Bảo vệ chủ quyền, quyết không nhân nhượng
Phát biểu tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 31/10, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, thời gian qua, công tác quốc phòng, an ninh đối ngoại của chúng được tăng cường và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn quan tâm đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối quan điểm của Đảng và đối sách của Đảng. Đó là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc. Đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói rằng, vừa qua, dư luận có những người dân có hiến kế cách này cách khác. Đảng, Nhà nước ta luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân, đồng thời cũng phải kiên trì, hết sức đoàn kết, kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông.
“Chúng ta kiên quyết, kiên trì theo tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến. Những vấn đề thuộc về nguyên tắc là chúng ta kiên quyết giữ gìn, như Thủ tướng đã nói những vấn đề thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là chúng ta quyết không nhân nhượng. Nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp.”, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
|
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang. Ảnh VGP |
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, người dân Việt Nam ai cũng có khát vọng để vươn lên và tinh thần ấy hiện nay đang được khơi dậy. Khi đất nước ta chưa có độc lập thì khát vọng lớn nhất là đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Ngày nay, khát vọng lớn nhất của chúng ta là giữ vững được độc lập chủ quyền và thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Khát vọng đó chính là niềm tin, điểm tương đồng để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khát vọng đó đang đứng trước thời cơ lớn, song đó cũng là quá trình liên tục lâu dài, phải phấn đấu và phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gian khổ. Một trong những thách thức đó chính là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Nghĩa nói.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, nhưng trong từng tình huống cụ thể phải có sách lược phù hợp. Phải khẳng định tính đúng đắn tính chính nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của đất nước, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của quốc tế…
Đồng thời khẳng định, lịch sử pháp lý chính là một trong những căn cứ rất quan trọng để khẳng định tính chính nghĩa, khẳng định chủ quyền của ta. Chúng ta phải thông qua công tác tuyên truyền, kết hợp với đấu tranh thực địa. Phải hết sức quan tâm đến giữ vững ổn định chính trị trong nước và các giải pháp kinh tế, phải đa dạng hóa hơn để xử lý chủ động được các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho biết, năm 2019, trong bối cảnh đất nước và quốc tế nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vững chỉ đạo, điều hành kinh tế đạt trên 6,8%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và dự trữ ngoại hối tốt. Đặc biệt, trước diễn biến bất ổn từ cạnh tranh giữa các nước lớn, và tình hình biển Đông đe dọa an ninh nghiêm trọng nhưng với chủ trương đúng đắn, Việt Nam rất thành công trong công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác đối ngoại song phương, đa phương với các nước và Liên minh châu Âu tạo thế và lực mới cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo đại biểu Thủy, trong nước, tuy có nhiều bức xúc trước chủ quyền thiêng liêng đất nước của Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng từ ngày 4/7 – 24/10/2019, song cử tri và nhân dân cả nước luôn tin tưởng đánh giá cao trách nhiệm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, lực lượng vũ trang Việt Nam luôn kiên định, nhất quán chủ trương: Những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chúng ta không bao giờ nhân nhượng!
“Từ khẳng định chủ trương nhất quán đó, chúng ta đã có những hành động kiên quyết, kiên trì, bình tĩnh, khôn khéo, xử lý đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý và thực địa, tạo được đồng thuận cao trong nhân dân và cộng đồng quốc tế, giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên biển Đông, tạo điều kiện ổn định trong nước để thu hút đầu tư, du lịch, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần”, Đại biểu Thủy nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Vì sao phải né gọi tên Trung Quốc?
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khẳng định bản thân ông và các đại biểu Quốc hội khác cảm nhận lòng tin được củng cố sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại, trong đó có vấn đề biển Đông.
"Ngay trong bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những nội dung đầy khích lệ về việc Đảng, Nhà nước ta nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển của đất nước”, Đại biểu Dương Trung Quốc nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, nội dung này cần công khai cho người dân biết, không cần thiết phải họp kín. Đồng thời, ông cũng cho rằng, báo cáo đã không nói rõ được chủ thể của hành động vi phạm nghiêm trọng trên các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế là ai.
“Tại sao trước đó, bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chúng ta đã nói rõ Trung Quốc là người gây bất ổn ở biển Đông trước bàn dân thiên hạ, trên diễn đàn quốc tế nhưng báo cáo đọc trước Quốc hội cũng là trước đồng bào của mình lại né tránh cái quốc danh vốn đáng kính trọng của một quốc gia văn minh nhưng cũng đáng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của chúng ta”, ông Dương Trung Quốc nói.
|
Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Đại biểu Nhân dân. |
Đồng thời, đại biểu Dương Trung Quốc nói rằng, ngay trên diễn đàn Quốc tế cũng vậy, vẫn có vị đại biểu né tránh, thay thế chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài.
“Người dân chúng ta thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy. Sau này con cháu chúng ta những người đọc sử, hậu duệ của chúng ta đọc những văn bản nghĩ gì về thời đại chúng ta đang sống?”, ông Quốc phát biểu.
Vị đại biểu Đồng Nai cũng nhấn mạnh, dân tộc chúng ta có cả một chiều dài lịch sử, không chỉ có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà có thời kỳ rất dài hòa hiếu quan hệ ngoại giao Trung Quốc.
"Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha chúng ta để giữ ưu thế trong mối quan hệ ấy bảo đảm môi trường hòa bình phát triển. Những năm tháng chiến tranh cực kỳ ít so với thời kỳ hòa bình, ổn định. Tôi mong rằng bài học lịch sử ấy sẽ thấm đượm trong hoạt động của thế hệ chúng ta", ông Quốc nói.