"Sáng giờ đã hơn 10 ca rồi", thiếu tá chuyên nghiệp Trần Văn Huyên xốc chiếc máy phun khử khuẩn nặng hơn 30 kg lên vai, chỉnh lại khẩu trang rồi rảo bước tiến về dãy nhà đang phục vụ cách ly người nghi nhiễm.
Đó là một khu nhà nằm sát cổng Bệnh viện quân y 175 (TP.HCM), nơi có các ca dương tính test nhanh ngồi tạm bên trong. Nhiều người còn chưa hết bàng hoàng khi trước đó ít phút họ chỉ là người dân đi kiếm một tờ giấy xác nhận âm tính.
Lọc F0 ngay từ cổng viện
Khoảng hơn một tháng nay, khu vực phòng khám tiền phương được thiết lập tại cổng chính của Bệnh viện 175 tấp nập người dân đến lấy mẫu test nhanh Covid-19.
Đôi bàn chân băng qua bãi cỏ bên cạnh khu vực xét nghiệm, anh Lâm lựa một vạt cỏ khô rồi ngồi xuống, chắc chắn rằng những người xung quanh không ở quá gần mình. Anh ngồi đó và hy vọng được cầm trên tay tờ giấy âm tính.
"Công ty tôi phát hiện công nhân dương tính nhưng chậm xét nghiệm cho những người còn lại. Tôi tự bỏ tiền đi test nhanh cho yên tâm", người đàn ông sống tại Gò Vấp chia sẻ.
|
Người dân ngồi giãn cách trong lúc chờ kết quả test nhanh SARS-CoV-2 tại Bệnh viện quân y 175. Những trường hợp dương tính sẽ được gọi vào phòng và bắt đầu quy trình cách ly. Ảnh: Ngọc Tân. |
Chị T.N., nhân viên y tế làm nhiệm vụ tiếp đón người đến test nhanh, đi lại trong lớp đồ bảo hộ rộng thùng thình với khẩu trang N95 và kính chống giọt bắn che gần hết khuôn mặt. Chị kề loa lên miệng, gọi to một cái tên và mời họ đi vào phòng.
Mọi hoạt động vẫn tiếp diễn bình thường, nhưng những người có kinh nghiệm biết đó là tin xấu. Ai đang ngồi chờ kết quả test nhanh mà được gọi riêng vào phòng thì nhiều khả năng họ đã dương tính.
Đó là lúc thiếu tá Trần Văn Huyên lại đổ thêm hóa chất khử khuẩn vào chiếc máy phun vác vai. Từ kho hóa chất, ông phóng xe máy đến thẳng phòng khám tiền phương và bắt đầu phun cloramin B dọc theo những nơi có dấu chân của ca nghi nhiễm.
"Mới buổi sáng mà đã phải vác máy lên hơn 30 chuyến rồi", nhân viên làm việc tại khoa kiểm soát nhiễm khuẩn chia sẻ. Ông cho biết quân số ở khoa có 30 người, những ngày qua người thì bớt đi còn công việc thì nhiều lên.
|
F0 phát sinh liên tục tại khu vực khám sàng lọc khiến những nhân viên khun khử khuẩn phải làm việc không ngừng nghỉ. Ảnh: Ngọc Tân. |
Khi F0 tại TP.HCM tăng nhanh, quá nửa quân số của khoa được điều động chi viện cho những bệnh viện khác. Giờ đội của ông Huyên chỉ có 3 người lo phun khử khuẩn. Mỗi người trực 6 giờ.
"Có những lúc nhiều việc, cả 3 đều phải đi làm. Quần áo lúc nào bạc phếch vì mồ hôi và hóa chất", thiếu tá Huyên chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện 175, cho biết riêng trong ngày 19/7, hệ thống phòng khám tiền phương đã ghi nhận 25 ca dương tính, bao gồm cả bệnh nhân đến khám và người dân đến làm dịch vụ test nhanh.
