Khó áp dụng ở vùng quê, vùng núi cao
Trước thông tin từ năm 2018, người dân ở Nghệ An muốn nuôi chó sẽ phải đăng ký đang khiến dư luận xôn xao, bàn tán. Đây không phải là vấn đề mới, thực tế rất nhiều tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện từ rất lâu.
Tuy nhiên, việc áp dụng tại tỉnh Nghệ An có 80% diện tích là đồi núi khiến nhiều người cảm thấy kế hoạch rất khó thực hiện.
|
Từ năm 2018, người dân muốn nuôi chó phải đăng ký và xích giữ khi đưa ra nơi công cộng. |
Bà Nguyễn Thị Hà, trú tại xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho hay, ở vùng quê mỗi xã đã có hàng nghìn con, nếu đưa đi đăng ký hết cũng là vấn đề nan giải.
“Thành phố thì được chứ nông thôn mà bảo người dân đưa chó đi đăng ký thì ngại lắm. Nếu bắt buộc theo hình thức phạt tiền thì thà họ cho, bán hoặc cùng lắm giết làm thịt không chừng”, bà Hà nói. Thậm chí, ở những nơi dân cư thưa thớt, địa hình hiểm trở mà thông báo đưa chó đi đăng ký chắc… không có một ai.
“Nhiều người bị chó cắn còn chẳng đi tiêm phòng nữa là đăng ký. Có nhiều khi cán bộ xuống vận động nhưng họ đi làm đồng hết nên mọi người lại phải trở về. Vậy nên kế hoạch này chỉ áp dụng cho các thành phố lớn hoặc các điểm du lịch thôi, chứ những nơi khác thì chưa thể làm được đâu”, ông Cao Văn Vương, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương bày tỏ.
Rất nhiều người dân thành phố ủng hộ
Tại TP.Vinh, mặc dù chưa nghe về kế hoạch này, nhưng khi được hỏi thì phần lớn mọi người đều khá ủng hộ.
“Nếu làm được thì tốt quá, nâng cao ý thức của người dân về việc nuôi chó. Nhiều khi đi đường mà có con chó chạy qua cũng sẽ gây tai nạn đáng tiếc. Quan trọng hơn là sẽ loại bỏ được những con chó dại làm mất mỹ quan đường phố, bảo vệ mọi người”, ông Cao Lâm, trú phường Bến Thủy, TP.Vinh đồng tình.
|
Nghệ An sẽ lập đội bắt chó như TP.Hồ Chí Minh (ảnh Hà Trang) |
Theo thống kê, từ năm 2013 đến hết tháng 8/2017, toàn tỉnh có 52 người tử vong do bệnh dại. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, Nghệ An có tới 5 người tử vong do bệnh dại.
Liên quan đến sự việc, ông Đặng Văn Minh, Phó chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Nghệ An cho biết, phía đơn vị đang xây dựng kế hoạch phân bổ về các huyện, thành thị trên địa bàn thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại giai đoạn 2018 - 2021.
Tuy nhiên ông Minh cũng thừa nhận việc thực hiện ở thành phố, thị xã sẽ dễ nhưng ở các vùng nông thôn, miền núi sẽ khó thực hiện vì thói quen thả rông của người dân.
Vì vậy, bên cạnh thống kê cụ thể số lượng vật nuôi, tuyên truyền, vận động người dân đưa vật nuôi đi tiêm phòng, tỉnh Nghệ An đưa chỉ tiêu kết quả phòng, chống bệnh dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của UBND cấp xã.
Mục tiêu đến năm 2021, sẽ có 95% số xã, phường, thị trấn ở Nghệ An lập được danh sách hộ nuôi chó và quản lý được đàn chó nuôi; tỉ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc xin dại đạt trên 85%; trên 70% số huyện không có bệnh dại trong 2 năm liên tiếp; giảm 60% số huyện có nguy cơ cao về bệnh dại trên người và giảm 60% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011 - 2015.
Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021 vừa được UBND tỉnh này ban hành buộc chủ nuôi phải đăng kí việc nuôi chó với UBND cấp xã; xích nhốt chó trong khuôn viên của gia đình, khi đưa ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích giữ chó.
Ngoài ra, người nuôi chó bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo và thanh toán các khoản chi phí tiêm phòng. Chó sau khi tiêm phòng sẽ được cấp thẻ và dây đeo vòng cổ để phân biệt với chó chưa được tiêm phòng dại.
Tỉnh này cũng sẽ thành lập đội bắt chó thả rông và diệt chó nghi mắc bệnh dại, chó không tiêm phòng. Số chó vô chủ, chó mặc bệnh dại hay có dấu hiệu mắc bệnh dại, không có người nhận sau 48 giờ sẽ bị tiêu hủy.