độ khoa cử đặt từ triều Lý thì các triều Lý, Lê lại có phép tiến cử và phép bảo cử, phàm các quan to ai cũng phải cử một người có tài đức hoặc người có danh vọng để triều đình bổ dụng.
Tuy nhiên, chế độ tập ấm ở Việt Nam thời phong kiến chỉ có tính chất như một phần thưởng để động viên quan lại, chứ không phải nguồn chính để tuyển dụng người vào bộ máy nhà nước. Để phát hiện và sử dụng nhân tài, hai phương thức chính là tiến cử hoặc bảo cử và thi cử.
Chế độ tiến cử và bảo cử thực chất là tương tự như nhau chỉ khác chút ít về hình thức. Trong đó, người tiến cử hoặc bảo cử phải là một vị quan đương nhiệm, còn người được tiến cử hoặc bảo cử thì có thể đang là quan hoặc chưa là quan. Nếu đang là quan thì thường được giới thiệu vào những vị trí cao hơn hoặc việc quan trọng đang khuyết người làm còn nếu là dân thường thì phải là người có thực tài, có đạo đức chói sáng và khi được tiến cử lên, bộ Lại và nhà vua sẽ xem xét tùy tài mà sử dụng.
|
Tranh minh họa vua Lê Thánh Tông. |
Đến thời Lê Thánh Tông, việc tiến cử hay bảo cử này cũng được quản lý chặt chẽ bằng luật. Điều 174 của Bộ Quốc triều hình luật quy định: những người làm nhiệm vụ cử người, mà không cử được người giỏi thì bị biếm hoặc bị phạt theo luật nặng nhẹ, nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì bị xử nặng thêm hai bậc.
Trong ba con đường vào quan trường thời phong kiến thì chế độ khoa cử là chủ yếu nhất và rộng rãi nhất. Theo từ điển Bách khoa tri thức, chế độ khoa cử bắt đầu từ năm 1075 đời vua Lý Nhân Tông. Khoa thi cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ năm 1915 và Trung Kỳ năm 1918 triều Khải Định nhà Nguyễn. Mỗi khoa thi thời phong kiến gồm 3 cấp là: Thi Hương, thi Hội và thi Đình.
Thi Hương là thi ở các địa phương. Thi Hội là về kinh đô. Sau khi đỗ thi Hội thì được vào sân rồng của vua thi với đề bài có thể do đích thân vua soạn. Nội dung các đề thi thường là hỏi về ý nghĩa kinh sách Nho giáo, thi làm thơ phú, trình bày quan điểm về đạo trị nước... Những người đỗ thi Hội trở lên được gọi là Tiến sĩ và có thể được bổ dụng các chức quan cao cấp trong triều đình.
|
Một cuộc thi Hương ở thành Nam thời Nguyễn. Ảnh tư liệu. |
Trong gần 1000 năm đó, đã có hàng ngàn vị Tiến sĩ và hàng chục Trạng Nguyên được ghi danh thể hiện rõ ràng con đường khoa cử là con đường rộng rãi để các sĩ phu bước vào quan trường hành đạo giúp đời.
Bên cạnh ban văn, những người đi theo võ nghiệp muốn bước ra làm tướng, cũng theo ba đường như trên. Một là được tập ấm, hai là được bảo cử tiến cử và ba là thi cử. Lệ thi võ để chọn người làm quan võ, theo sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, bắt đầu từ năm 1723 dưới thời chúa Trịnh Cương. Chúa Trịnh học theo phép nhà Đường, nhà Tống, hạ lệnh 3 năm tổ chức một khóa thi võ. Các năm Tí Ngọ Mão Dậu thi ở địa phương và các năm Thìn Tuất Sửu Mùi thì thi ở kinh thành.
Trong khoa thi võ đầu tiên này, đầu đề do chính chúa soạn và chia làm 3 kỳ thi. Kỳ thứ nhất hỏi sơ qua 6 câu về đại nghĩa trong binh pháp Tôn Tử. Kỳ 2 thi cưỡi ngựa múa đâu mâu, bắn cung, lăn khiên, múa kiếm, đấu kích, chạy bộ múa đâu mâu, lại đấu kiếm. Kỳ thứ 3 thi về phương lược đánh trận và một bài thơ đường. Đầu đề do chúa nghĩ soạn.
Trước khi có kỳ thi võ, từ thời Trần đã có Giảng võ đường làm nơi luyện tập võ nghệ binh thư nhưng chỉ giành cho tướng soái và con em quý tộc đến học và chưa có việc thi cử để ra làm quan võ một cách rõ ràng quy củ. Bởi thế thời đó các danh tướng phần lớn là quý tộc hoặc không cũng là gia nô, môn khách của quý tộc. Đó là trường hợp Yết Kiêu, Nguyễn Khoái, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão...
