Những ngày qua, nhiều người dân Hà Nội đi từ bất ngờ, ngạc nhiên đến thích thú khi chứng kiến hàng loạt tiêm kích, chiến đấu cơ hiện đại thường xuyên xuất hiện trên bầu trời Thủ đô, trình diễn những đường bay đẹp mắt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây không phải hoạt động huấn luyện chiến đấu thông thường mà là công tác chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 do Bộ Quốc phòng Việt Nam chủ trì tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra tại khu vực sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 8 đến 10/12 tới đây.
Sư đoàn Không quân 371 là đơn vị được giao nhiệm vụ bay trình diễn mở màn cho hoạt động Triển lãm nói trên. Suốt nhiều tháng nay, Trung đoàn Không quân 927 đã phối hợp với Trung đoàn Không quân 923 làm tốt mọi công tác chuẩn bị, từ trang bị vũ khí khí tài, hậu cần, dẫn đường, cho đến huấn luyện phi công.
Tất cả các cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn Không quân 371 đã và đang ngày đêm luyện tập để mang đến buổi triển lãm những màn trình diễn ấn tượng nhất, thể hiện sức mạnh bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Đại diện Trung đoàn Không quân 927 thuộc Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, khi "Hổ mang chúa" Su-30MK2 thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện, tổ kỹ thuật phải làm công tác chuẩn bị trước một ngày và chuẩn bị trước giờ bay khoảng một tiếng.
|
2 chiếc Su-30MK2 trong một đợt bay huấn luyện trên bầu trời Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Quân).
|
Lực lượng làm nhiệm vụ chuẩn bị trước khi Su-30MK2 cất cánh gồm: Kỹ thuật hàng không; hậu cần (xe điện khí, xe điều hòa,…); kỹ thuật thông tin; kỹ thuật radar;… Khi các đơn vị này kiểm tra an toàn, báo cáo chỉ huy mọi thứ đảm bảo thì Su-30MK2 mới được thực hiện nhiệm vụ.
Trước mỗi đợt bay huấn luyện, một chiếc Su-30MK2 sẽ làm nhiệm vụ bay kiểm tra khí tượng thời tiết khu vực tập luyện. Sau đó phi công sẽ cho Su-30MK2 hạ cánh và báo cáo tình hình. Nếu thời tiết đảm bảo, cấp trên sẽ cho tổ bay thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện.
Triển lãm sắp tới, dàn Su-30MK2 sẽ bay biểu diễn theo đội hình 4 chiếc. Mặc dù vậy mỗi lần cất cánh chỉ có 2 chiếc. Sau 2 lần cất cánh, 4 chiếc Su-30MK2 sẽ tập hợp thành đội hình 4 trên bầu trời.
|
Những chiếc Su-30MK2 tại Sân bay quân sự Kép ở Lạng Giang - Bắc Giang đang được nhân viên kỹ thuật kiểm tra trước khi làm nhiệm vụ bay huấn luyện. (Ảnh: Mạnh Quân).
|
Trung tá Vũ Đức Hùng, Phó Trung đoàn trưởng Quân huấn - Trung đoàn Không quân 927 - chia sẻ, từ khi thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, tổ bay đã thực hiện bay huấn luyện từ độ cao cao đến độ cao trung, độ cao thấp và độ cao cực thấp.
"Ban đầu chúng tôi bay huấn luyện với đội hình 2 chiếc, 3 chiếc. Gần đây chúng tôi bay huấn luyện đội hình 4 chiếc với độ cao thấp. Bay đội hình ở độ cao thấp có những khó khăn đặc trưng như nhiễu đội hình rất mạnh; phi công trong quá trình bay chủ yếu là 80% là nhìn địa tiêu và bay theo địa tiêu. Các thiết bị trên máy bay làm việc ở độ cao thấp có sai lệch nhất định, chính vì vậy phi công phải tập trung ở mức cao nhất", Trung tá Vũ Đức Hùng chia sẻ.
|
Nhân viên kỹ thuật kiểm tra kỹ lưỡng từng chi tiết trên chiếc Su-30MK2. (Ảnh: Mạnh Quân).
|
Phó Trung đoàn trưởng - Trung đoàn Không quân 927 nói thêm, để bay nhuần nhuyễn với đội hình 4 chiếc như hiện nay, tổ bay đã mất thời gian rất dài để tập luyện.
"Cấp trên đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho tôi bay dẫn đội trong đội hình bay 4 chiếc. Thực sự tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được cho đại diện lực lượng không quân bay đội hình này và có sử dụng nhiễu để phục vụ trong cuộc triển lãm sắp tới. Ngoài ra, điều rất tuyệt vời là chúng tôi được bay biểu diễn trên bầu trời Thủ đô Hà Nội thân yêu", Trung tá Vũ Đức Hùng xúc động chia sẻ.
Nói về việc bay huấn luyện ở độ cao thấp, Thượng tá Nguyễn Thế Dũng, Chính ủy Trung đoàn Không quân 923 cho hay: "Đặc điểm bay ở độ cao thấp, đội hình lớn đòi hỏi sự điều khiển chính xác và việc phán đoán, giữ khoảng cách, cự ly... đòi hỏi phi công phải tập trung cao độ, có khả năng điều khiển khéo léo".