Phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT ở Sơn La ngày 17/10 khiến nhiều người bất ngờ khi hàng loạt “quan chức” tỉnh này chỉ “nhờ xem điểm” mà kết quả con cái họ lại được nâng điểm.
Cụ thể, trường hợp ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La (tỉnh Sơn La) khai chỉ nhờ người xem điểm giúp và sau đó cả con, cháu ông này đều trúng Học viện An ninh Nhân dân.
Theo lời khai của ông Bình, quá trình công tác có quen biết với ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục trung học phố thông, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La và Nguyễn Minh Khoa, cựu phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La. Kỳ thi 2018, con ông là Lê Trọng Tấn có tham gia. Sau kỳ thi, ông Bình nhờ ông Khoa xem điểm giúp con và nhờ ông Hà xem điểm giúp cháu là Trần Quang Minh. Sau đó, cả con và cháu ông Bình đều trúng tuyến vào trường Học viện An ninh Nhân dân. Tuy nhiên, khi có kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, cả 2 thí sinh này đều bị trả về do không đủ điểm.
|
Ông Lê Trọng Bình tại tòa. Ảnh: NLĐ. |
Tương tự, ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La, cho biết trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 có con là Phan Minh Hiếu tham dự. Do có mối quan hệ với bị cáo Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT nên đã nhờ ông Yến xem điểm cho con. Dù ông Yến sau đó không thông tin lại là được bao nhiêu điểm, con ông Sơn sau đó được 27 điểm, trúng tuyển Trường đại học Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, sau khi chấp thẩm định bị giảm 7,45 điểm và không theo học trường này nữa do áp lực xã hội.
Một trường hợp khác là ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La. Tại tòa với vai trò nhân chứng, ông Quang cho biết có quen biết ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La nên đã nhờ ông Đức xem trước kết quả thi để “kịp thời thay đổi nguyện vong”. Dù ông Đức không thông tin lại nhưng con ông Quang sau đó đạt 24 điểm nhưng kết quả thẩm định chỉ còn 19 điểm.
Ba trường hợp trên nằm trong số người chỉ nhờ xem điểm nhưng con được nâng điểm và có lẽ nếu ở Hà Giang thì không có gì là lạ khi các bị cáo gian lận thi cử ở tỉnh Hà Giang đều khai rằng: “nâng điểm là vì quan hệ tình cảm, không hứa hẹn đưa tiền hay lợi ích vật chất gì khác”. Nhưng ở Sơn La thì lại là chuyện vô cùng lạ lẫm, bởi mấy ngày xét xử vừa qua, dư luận đã quá choáng váng với số tiền lót tay, quà cáp giá trị để nhờ nâng điểm tại tỉnh này.
Bởi trong phiên xét xử ngày 15/10, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Sơn La, khai rành rọt những cuộc trao đổi nhờ sửa bài thi và cả mức tiền “cảm ơn” sau khi hoàn tất nâng điểm khiến dư luận choáng váng.
Theo lời khai của bị cáo Nga, bị cáo nhận "đặt hàng" từ ông Trần Văn Điện, cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP Sơn La, với 4 trường hợp, nâng 24-27 điểm mỗi trường hợp. Và bị cáo Nga được ông Điện “cảm ơn” đến hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại tòa, ông Điện phản pháo nói bị cáo Nga khai không đúng vì ông chỉ nhờ xem điểm.
Từ vụ đưa đến hơn 1 tỷ để “cảm ơn” nâng điểm thi cho 4 trường hợp như lời khai của bị cáo Nga, dư luận đặt câu hỏi về việc lời khai của các “quan chức” Sơn La trên có đúng. Bởi những trường hợp trên dù nhờ qua ông Hà hay ông Yến đều đến tay bị cáo Nga. Với 4 trường hợp bị cáo Nga khai nhận đến 1 tỷ đồng tiền cảm ơn thì liệu bị cáo có tình nguyện tự ý nâng điểm khi các “quan chức” chỉ nhờ “xem điểm” mà không có công sá gì hay không?
Phải chăng bị cáo Nga vì nể hay nịnh “sếp” Yến mà ra tay nhiệt tình giúp đỡ dù được nhờ xem điểm như “quan chức Sơn La” và như ông Yến nói nhưng lại nâng luôn điểm thi cho vừa lòng “sếp” nhờ. Hoặc có thể vì quan hệ đồng nghiệp với ông Hà nên bị cáo Nga cũng nhiệt tình giúp đỡ đến nơi đến chốn luôn.
Dư luận cũng đặt câu hỏi về sự nhiệt tình của ông Nguyễn Ngọc Hà và Nguyễn Minh Khoa khi không có chức năng nhiệm vụ để nâng điểm thi nhưng lại ra sức giúp đỡ “xem điểm” cho con và cháu ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La?
Vì động cơ gì mà ông Hoàng Tiến Đức, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La lại nhiệt tình nhận lời xem điểm cho con ông Đỗ Kim Quang, Giám đốc VNPT Sơn La?
Và ông Trần Xuân Yến, cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT lại nhiệt tình nhận lời giúp đỡ “xem điểm” cho con của thuộc cấp là ông Phan Ngọc Sơn, Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La?
Sự giúp đỡ này vì quen biết, vì tình sếp – lính, vì quan hệ xã hội hay vì nịnh bợ hoặc lợi ích vật chất nào khác sẽ được tòa kết luận trong ít ngày tới. Nhưng với dư luận, nhiệt tình nhận lời giúp đỡ “xem điểm” rồi đi nhờ vả người khác, sau đó từ xem điểm thành được nâng điểm, tất cả đều xuất phát từ tình cảm, sự quen biết xã hội thì thật khó tin.