Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho biết, ngày 29/11, đơn vị sẽ mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
Phiên toà xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của phía VKSND TP Hà Nội. Dự kiến phiên toà xét xử sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 29/11 đến hết ngày 1/12/2021). HĐXX cấp phúc thẩm gồm 3 người, thẩm phán Ngô Tự Học ngồi ghế chủ tọa.
|
Các bị cáo tại phiên toà xét xử sơ thẩm |
Trong đơn kháng cáo, 11 bị cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án. Các bị cáo cho rằng, mức hình phạt mà Tòa cấp sơ thẩm xử phạt họ là chưa xem xét hết các yếu tố giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bởi bị cáo chỉ là người làm thuê, hưởng lương cố định, không được hưởng lợi từ hoạt động buôn lậu của Công ty Nhật Cường.
Chỉ có bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường đang bỏ trốn và bị truy nã) là người duy nhất có quyền tác động, quyết định đến các số liệu kế toán, tài chính, kinh doanh.
Kháng nghị của VKSND TP Hà Nội, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã không triệu tập người đại diện Công ty Nhật Cường tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót.
Về phần áp dụng biện pháp tư pháp, Quyết định kháng nghị của VKS nêu rõ, quá trình điều tra cũng như kết quả xét hỏi tại phiên tòa xác định, toàn bộ khoản tiền 221 tỷ đồng thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu được nhập vào Công ty Nhật Cường, theo dõi, hạch toán, quản lý trên phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường do bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) là chủ sở hữu toàn bộ công ty này.
8 bị cáo từ Phó Tổng Giám đốc đến nhân viên Công ty Nhật Cường đều là người làm công ăn lương, giữ vai trò giúp sức cho bị can Bùi Quang Huy, không được ăn chia khoản tiền thu lợi bất chính này.
VKSND TP Hà Nội đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án, sửa bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội theo hướng: Đưa Công ty Nhật Cường tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Buộc công ty này phải nộp lại khoản tiền hơn 221 tỷ đồng là tiền thu lời bất chính từ hành vi buôn lậu để tịch thu sung quỹ nhà nước; Không buộc 13 bị cáo phải liên đới nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.
VKS cho rằng, không có chế định quy định về việc các bị cáo liên đới phải nộp lại khoản tiền thu lời bất chính. Việc này phải thực hiện theo nguyên tắc: đối tượng nào thu lời bất chính hoặc thụ hưởng tiền thu lời bất chính thì đối tượng đó phải nộp lại để tịch thu sung quỹ nhà nước.
Việc tòa áp dụng Điều 47, BLHS để tuyên buộc các bị cáo phải liên đới nộp lại khoản tiền hơn 221 tỷ đồng là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo liên quan trong vụ án.
Đáng chú ý, hiện Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường vẫn bỏ trốn và đang bị truy nã.
Tại phiên tòa xét xử vụ buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Nhật Cường, bị cáo Bùi Quốc Việt, anh trai của Bùi Quang Huy khi trả lời chủ tọa “Thời gian trước khi bị bắt, bị cáo có liên hệ với em trai không?”, đã nói rằng, trước khi bị bắt bị cáo không liên lạc với em trai Bùi Quang Huy, cũng không biết Huy có liên lạc với gia đình hay không, không biết em trai trốn ở đâu, làm gì. "Bị cáo tuyệt đối không liên lạc với Bùi Quang Huy", bị cáo Việt khi đó cho biết.
Bản án sơ thẩm cho thấy, từ năm 2014 đến tháng 5/2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống nhân sự của Công ty Nhật Cường để mua hơn 2.500 đơn hàng với hơn 255.000 sản phẩm (điện thoại di động iPhone các loại, máy tính, máy tính bảng…) có tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng của nhiều chủ cửa hàng tại Mỹ, UAE, Hồng Kông…
Sau khi mua hàng, Huy và đồng phạm thuê các đối tượng vận chuyển tiếp nhận hàng của nhà cung cấp tại Hồng Kông – Trung Quốc, tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam. Cơ quan chức năng xác định, thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã tiêu thụ được 255.000 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỷ đồng.
Quá trình hoạt động, Bùi Quang Huy chỉ đạo ghi chép, hạch toán, theo dõi chi tiết, cụ thể và đầy đủ mọi số liệu kinh doanh của Công ty Nhật Cường trên hệ thống phần mềm quản lý nội bộ ERP, sử dụng theo dõi nội bộ để che dấu hoạt động buôn lậu, hoạt động chi tiền từ hoạt động buôn lậu sang các hoạt động kinh doanh khác… gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng thuế GTGT và thu nhập doanh nghiệp.
Do Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường và một số bị can khác vẫn đang bỏ trốn, cơ quan điều tra cho biết khi nào truy bắt được sẽ xử lý sau.
11 bị cáo kháng cáo gồm: Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường), Trần Ngọc Ánh (Phó Tổng Giám đốc), Đỗ Quốc Huy (Giám đốc bán hàng), Nông Văn Lư (nhân viên), Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple), Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng), Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc); Nguyễn Bảo Trung (trú tại phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội), Ngô Đức Tùng (trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội), Phạm Văn Hiệp (trú tại phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) và Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn).
>>> Mời độc giả xem thêm video Truy nã Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường: