Phía sau phiên xử vụ giết người khi cô gái “bắt cá 2 tay“

Google News

Bản án sơ thẩm tuyên Dạn mức án chung thân vì tội Giết người. Ngoài 30 triệu đã bồi thường từ trước, bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 123 triệu.

Gia đình nghèo nên Phan Văn Dạn (28 tuổi, ngụ An Giang) chỉ học đến cấp hai thì phải nghỉ học giữa chừng. Do nhà không có ruộng canh tác nên Dạn sớm phải lên Sài Gòn kiếm sống. Một cửa hàng nhận thanh niên này vào làm nhân viên giao hàng.
Thiếu nữ đong đưa
Tình cờ gặp Nguyễn Thị Yến, Dạn đã bị cô gái xinh xắn hớp hồn. Sau một thời gian theo đuổi, cuối cùng cậu cũng nhận được cái gật đầu đồng ý của người đẹp. Cả hai thuê phòng trọ chung sống. Đôi trẻ gọi nhau bằng vợ - chồng và cũng đã chuẩn bị kế hoạch tiến tới hôn nhân.
Phia sau phien xu vu giet nguoi khi co gai “bat ca 2 tay“
Ảnh minh họa.
Vốn ưa nhìn, Yến lại là nhân viên của một cửa hàng điện thoại lớn, môi trường làm việc sang trọng, váy vóc phấn son càng làm cho cô gái Bến Tre này nổi bật. Dạn cũng cao lớn trắng trẻo, nhưng do đặc thù công việc tối ngày ngoài đường, quần áo lam lũ nên nhìn bề ngoài thua kém hẳn so với người tình.
Yến giấu Dạn việc đã có bạn trai ở chỗ làm. Thậm chí, không ít lần những người cùng chỗ làm chứng kiến cô gái trẻ liếc mắt đưa tình với các đồng nghiệp nam.
Thấy cô gái xinh xắn dễ mến, Phạm Văn Tấn nảy sinh tình cảm. Mặc dù đang ở chung với bạn trai nhưng cô gái vẫn nhận lời yêu với nam đồng nghiệp.
Ngoài thời gian gặp nhau ở chỗ làm, hai người thường xuyên nhắn tin tâm sự nhớ nhung. Tình cảm là thứ khó có thể che giấu, thấy Yến gần đây có nhiều biểu hiện lạ, Dạn đã sinh nghi. Bí mật kiểm tra điện thoại, anh sững sờ khi phát hiện những tin nhắn yêu đương nồng thắm giữa “vợ” và người đàn ông lạ. Dạn nảy ra ý định đánh dằn mặt để tình địch không dám yêu đương “vợ” mình.
Khoảng 22h ngày 14/12/2015, nam thanh niên lấy 1 con dao nhọn để vào giỏ trước xe Dream chạy đến trước cửa hàng nơi “vợ” làm việc để chờ đợi.
Gần 12h đêm cửa hàng mới đóng cửa, Yến cùng 3 nam đồng nghiệp (trong đó có Tấn) lên xe ra về. Dạn đuổi theo đến đường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) thì thấy nhóm người dừng lại nói chuyện. Máu ghen nổi lên, Dạn xách dao lao thẳng đến chỗ tình địch.
Thấy người đàn ông có dao, Tấn bỏ chạy nhưng được một đoạn thì bị vấp ngã. Trong lúc xô xát, Dạn đâm 2 nhát vào nách của tình địch. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng vì tổn thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong khi đang trên đường đến bệnh viện.
Bản án sơ thẩm tuyên Dạn mức án chung thân vì tội Giết người. Ngoài 30 triệu đã bồi thường từ trước, tòa tuyên bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 123 triệu đồng.
Dạn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, gia đình bị hại cũng kháng cáo đề nghị HĐXX áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với bị cáo.
"Con dại cái mang"
