Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh vừa có thông báo thông tin về sụ cố lượng lớn xi măng của Nhà máy xi măng Thăng Long bất ngờ trút xuống đường từ hệ thống băng tải tự động.
|
Xi măng Thăng Long trút xuống đường 279 như mưa. |
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, vào khoảng 7h30 ngày 19/4, trên tuyến băng tải vận chuyển xi măng từ Nhà máy xi măng Thăng Long ra cảng xuất hàng của Công ty Cổ phần xi măng Thăng Long (tại vị trí đoạn băng tải qua đường 279) có xảy ra sự cố phát tán bụi ra ngoài môi trường và đã được một số người dân ghi lại, đăng tải trên mạng xã hội.
Nguyên nhân là do trong quá trình xuất xi măng bao ra cảng bằng hệ thống băng tải tự động đã xảy ra sự cố có một số bao xi măng bị xoay ngang, cọ quẹt vào giá đỡ con lăn băng tải làm bao xi măng bị rách bục, dẫn tới xi măng trong bao rơi ra ngoài khu vực băng tải bắc qua đường 279 phát tán bụi ảnh hưởng đến môi trường như nội dung đã được người dân đăng tải trên mạng xã hội.
|
Bao xi măng quay ngang trên băng tải dẫn tới sự cố. |
Ngay sau khi phát hiện sự cố, Công ty Cổ phần xi măng Thăng Long đã cho dừng hoạt động của tuyến băng tải, huy động cán bộ công nhân viên ra quét dọn thu gom lượng xi măng rơi vãi trên tuyến đường 279, đồng thời huy động xe phòng cháy chữa cháy ra xịt rửa toàn bộ khu vực có xi măng rơi vãi. Sự cố đã được khắc phục hoàn toàn, tuyến băng tải trở lại hoạt động bình thường, không còn hiện tượng rơi vãi bụi xi măng ra môi trường tại đoạn băng tải qua đường 279.
Sự việc xảy ra ở trên là một sự cố trong quá trình sản xuất, không phải là sự cố của hệ thống, công trình xử lý môi trường.
Nhà máy xi măng Thăng Long từng nhiều lần bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường khi bốc rót clinker gây bụi trắng mịt mù giữa vịnh Cửa Lục – nằm cách không xa vịnh Hạ Long và là đầu nguồn nước đổ ra vịnh Hạ Long.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, Quảng Ninh có văn nhiều bản gửi các bộ, ngành liên quan đề xuất điều chỉnh đưa việc đầu tư giai đoạn 2 của 2 nhà máy xi măng Hạ Long và Thăng Long ra khỏi Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tiến tới chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy hiện nay vào năm 2030. Lý do là nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan vịnh Cửa Lục, vịnh Hạ Long và cộng đồng dân cư xung quanh. Tuy nhiên, vấn đề này còn có nhiều sự khác biệt giữa tỉnh Quảng Ninh với các bên liên quan.