Cách ly F0 tại nhà, ý thức của bệnh nhân mang tính quyết định

Google News

Theo các chuyên gia, ý thức của F0 khi về cách ly tại nhà rất quan trọng. Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng, chính quyền địa phương và các tổ COVID-19 cộng đồng cần có sự giám sát chặt chẽ.
 

Lợi ích và rủi ro khi áp dụng cách ly F0 tại nhà
Trao đổi với VietNamNet, ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong các đợt dịch trước, nước ta áp dụng chiến lược đưa tất cả F0 (bao gồm cả trường hợp không triệu chứng) vào điều trị tại bệnh viện nhằm hai mục đích.
Thứ nhất, ngăn sự tiếp xúc của các ca bệnh với cộng đồng, từ đó ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Đây là mục đích quan trọng nhất.
Thứ hai, trong các F0 không triệu chứng vẫn có một tỷ lệ nhỏ nguy cơ diễn biến nặng. Việc giữ họ trong bệnh viện giúp phát hiện sớm triệu chứng nặng để can thiệp, điều trị kịp thời.
“Tuy nhiên, khi số lượng F0 quá lớn, hệ thống y tế không thể đảm bảo cách ly, theo dõi toàn bộ F0 trong bệnh viện. Đây là lý do phải tính đến phương án cho F0 cách ly tại nhà”, bác sĩ Khiêm nói.
Cach ly F0 tai nha, y thuc cua benh nhan mang tinh quyet dinh
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 trước khi xuất viện về nhà - Ảnh: Lê Anh Dũng 
Theo bác sĩ, lợi ích lớn nhất của chiến lược này giúp giảm tải cho hệ thống y tế, để các bệnh viện tập trung điều trị ca nặng.
Thực tế, hơn 1 năm qua, nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng phương án này khi số lượng bệnh nhân COVID-19 quá lớn. Một số bác sĩ Việt Nam cũng thường xuyên lên các diễn đàn tư vấn cho người Việt xa xứ cách tự theo dõi sức khỏe khi mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng.
“Khoảng 80% trường hợp không triệu chứng sẽ tự ổn định trong vòng 1-2 tuần. Một số người gặp những triệu chứng thoáng qua như sốt nhẹ, tiêu chảy nhẹ, mất khứu giác,… cũng thường đỡ trong vài ngày”, bác sĩ Khiêm thông tin.
Tuy nhiên, bác sĩ cũng nhấn mạnh, một số nhỏ bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng nguy hiểm như khó thở, sốt cao,… cần báo cáo ngay với cơ sở y tế để được can thiệp.
“Bộ Y tế chắc chắn đã có hướng dẫn cụ thể về cách tự theo dõi sức khỏe và thành lập bộ phận y tế phụ trách, thường trực 24/24. Những y bác sĩ này có trách nhiệm trao đổi, thăm khám online cho bệnh nhân và có thể tư vấn những dấu hiệu nào là đáng quan ngại, cần nhập viện”, bác sĩ Khiêm nhận định.
Cach ly F0 tai nha, y thuc cua benh nhan mang tinh quyet dinh-Hinh-2
Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương lên xe về nhà sau khi được công bố khỏi bệnh (ảnh chụp tháng 7/2020) - Ảnh: Lê Anh Dũng
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, việc theo dõi F0 tại nhà ngoài lợi ích giảm tải cho cơ sở điều trị còn giúp giảm nhân lực hậu cầu và đỡ tốn kém về kinh tế.
Để được về nhà, F0 phải đáp ứng đủ các điều kiện của Bộ Y tế như số lần xét nghiệm âm tính, nồng độ virus thấp,…
Tuy nhiên, những bệnh nhân này vẫn còn nhiều nguy cơ lây cho người khác bởi xuất viện khi chưa đủ 14 ngày. Nếu nhóm này không chấp hành nghiêm chỉnh quy định cách ly, rủi ro lây cho gia đình, cộng đồng rất lớn.
Ý thức phòng chống dịch là giải pháp quan trọng nhất lúc này
“Ý thức của bệnh nhân là quan trọng nhất ngay lúc này. Bên cạnh đó, chúng ta cần sự giám sát của gia đình, làng xóm, chính quyền địa phương, các tổ COVID-19 cộng đồng,... để đảm bảo F0 tuân thủ cách ly”, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Cach ly F0 tai nha, y thuc cua benh nhan mang tinh quyet dinh-Hinh-3
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 trước khi xuất viện về nhà - Ảnh: Lê Anh Dũng 
Đồng quan điểm trên, ThS.BS Đồng Phú Khiêm nhận định, thành công của chiến lược phòng chống dịch ở nước ta phụ thuộc lớn vào ý thức người dân, trong đó có những F0 về cách ly tại nhà.
Bác sĩ chia sẻ, hiện dư luận có nhiều ý kiến cho rằng nên coi COVID-19 là dịch cảm cúm thông thường, có thể “sống chung với lũ” vì thực tế số ca diễn biến nặng và ca tử vong ở nước ta không cao.
“Đây là quan điểm chủ quan vì thực tế chúng ta chưa đạt đến điều kiện để “sống chung với lũ”, anh nói.
Bác sĩ Khiêm phân tích, tỷ lệ nặng và tử vong của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trên thế giới vì một số nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất là ở các đợt dịch trước, COVID-19 bùng phát phần lớn tại các khu công nghiệp, rơi vào nhóm công nhân trẻ khỏe, không bệnh nền, nguy cơ diễn biến nặng ít hơn.
“Tuy nhiên, khi dịch lan ra cộng đồng, bệnh nhân gồm cả người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, Việt Nam sẽ không nằm ngoài quy luật chung của thế giới về tỷ lệ nặng và tử vong”, bác sĩ khẳng định.
Thông thường, sẽ có khoảng 10-15% bệnh nhân diễn tiến nặng, cần nhập viện và 5% trong số đó diễn tiến nguy kịch.
“Nếu có khoảng 20.000 ca nhiễm trong cộng đồng cùng một thời điểm, 5% trong số này tức 1000 bệnh nhân sẽ cần thở máy, đòi hỏi chúng ta phải huy động toàn bộ hệ thống cấp cứu tập trung chữa trị. Nhưng dù đáp ứng được con số này, khi nhiều bệnh nhân phải thở máy lâu dài, những người đến sau không có máy thở, không được hệ thống hồi sức cấp cứu chăm sóc, chắc chắn sẽ tử vong. Bởi vậy, hậu quả khi số ca mắc gia tăng là rất lớn”, anh nói.
Bác sĩ nhấn mạnh, điều này lý giải cho việc “không phải ngẫu nhiên Mỹ hay châu Âu có tỷ lệ tử vong cao dù năng lực y tế mạnh”. Do vậy, người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch, chấp hành các quy định, khuyến cáo của ngành y tế để ngăn dịch bệnh lây lan mạnh hơn.
Theo Nguyễn Liên/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)