Ngày 6/3, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm. Ngồi ở hàng ghế đầu là bố mẹ nạn nhân. Đôi vợ chồng già lam lũ dắt díu nhau từ Tây Ninh lên Sài Gòn từ sáng sớm.
Ngồi cách đó mấy hàng ghế là bố và các anh chị của bị cáo. Họ cũng đi xe đò cả đêm mới tới nơi. Không ai nói với ai, hai gia đình đều im lặng căng thẳng.
Bị cáo trình bày: “Biết bị cáo có ý định đánh anh Tấn, Yến còn thách thức, rằng nếu đụng đến anh ta thì cô ấy sẽ tự vẫn nên bị cáo rất tức giận”.
Nam thanh niên run run giọng khi nhớ đến sự việc đêm hôm đó: “Lúc đó bị cáo hỏi Tấn: “Mày yêu vợ tao phải không” thì anh ta gật đầu. Hỏi Yến: “Em yêu người này phải không cô ấy cũng xác nhận”. Bị cáo giận quá nên mới làm như vậy”.
Chủ tọa cũng giải thích đó chỉ là lời khai một phía của bị cáo. Trong trường hợp đúng như lời bị cáo kể thì việc bị cáo đâm Tấn vẫn là hành vi vi phạm pháp luật.
Mặc dù Dạn là nhân vật chính trong phòng xử, nhưng phiên tòa ngày hôm đó chủ yếu là lời trình bày của các bậc phụ huynh.
Mẹ của bị hại vừa khóc vừa trình bày: “Con tôi không hề hay biết cô gái đó đã có người yêu. Cứ nghĩ đến con nằm chết giữa đường là tôi không sao nguôi ngoai được”.
“Gia đình bị cáo không có thiện chí khắc phục hậu quả. Tiền ma chay hơn 1 năm nay cứ khất lần, chưa bồi thường đủ. Tôi mong tuyên mức án cao nhất, tôi mới chấp nhận”, bố bị hại nói.
Nghe đến yêu cầu “mạng phải đổi mạng”của phía gia đình bị hại, bố bị cáo rúm ró: “Khi vụ án xảy ra, tôi cũng vét hết tài sản trong nhà để bồi thường cho gia đình bị hại 30 triệu đồng. Sau khi tòa tuyên, chúng tôi đã nộp thêm 23 triệu nữa.
Còn 100 triệu chúng tôi hứa sẽ trả đầy đủ, nhưng do gia đình quá khó khăn không thể trả một lần. Vì vậy, mong phía bị hại thông cảm, để chúng tôi trả dần dần mỗi tháng 10 triệu đồng”.
Cha bị hại phản bác: “Tiền không làm con tôi sống lại được nhưng đó là thể hiện sự ân hận muốn chuộc lỗi để vợ chồng chúng tôi đỡ đau xót phần nào”.
Ông quay lại HĐXX quả quyết: “Nếu họ bồi thường đủ số tiền đó bây giờ chúng tôi sẽ rút đơn kháng cáo”.
Cha bị cáo rưng rưng: “Quả thật 100 triệu là số tiền quá lớn, vợ tôi bệnh tim nằm một chỗ, tôi là thương binh mỗi tháng lương chỉ được hơn 1 triệu. Trước đây, mỗi khi lĩnh lương Dạn nó đều gửi 1 - 2 triệu về cho vợ tôi mua thuốc. Giờ có bán tất cả tài sản trong gia đình cũng không đủ 100 triệu, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vay mượn, xin HĐXX cho chúng tôi thêm chút thời gian”.
Sau khi hội ý, HĐXX đồng ý với lời đề nghị của gia đình bị cáo chấp nhận hoãn phiên tòa để hai bên gia đình thương lượng việc bồi thường.
Cha bị cáo nhợt nhạt chia sẻ: “Cha mẹ nào chẳng thương con, tôi không giận anh chị ấy. Chỉ giận cô gái kia, đã chung sống với con tôi, hai bên gia đình đã tính đến chuyện làm đám cưới mà vẫn yêu đương với người khác để xảy ra cơ sự ngày hôm nay. Rồi mọi chuyện sẽ qua, cô ấy sẽ đi lấy chồng, chỉ có 2 gia đình chúng tôi người chết người phải đi tù không sao nguôi ngoai được”.
Theo Hoàng Giang/Pháp Luật Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)