Biện pháp mạnh để quan liêm khiết
Dân gian Việt Nam thường nói “một người làm quan cả họ được nhờ” nhưng trong các thời kỳ phong kiến, các triều đình cũng luôn chú trọng việc đặt ra chế tài để tránh việc các quan lộng quyền và cài cắm người thân thích vào bộ máy. Theo sách "Việt Nam văn hóa sử cương", trong thời phong kiến, các vua chúa đã đặt ra một số quy định để hạn chế các đặc quyền của quan lại.
Ví dụ pháp luật cấm quan địa phương không được thụ nhiệm ở tỉnh nhà hay ở nơi cách nhà không đầy 500 dặm để cho thân thích bằng hữu khỏi cậy thế cậy thần mà làm ngang. Cấm quan không được lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình nhà vợ nhũng nhiễu.
|
Tranh minh họa triều đình nhà Lê. |
Cấm không cho tậu ruộng vườn nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp bách kẻ trị hạ để mua rẻ. Cấm không được tư giao với đàn bà con gái ở nơi mình trị hạt để đừng treo gương xấu cho nhân dân. Cấm quan lại khi đã nghỉ hưu không được lui tới cửa công để thỉnh thác cầu cạnh.
Mặt khác, các quan không phải cứ ngồi vào làm quan rồi là ấm chỗ, mà phải tiếp tục phấn đấu để chứng tỏ năng lực nếu tốt thì được thăng chức còn không thì bị giáng chức hoặc cách chức. Trong các triều đại Lý, Trần, việc thăng giáng chức thường chỉ thực hiện khi có công hoặc tội bị phát giác. Nhưng đến triều vua Lê Thánh Tông, nhà vua cho thực hiện chế độ khảo thi và khảo khóa để định kỳ sát hạch quan lại cả về trình độ và tác phong làm việc.
|
Sĩ tử xem bảng vàng. Ảnh tư liệu. |
Việc khảo thi, đối với quan văn thì thi giải kinh nghĩa các kinh sách Nho giáo, thi làm thơ và trả lời câu hỏi của vua về đạo trị nước. Quan võ thì thi bắn cung, đua ngựa, đấu khiên, đấu gươm, đấu vật, bày trận. Còn khảo khóa là nhận xét, đánh giá năng lực và kết quả công việc của mỗi vị quan.
Đáng chú ý là việc khảo thi và khảo khóa được tiến hành với cả với các nhân vật con ông cháu cha vốn tiến thân từ con đường tập ấm. Như vậy biện pháp khảo khóa này cũng góp phần sửa chữa các hạn chế của chế độ tập ấm. Nó đòi hỏi các “con ông cháu cha” phải có một trình độ nhất định, làm được việc, nếu không sẽ bị sa thải.
Theo Đại Việt sử ký, tháng 11 năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ về việc cấm để chậm các kỳ khảo khóa trong đó nói: “Phép khảo khóa cốt để phân biệt người hay, kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước. Đời Đường, Ngu ba năm một kỳ xét công để thăng hạng. Nhà Thanh Chu, ba năm một lần xét việc để định thưởng phạt. Nay nha môn trong ngoài các ngươi, người nào nhậm chức đủ ba năm, phải báo ngay lên quan trên không được để chậm. Nếu quá một trăm ngày mà không kê danh sách gửi thì tính số người chậm, mỗi người chậm thì phạt một quan tiền, kẻ nào theo tình riêng mà dung túng đều phải trị tội cả”.
Thông qua khảo khóa, nhà vua và triều đình sẽ quyết định việc thăng giáng hoặc cách chức quan lại. Năm 1478, vua Thánh Tông nói rõ các quan viên nếu “hèn kém, đần độn bỉ ổi, không làm nổi việc thì đều bắt phải nghỉ việc và chọn người có tài năng, kiến thức, quen thạo công việc mà bổ vào thay”.
Đến năm 1488, vua Lê Thánh Tông chính thức quy định quy trình khảo khóa: “Ba năm tiến hành một lần sơ khảo, sáu năm thì tái khảo và chín năm thì thông khảo mới thi hành thăng chức người có công và truất chức kẻ có tội”. Nội dung và cách thức khảo khóa cũng được quy định là: “Trưởng quan các nha môn trong ngoài khi khảo khoá các quan viên trong phạm vi cai quản thì phải xét kỹ thành tích trong công việc mà viên đó đã làm. Nếu quả có lòng chăm nom, yêu thương, được nhân dân yêu mến và trong nơi cai quản ít kẻ trốn tránh thì mới xứng chức. Nếu vơ vét quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn tránh thì không xứng chức”.
Có thể nói, nhờ những biện pháp mạnh đó, triều đại vua Lê Thánh Tông là triều đại cực thịnh trong thời phong kiến ở Việt Nam.