Lãnh đạo TP.HCM vừa ra một loạt
hạn chế đối với tất cả công dân nhằm
chặn sự lây lan dịch bệnh: tạm dừng một số phương tiện vận chuyển hành khách công cộng; cấm tụ tập trên 20 người ở nơi công cộng; cấm tụ tập 10 người trước công sở, bệnh viện, trường học; đeo khẩu trang đúng cách khi ra đường, không ra đường nếu không có việc thực sự cần thiết…
|
Tiếp thực phẩm cho người cách ly tại nhà ở Hà Nội. Ảnh: Cổng TTĐT quận Ba Đình |
Đóng cửa để chốt chặn đường lây
Mức độ tuân thủ của người dân hoàn toàn khác nhau phụ thuộc vào ý thức của từng người và cách hiểu về “việc thực sự cần thiết”. Những việc trước giờ vẫn được xem là cần thiết và tích cực, ở mùa dịch này đã không còn phù hợp, thậm chí gieo tai họa.
Virus bệnh chực sẵn, bấu bám vào đám đông, nơi người người kết nối với nhau bằng vị nể và chủ quan. Nếu nâng cao tinh thần cảnh giác kiểu “giả sử tất cả những người mình tiếp xúc có thể mang mầm bệnh” thì ở mùa dịch cần một tương tác, chia sẻ chân tình nhưng theo hình thức khác (gọi điện thoại, chuyển khoản để chung vui, chia buồn). Nếu hữu sự trong gia đình thì phải lo dưới sự hướng dẫn của chính quyền.
Đang cách ly tập trung, nhận được tin sét đánh - cha mất ở quê nhà, người đàn ông chỉ thắp nén hương trên bàn thờ do ban quản lý khu cách ly chuẩn bị, ở lại tuân thủ đủ 14 ngày cách ly. Đã đặt chân về đến quê cha đất tổ mà không lo được tang cha nhưng đó là sự lựa chọn trọn tình, vì mình, vì họ hàng, cộng đồng. Thử hỏi có thực sự cần thiết ở thời điểm này không khi trực tiếp tụ tập, đua chen mua sắm, hiếu kỳ xem siêu thị khai trương, làm đẹp, vui chơi?
Từ trước khi có lệnh tạm ngừng kinh doanh dịch vụ, chị Nguyễn Quyên ở quận 4, TP.HCM đã đóng cửa quán nước. Chị Quyên nói: “Nếu mở cửa phục vụ cho dưới 30 khách đi nữa, nào biết ai đang ủ bệnh, ai không. Lỡ vài ngày sau phát hiện liên quan ca dương tính, cũng phải phong tỏa quán và không dễ để mình xác định được đầy đủ những người có tiếp xúc cùng thời điểm. Vậy là hại mình, hại xã hội”.
|
Một tiệm cà phê quận 3 đóng cửa trước khi có kêu gọi của thành phố. Ảnh: HP |
Mạnh tay với người liều mạng
Sống tại quê nhà Tiền Giang nhưng vợ con hiện ở TP.HCM, anh Văn Thắng vẫn quyết định ai ở đâu yên đó, nếu xui rủi vợ con anh phải chịu cách ly thì đã có chính quyền địa phương chăm lo. Nhiều lần anh định bắt xe khách lên cùng vợ con nhưng nghĩ đến tình cảnh không mong muốn là cả chuyến xe khách phải cách ly, nên thôi. Vợ con anh cũng hiểu chuyện nên khuyên anh ở lại quê, khi nào yên dịch hãy thăm nhau.
Nghe tin các chuyến xe công cộng liên tỉnh cũng đã bị hạn chế, anh nói: “Trước khi bước ra đường, nếu ai cũng nghĩ đến “danh dạ” dài ngoằng những người tiếp xúc thì sẽ cắt giảm nhiều kế hoạch. Đồng loạt chịu khó vài tuần mới dập được dịch”.
Ai cũng mong dịch bệnh qua mà trong hành động của chính mình lại không cương quyết, thì tình hình bệnh dịch lây lan còn kéo dài. Khi tổ trưởng tổ dân phố ghé từng nhà hỏi “nhà có ai chạy xe ôm, taxi gì không?”, nhiều người đàn ông trong các hộ dân đã quát tháo, cự cãi.
Họ đích thực là người gánh một lực lượng hùng hậu hành khách cả thân thiết lẫn vãng lai. Thay vì phản đối, đáng lẽ họ phải nghe chính quyền tư vấn kiến thức và kỹ năng để bảo vệ mình, người khác.
Ngay trong nhiều gia đình cũng xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng vì người muốn giấu ém, người muốn khai báo trung thực. Mối nguy quá rõ, còn việc xử lý thế nào?
|
Không nên di chuyển khỏi nơi sinh sống lúc này |
Ở Ấn Độ thẳng thừng phạt nóng, kể cả quất roi vào những người vi phạm: không đeo khẩu trang nơi công cộng, không đứng đúng ô lúc xếp hàng mua đồ… hình thành một chuẩn hành xử mới trong phòng chống dịch và tất cả được hưởng từ xử lý đanh thép mà tích cực đó.
Dịch bệnh thực sự là một “bộ kit” xét nghiệm và phân loại người dân về ý thức trách nhiệm. Đã liều mạng mình, còn “liều giùm” gia đình, họ hàng, xóm giềng, đồng nghiệp…
Khi “bộ kit” chưa hiện lên hết màu xanh của ý thức cộng đồng, của sự chân thành hợp tác thì chính phủ, chính quyền các địa phương phải mạnh tay mới mong chiến thắng dịch bệnh cũng như vượt qua muôn trùng thử thách.