Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ xả thải đầu độc nước sạch sông Đà gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội.
Ngoài trách nhiệm của các đối tượng xả dầu thải xuống suối Trầm gây ô nhiễm, thì Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cũng phải chịu trách nhiệm.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng, Viwasupco phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu này và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước.
Trước sự việc này, Thủ tướng đã giao Bộ Công an khẩn trương điều tra vụ việc nguồn nước sạch bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch cho người dân từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, không chỉ bức xúc bởi Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) thiếu trách nhiệm, thậm chí vô cảm khi biết nước nhiễm hóa chất dầu thải vẫn xử lý cung cấp cho người dân mà còn thất vọng trước các phát ngôn của 3 sếp công ty này về vụ việc trên.
|
Nước sinh hoạt bị nhiễm dầu khiến hàng vạn người dân Hà Nội khốn khổ. |
Tổng Giám đốc Viwasupco: Tôi chỉ là người đi làm thuê
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội chiều 15/10, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) Nguyễn Văn Tốn đã giải trình những lý do vì sao sau sự việc nguồn nước bị nhiễm dầu đã không báo cáo các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, và tiếp tục cung cấp nước cho người dân. Theo lời ông Tốn, do nhà máy đặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nên phải báo cáo các cơ quan chức năng tỉnh này trước.
Đồng thời, nói rằng, ngay lúc đó, công ty tập trung mọi cán bộ, nhân viên xử lý sự cố khi trả lời về việc sự việc đổ trộm dầu thải được phát hiện từ 9h ngày 9/10 nhưng báo cáo được lập ngày 10/10.
Vị Tổng giám đốc lý giải, sau khi xử lý hết váng dầu tại nguồn nước, súc xả toàn bộ bể tràn, bể chứa và đoạn ống dẫn nước khoảng 10km, kết quả xét nghiệm của Phòng Hóa nghiệm công ty cho thấy, chất lượng nước vẫn bảo đảm đủ các chỉ tiêu A theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Mùi vị nước tại nhà máy vẫn bình thường. Thậm chí, tại thời điểm đoàn kiểm tra của thành phố Hà Nội lấy mẫu phân tích trong ngày 11/10, nước trên nhà máy không có mùi lạ.
|
Ông Nguyễn Văn Tốn. |
Đồng thời, ông Tốn nói rằng, không phải công ty lấy nước ô nhiễm để xử lý mà đã vớt hết dầu, đó là nước bình thường. Nếu là nước ô nhiễm thì không xử lý được.
Thậm chí, trả lời một số chất vấn về trách nhiệm cá nhân, Tổng Giám đốc công ty CP nước sạch Sông Đà cho biết ông 'chỉ là Tổng giám đốc làm thuê' nên tới đây tổng công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm và nói rằng “Công ty cũng có lỗi nhưng người dân cũng phải thông cảm”.
Đáng chú ý, trả lời câu hỏi về việc xử lý hóa chất styren trong nước, ông Tốn cho biết không dám đưa ra lời khẳng định có xử lý được hay không vì đây là lần đầu tiên công ty đối mặt với sự việc này.
Phó Giám đốc Viwasupco: “Chúng tôi là người thiệt hại lớn nhất”
Tại buổi họp báo do tỉnh Hòa Bình tổ chức chiều 17/10, ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cũng có những phát ngôn khiến dư luận bức xúc không kém sự phát ngôn của ông Nguyễn Văn Tốn.
Cụ thể, nói về việc công ty chưa nói lời xin lỗi với nhân dân Thủ đô, ông Bùi Đăng Khoa cho biết: “Việc này chúng tôi sẽ đợi kết luận chính thức của cơ quan chức năng. Hôm nay, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khi có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ thông báo lại”.
Nói về việc công ty CP nước sạch Sông Đà có tiến hành đền bù cho người dân?, ông Bùi Đăng Khoa cho biết: “Chúng tôi là người thiệt hại lớn nhất”.
Ông Bùi Đăng Khoa cũng cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo công ty nước sạch sông Đà cấp nước lại. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Viwasupco “chúng tôi cũng khuyến cáo nước mới chỉ phục vụ tắm rửa, vệ sinh".
|
Ông Bùi Đăng Khoa. |
Điều này khiến dư luận khó hiểu bởi, ngay cả Tổng giám đốc công ty - ông Nguyễn Văn Tốn phát biểu trước đó 2 ngày cũng đã thừa nhận rằng "không chắc đã xử lý được dầu" thì nay, theo Phó Giám đốc Viwasupco cho biết lại cấp nước trở lại kèm theo khuyến cáo: “Chỉ dùng để tắm giặt và khẳng định rằng chất lượng nước đã đảm bảo tiêu chuẩn”.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX: Việc xin lỗi là việc rất nhỏ thôi
Mới đây trên báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Thiết bị điện GELEX, chủ sở hữu 65% của Nhà máy nước sạch Sông Đà đã có những chia sẻ về vụ việc nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải. Tuy nhiên những phát ngôn của “sếp lớn” này cũng không khiến dư luận hài lòng.
Cụ thể, ông Tuấn nói rằng, ông băn khoăn thấy cơ quan quản lý nhà nước xử lý chưa hợp lý. Bởi phải đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung lo cho dân có nước, chứ không phải ngồi soi xem ai làm gì ai làm gì đâu.
Trả lời về việc, dư luận rất bức xúc vì phát ngôn của lãnh đạo nhà máy nước sạch Sông Đà khi được hỏi về việc đền bù thiệt hại cho người dân lại cho biết: “Chúng tôi là nạn nhân lớn nhất”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói rằng: “Việc xin lỗi là việc rất nhỏ thôi, xin lỗi không thì dễ quá ai chẳng làm được. Còn chúng tôi sau khi xử lý nước sạch trở lại xong, chúng tôi không những xin lỗi mà còn xin chịu trách nhiệm”.
|
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX. Ảnh: Gelex |
Nói về việc, ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Cty Nước sạch Sông Đà nói rằng “Tôi chỉ là người làm thuê”, ông Tuấn cho biết: “Việc phát ngôn của anh Tốn tôi cũng đã trao đổi rất kỹ với anh ấy. Anh Tốn xuất phát từ dân kỹ thuật, nên khi thấy sự cố ngoài sức tưởng tượng, do trình độ cũng có hạn nên anh ấy hoảng hốt luống cuống trong việc xử lý”.
Đáng chú ý, trả lời về việc những đối tượng "tình cờ" đổ thải, chẳng may đúng phải dòng nước nguồn của Nhà máy nước sông Đà?, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Tôi nghĩ mấy cậu kia chỉ có “điên” mới tự dưng lái xe lòng vòng mấy trăm cây số để đem hàng nghìn lít dầu thải đổ xuống suối Trầm” và cho rằng, các chiêu trò phá hoại, cạnh tranh không lành mạnh như thế nếu ai làm thì họ cũng sẽ không thể trốn chịu trách nhiệm. Việc đem tính mạng của người dân ra để cạnh tranh là không thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, dù các sếp Viwasupco có phát ngôn dậy sóng thế nào cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm liên quan vụ việc trên. Bởi đối tượng đổ trộm dầu thải hay kẻ thiếu trách nhiệm để sự việc nghiêm trọng đều xứng đáng bị trừng trị nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật.