Đến rạng sáng nay 15/5, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới hoàn tất công tác khám xét nơi ở của ông
Tề Trí Dũng, cựu Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC).
Trước đó trong tối 14/5, cơ quan điều tra cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can,
bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng tại nhà riêng ở Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP HCM.
|
Cơ quan chức năng khám xét nhà ông tề Trí Dũng ở quận 7, TP HCM trong đêm 14/5. |
Hai tội danh mà ông Tề Trí Dũng bị khởi tố là tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Ông Dũng bị bắt liên quan đến việc Công ty IPC bán 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim (cùng với công ty Sadeco, Công ty Hiệp Phước). Hành vi sai phạm của ông Dũng được xác định gây thất thoát cho nhà nước hàng trăm tỉ đồng.
|
Ông Tề Trí Dũng, cựu TGĐ Công ty IPC vừa bị bắt tạm giam. |
Theo CQĐT, Công ty IPC là doanh nghiệp nhà nước, được UBND TP HCM thành lập năm 1993. Lĩnh vực hoạt động của IPC là xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư hạ tầng và phát triển hạ tầng cho các KCX, KCN, các cụm dân cư, khu đô thị mới tại TP HCM và một số địa phương khác trong cả nước.; cung cấp các dịch vụ liên quan cho KCX-KCN; kinh doanh vận tải biển, các dịch vụ liên quan đến vận tải biển; đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác…
Trong 2 năm 2016 và 2017, mặc dù Công ty IPC kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại vay ngân hàng 400 tỷ đồng để nộp lợi nhuận vào ngân sách. Giải trình về việc kỳ lạ này, IPC cho rằng việc vay tiền là để… tạo quan hệ tài chính với ngân hàng.
Hậu quả của “tạo quan hệ” nói trên đã phát sinh khoản lãi hơn 8 tỷ đồng. Ngoài ra, IPC cũng có các sai phạm về cho thuê tòa nhà trụ sở và chi tăng tiền thiết kế, dự toán cho nhà thầu.
Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ các sai phạm của ông Tề Trí Dũng tại công ty Tân Thuận.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã kết luận chỉ đạo sau Kết luận thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (công ty Tân Thuận) của Thanh tra TP.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP đã giao Chánh Thanh tra TP chuyển hồ sơ, tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số vụ việc tại công ty Tân Thuận.
Thứ nhất, việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và công ty CP KCN Hiệp Phước có dấu hiệu vi phạm, không đảm bảo lợi ích cổ đông của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nhà nước.
Thứ hai, việc thẩm định giá của công ty CP Chứng khoán TP, công ty TNHH Thẩm định giá MHD không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho công ty Tân Thuận, vốn Nhà nước.
Thứ ba, việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu, việc hợp tác với công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đảm bảo lợi ích của công ty Tân Thuận.
Ngoài ra, cũng theo kết luận thanh tra, Công ty Tân Thuận có sai phạm trong quản lý, sử dụng tòa nhà văn phòng văn phòng IPC. Cụ thể, công ty chỉ sử dụng một phần tòa nhà còn lại cho 81 đơn vị khác thuê, tổng doanh thu cho thuê trong 7 năm gần đây là 295 tỷ đồng. Công ty hoạt động có lợi nhuận nhưng lại đi vay vốn ngân hàng để nộp cho ngân sách, làm phát sinh lãi vay 8 tỷ đồng.
Chưa hết, Công ty Tân Thuận còn sai phạm trong việc chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước về đi nước ngoài (đi công tác, đi việc riêng) của người lao động theo phạm vi quản lý của công ty.