3 giờ sáng nay, vừa dứt đợt gió mạnh, ngư dân Lê Văn Khanh (SN1980, ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đã tất tưởi chạy ra cảng Hòn La, nơi có chiếc tàu cá của gia đình đang neo đậu. Thế nhưng đến nơi, anh Khanh thẫn thờ như đứt từng khúc ruột khi thấy chiếc tàu cá của gia đình đã không còn nguyên vẹn. Toàn bộ phần vỏ của chiếc tàu đã bị sóng đánh vỡ toang dạt vào bờ, phần máy thì chìm nghỉm xuống biển.
|
Ngư dân Lê Văn Khanh thần thờ nhìn những gì còn sót lại từ chiếc tàu cá của gia đình (Ảnh Phan Phương) |
“Hôm qua, trước khi biết tin có bão, tôi đã cho tàu vào khu neo đậu và cẩn thận chằng chéo đến 3 dây neo, nhưng không ngờ đêm qua gió lớn, gây sóng mạnh đã đánh tan con tàu của gia đình tôi. Con tàu nay gia đình tôi vừa nhận tiền đền bù sau sự cố môi trường biển và vay thêm tiền ngân hàng đóng hết hơn 100 triệu đồng, mới đi được mấy chuyến biển, nay bão đã đánh tan như thế này, gia đình tui biết lấy chi mà mưu sinh đây” – anh Khanh nói trong nước mắt.
Cạnh đó, ngư dân Nguyễn Văn Xuân ngồi bần thần nhìn chiếc tàu cá của mình đang nửa nổi, nửa chìm giữa bên bờ biển. Ông Xuân cho biết, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, chiếc tàu cá củ của gia đình ông phần lớn nằm bờ nên hư hỏng nặng. Gần đây khi biển đã trở lại an toàn, ông mới đầu tư số tiền lớn để sửa sang lại con tàu để ra khơi đánh bắt. “ Mới mấy tháng đánh bắt, chưa được bao nhiêu, hiện vợ chồng tui còn nợ ngân hàng, bạn bè gần trăm triệu đồng. Bây giờ tàu bị vỡ, chìm, hư hỏng hết, coi như cả gia tài của gia đình đã bị bão đánh tan mất, biết lấy chi để làm mà trả nợ, sinh sống” – ông Xuân nghẹn ngào nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội ND xã Quảng Đông cho biết, khi nghe tin bão số 2, ngư dân đã chằng chéo, neo đậu cẩn thận nhưng không ngờ cơn bão số 2, mặc dù tâm bão không được dự báo vào Quảng Bình, vẫn gây ra gió và sóng lớn đến vậy, đánh chìm phá hỏng 26 chiếc tàu cá của ngư dân Quảng Đông. Ngoài ra có 1 tàu cá của ngư dân Cảnh Dương và 19 tàu cá công suất lớn của ngư dân ngoại tỉnh (4 tàu Hà Tĩnh, 2 tàu Vũng Tàu, 13 tàu Quảng Ngãi) vào tránh bão ở cảng Hòn La cũng bị sóng đánh chìm. Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, khi nhận tin tàu thuyền của ngư dân bị chìm, lãnh đạo huyện đã có mặt kịp thời ứng cứu. Hiện huyện đang tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ ngư dân trục vớt các con tàu bị chìm, vớt vát được phần nào tài sản cho ngư dân.
Với 46 chiếc tàu bị bão đánh vỡ, chìm và hư hỏng nặng, đồng nghĩa với việc sau cơn bão số 2, có 46 chủ tàu lâm cảnh trắng tay, mang nợ sau và hàng trăm lao động nghề biển ở Quảng Đông và các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi sẽ mất công ăn việc làm.