Ông Tuấn cho biết từ 1/5 đến nay, phòng khám tiền phương đã phát hiện được 186 ca F0. Nơi này trở thành vùng đệm, giúp ngăn F0 xâm nhập vào các khoa phòng sâu bên trong bệnh viện.
Với trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cấp cứu, cần can thiệp y tế ngay, bệnh viện cũng có cách phân luồng hợp lý để tránh nguy cơ lây nhiễm.
Trong những ngày bệnh viện hạn chế hoạt động khám đại trà, những bệnh nhân phải chạy thận vẫn được tạo một "luồng xanh" để ra vào bệnh viện. Họ được test nhanh miễn phí.
Nếu không may dương tính với SARS-CoV-2, bệnh nhân được chuyển sang khu điều trị F0 với đầy đủ thiết bị chạy thận đi kèm.
Duy trì "bệnh viện trong bệnh viện"
Ngày 19/5, Trung tâm điều trị Covid-19 nằm trong khuôn viên Bệnh viện 175 bắt đầu đón những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên. Bác sĩ Trần Đức Thành, Phó giám đốc Bệnh viện quân y 175, được phân công làm Giám đốc trung tâm.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Thành cho biết cơ sở điều trị Covid-19 này có quy mô 200 giường với 123 nhân viên y tế. Trung tâm đã chuẩn bị sẵn 2 máy ECMO để phục vụ bệnh nhân chuyển biến nguy kịch.
|
Bệnh viện 175 chọn một không gian riêng biệt để đặt Trung tâm điều trị Covid-19. Ảnh: Ngọc Tân. |
Mục đích thành lập trung tâm là để giảm gánh nặng cho một số bệnh viện đã quá tải. Do đó, ngay trong ngày đầu hoạt động, trung tâm đã đối mặt với áp lực rất lớn từ các nơi muốn chuyển bệnh nhân nặng đến.
"Ngày 19/7 có thể nói là một khủng hoảng với cá nhân tôi và nhiều đồng chí trong ban giám đốc. Tôi nhận gần 100 cuộc điện thoại từ các nơi gọi về để xin tư vấn chuyên môn và xin chuyển bệnh", bác sĩ Thành chia sẻ.
Trong ngày 19/7, 22 bệnh nhân được chuyển đến theo sự điều phối của Sở Y tế, đa số đã chuyển biến nặng. Một ca sốc nhiễm khuẩn phải lọc máu liên tục. Nhiều ca phải thở oxy. Điều may mắn là 2 chiếc máy ECMO vẫn chưa cần dùng đến.
Từ khi Bệnh viện 175 có thêm khu vực riêng điều trị Covid-19, một số ca F0 được phát hiện tại phòng khám tiền phương cũng được chuyển vào điều trị nếu có dấu hiệu bệnh nặng. Đa số F0 không triệu chứng được chuyển ngược về các bệnh viện dã chiến ở tầng thấp hơn.
Vài ngày trước, sau khi khử khuẩn toàn bộ nhà phòng của Trung tâm điều trị Covid-19 để chuẩn bị đón F0, thiếu tá Huyên đã xác định những ngày tới của mình còn nhiều vất vả hơn nữa.
Như con thoi di chuyển khắp bệnh viện, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn phải lo thêm việc phun khử khuẩn cho các chuyến xe cứu thương trở bệnh nhân F0 đến suốt ngày đêm.
Thiếu tá Huyên trực 6 tiếng (từ 6h đến 12h), xuống ca cho 2 người khác lên thay. Đến 24h cùng ngày, ông lại trực tiếp đến 6h hôm sau. Chiếc máy phun khử khuẩn nặng trĩu trên vai vị quân nhân đã 49 tuổi, 30 năm phục vụ quân đội.
"Lúc này thì ở đâu cũng vất vả. Sợ thì ai cũng sợ. Nhưng nhiệm vụ đã phân công thì phải hoàn thành", người lính quả quyết nói.