Nuôi chó phải đăng ký: "Cần quyết liệt, triệt để"

Google News

Đối với chủ vật nuôi chó, mèo, Hà Nội yêu cầu phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó với UBND xã, phường, thị trấn; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP giai đoạn 2018-2021.
Theo đó, đối với chủ vật nuôi chó, mèo, Hà Nội yêu cầu phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó với UBND xã, phường, thị trấn; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Ngoài ra, khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường.
UBND cấp xã lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hàng năm, trước đợt tiêm phòng, tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng trên địa bàn.
Ảnh: Xpress. 
Là người dân sống ở Hà Nội hơn 15 năm, chị Thùy Linh, (SN 1987, ở Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với chủ trương của UBND TP Hà Nội. Chị cho hay, rất nhiều người thích nuôi chó nhưng lại thiếu hiểu biết, không hề có những biện pháp để quản lý và bảo đảm an toàn cho người sinh sống xung quanh.
“Tôi nuôi chó đến nay đã 10 năm. Ngày trước, khi mới mua hai con chó từ nước ngoài, tôi đều yêu cầu người bán phải cung cấp giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình nuôi, tôi cho các chú chó của mình đi tiêm chủng định kỳ”, chị Thùy Linh nói.
Hôm qua, nghe thông tin các chủ nuôi chó phải đăng ký với cấp chính quyền, tổ chức tiêm phòng và có biện pháp phòng tránh khi cho chó đi dạo tôi rất đồng tình. Đây là biện pháp tốt để cơ quan quản lý dễ kiểm soát dịch bệnh từ vật nuôi. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là khi thực hiện chủ trương trên thì các cấp chính quyền phải quản lý thế nào cho hợp lý, tránh chồng chéo.
Tôi ví dụ, gia đình tôi nuôi chỉ một đến hai con và có đủ giấy tờ thì việc kê khai, đăng ký có thể đơn giản. Những cơ sở nuôi chó lớn hay kinh doanh chế biến thực phẩm từ chó (thông thường là chó ta), mỗi ngày họ chế biến bao nhiêu con thì các cấp có thẩm quyền sẽ kiểm soát kiểu gì? Ai dám chắc chắn rằng chúng cũng có nguồn gốc xuất xứ, được đăng ký đầy đủ”, chị Thùy Linh nêu quan điểm.
Anh Phan Mạnh Hùng (ngõ 665, đường La Thành, Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết, anh rất hài lòng khi biết được chủ trương của TP Hà Nội.
“Tôi rất ủng hộ vì hiện nay một số hộ nuôi chó chưa có ý thức tốt trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhiều gia đình để chó chạy rông và đi vệ sinh ra gốc cây, vỉa hè, lòng đường rất mất vệ sinh. Chó chạy rông gây ra sự khiếp hãi cho trẻ nhỏ, nhiều khi làm chúng bỏ chạy ngã cả vào xe cộ. Đó là chưa kể, rất nhiều người đi bộ trên vỉa hè đã bị chó cắn”, anh Hùng nói.
“Bản thân tôi cũng từng bị chó cắn 2 lần ở Hà Nội. Lần đầu tiên là thời sinh viên. Tôi còn nhớ, khi đó, tôi đang đạp xe đi học thì bị một con becgie đuổi theo cắn vào đầu gối. Từ hôm đó, suốt 10 ngày, tôi phải đạp xe đến nhà con becgie để theo dõi xem nó thế nào để đi tiêm phòng.
Nhiều người hỏi, vì sao phải theo dõi con chó và vì sao tôi không đi tiêm phòng ngay? Lý do là vì, thời đó, thuốc phòng dại không nhiều và đơn giản như bây giờ. Mỗi người tiêm phòng dại phải tiêm đủ 7 mũi. Hơn nữa, nhiều người nói, nếu con chó bị dại, sau 7 ngày sẽ chết.
Lần thứ 2, tôi bị chó cắn là cách đây không lâu. Một con chó của người dân thả rông trong ngõ khu Thành Công (Hà Nội) đã cắn vào gót chân tôi. Rất may, vết cắn không sâu nhưng cũng khiến tôi lo lắng” - anh Hùng cho biết.
Anh Hùng nêu quan điểm, đối với chủ trương này, để thực hiện hiệu quả, Hà Nội nên làm ngay và mạnh ở khu vực nội thành, sau đó mới triển khai ở khu vực ngoại thành.
Và khi đã đưa vào thực hiện thì nên quyết liệt và triệt để. Đối với những con chó vi phạm, tổ bảo vệ dân phố có thể bắt nhốt để xử lý theo quy định.
“Tôi ngồi uống trà ở các quán nước vỉa hè, thấy chó thả rông khá nhiều. Khó chịu hơn, nhiều hộ dân còn cố tình thả chó ra ngõ, phố để chúng đi vệ sinh vào lúc đêm khua. Tuy nhiên, khi nhắc nhở thì họ lại không thừa nhận là chó nhà mình gây ra.
Một số người báo tổ dân phố, nhưng vì ngại va chạm nên tổ dân phố cũng chỉ nhắc nhở qua loa rồi thôi” - anh Hùng bức xúc.
Đồng tình với quan điểm của anh Hùng, ông Bùi Thế Biên, ban quản trị tòa nhà Hemisco (phường Phúc La - Hà Đông, Hà Nội) cũng cho rằng chủ trương trên hoàn toàn đúng đắn.
Ông Biên cho biết, theo quy định, các hộ dân sống tại chung cư không được nuôi giữ chó. Vì thế, các hộ dân nơi ông quản lý đều chấp hành nghiêm túc.
“Trước kia, có một vài hộ dân mới chuyển đến, họ mang theo chó về chung cư nuôi. Tuy nhiên, sau khi được nghe phân tích của ban quản lý, họ đã chấp hành nghiêm túc. Hiện nay, 100% cư dân ở tòa nhà tôi quản lý không nuôi chó”- ông Biên nói.
Tuy nhiên, theo lời ông Biên, trong địa bàn Phúc La, ông vẫn bắt gặp những hộ gia đình nuôi chó nhưng không quản lý chặt chẽ làm ảnh hưởng đến người đi đường. Vì thế, khi có chủ trương này của Hà Nội, ông rất ủng hộ.
“Thực hiện theo chủ trương này là góp phần làm cho môi trường sống văn minh, sạch sẽ. Những hộ nuôi chó xích, nhốt hoặc giữ trong khuôn viên gia đình sẽ không gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Như vậy, sẽ không có ai bị cắn oan và tình nghĩa xóm giềng cũng sẽ tốt đẹp hơn” - ông Biên khẳng định.
Theo Nhóm PV/Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)