Quy hoạch bờ sông Hồng với sự phát triển bền vững của Thủ đô

Google News

Sáng 13/8, Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội phối hợp Hội Nữ trí thức Thủ đô tổ chức hội thảo “Quy hoạch hai bờ sông Hồng với sự phát triển tương lai bền vững của Thủ đô”.

Hội thảo “Quy hoạch hai bờ sông Hồng với sự phát triển tương lai bền vững của Thủ đô” được tổ chức với mong muốn tiếp nhận, chia sẻ thông tin quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học trong một số vấn đề cụ thể, như: Trục không gian cảnh quan hai bờ sông Hồng: Vấn đề quy hoạch thoát lũ, bảo vệ môi trường trong tương lai khi các khu đô thị bên sông có sự phát triển mạnh mẽ; bảo tồn, phát triển văn hóa làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội và trách nhiệm cộng đồng... để bổ sung trong quy hoạch đã được duyệt và đề xuất giải pháp trong quá trình thực hiện, tránh lãng phí.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh nêu rõ, sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội chỉ là một đoạn ngắn (gần 120km) so với chiều dài của toàn tuyến (1.200km) nhưng đóng vai trò lớn và là nét văn hóa đặc trưng của Thủ đô. Gần đây, trong quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, điều chỉnh quy hoạch chung đến 2045, tầm nhìn 2050 đã xác định đột phá mới, tầm nhìn mới để xây dựng khu vực sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm thành phố, phát triển hài hòa, không gian sinh thái, văn hóa - lịch sử, không gian xanh, đô thị hiện đại và là biểu tượng mới của Hà Nội.

Quy hoach bo song Hong voi su phat trien ben vung cua Thu do
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh phát biểu khai mạc. Nguồn hanoimoi.vn
Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khu vực hai bên sông Hồng luôn được chú trọng. Qua 7 lần quy hoạch Thủ đô, đã có những điều chỉnh trong khai thác tiềm năng, phát triển sông Hồng. Nếu như quy hoạch chung năm 1992 mới định hướng về an toàn dân cư, an toàn thoát lũ, thì đến quy hoạch chung năm 1998 đã có định hướng khai thác quỹ đất hai bên sông. Quy hoạch chung 2011 đã xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giá trị lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô... Năm 2022, thành phố phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô 11.000ha thuộc địa giới hành chính của 55 xã, phường, thuộc 13 quận, huyện.

 

Quy hoach bo song Hong voi su phat trien ben vung cua Thu do-Hinh-2
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm trình bày tham luận. Nguồn hanoimoi.vn

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, cần chú ý đến những thách thức trong tổ chức thực hiện. Đó là phải bảo đảm an toàn thoát lũ. Với đặc thù của sông và biến đổi khí hậu, rất cần có bổ sung nghiên cứu đồng bộ các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, mối liên kết vùng và khoa học - công nghệ để thích ứng với biến đổi thế sông, an toàn dòng chảy và bền vững cho các công trình xây dựng. Ngoài ra, cũng rất cần có sự trao đổi để kế thừa những kinh nghiệm từ những dự án được đề cập hai bên sông Hồng nhưng chưa triển khai vì lý do cả chủ quan và khách quan. Đặc biệt, cần kêu gọi đầu tư gắn với chính sách đặc thù để tạo nguồn lực đột phá.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Kính, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật phường Khương Mai cho rằng, bản quy hoạch tốt là phải khai thác được cao nhất tiềm năng của tài nguyên cho mục tiêu phát triển bền vững. Muốn vậy, quy hoạch phải giải quyết thành công việc quản lý chính quy hoạch đó. Đối với quy hoạch sông Hồng, phải thể chế hóa, hoặc cao hơn là luật hóa yêu cầu mặt nước và mặt đất phải được quản lý, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chủ thể quản lý đối với đối tượng được giao quản lý. Cần có quy định về trách nhiệm của cấp duyệt quy hoạch, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch (thời gian kiểm tra, mức độ kiểm tra, tiến độ thực hiện kèm theo chế tài xử phạt...) để loại bỏ tình trạng “quy hoạch trên giấy”. Cuối cùng, phải bảo đảm tính công khai, minh bạch của toàn bộ quá trình xây dựng, xem xét phê duyệt quy hoạch cho đến các bước thực hiện quy hoạch đó.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội Bùi Thị An hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với thành phố và cho biết sẽ tổng hợp để gửi tới các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu.

Theo Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được phê duyệt, Hà Nội sẽ nghiên cứu điều chỉnh xây dựng phát triển đô thị hài hòa hai bên sông, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm. Đây là quan điểm mới trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bình Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(0)