Dư luận đang quan tâm đến việc Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y chính thức có hiệu lực (ngày 15/9). Tuy nhiên, theo ghi nhận trước đó của PV Kiến Thức vào chiều 20/9, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, tình trạng chó không đeo rọ mõm được thả ra các nơi công cộng rất phổ biến, đặc biệt là ở một số quận ở trung tâm của thành phố.
|
Rọ mõm được chủ nuôi chó đeo ở cổ chó theo kiểu chống đối, chứ không đeo lên mồm chúng. |
Liên quan đến vấn đề trên, chiều 21/9, trao đổi với PV Kiến Thức, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết đơn vị vẫn luôn luôn chỉ đạo các trạm ở quận, huyện TP Hà Nội về việc chấp hành các quy định về nuôi chó, nhất là sau khi Nghị định 90/2017/NĐ-CP có hiệu lực. Đồng thời, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi để người dân nhận thức và chấp hành nghiêm chỉnh.
Ông Sơn cho biết, ở mỗi quận, huyện của TP Hà Nội hiện tại đều có Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh cho người và động vật. “Tuy nhiên, chính quyền địa phương là đơn vị trực tiếp xử lý, còn Chi cục Thú y Hà Nội chỉ tham mưu. Nếu những nơi nào mà thực hiện tốt, thì cần phát huy; ngược lại nếu yếu, thì chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền nơi đó để họ mạnh tay xử lý”, ông Sơn nói.
Dẫn lời một số bạn đọc gửi ý kiến tới báo điện tử Kiến Thức thắc mắc: “Tại sao Hà Nội không thành lập các tổ công tác đi xử lý các chủ nuôi chó vi phạm, bắt giữ những con chó không người trông, không đeo rọ mõm thả chạy long nhong ngoài đường, sau đó tiêu hủy như TP HCM đã làm”?, thì ông Sơn cho hay: Cán bộ y tế chỉ có tham mưu, hướng dẫn chính quyền địa phương trong công tác xử lý các trường hợp vi phạm, chứ không tự thành lập tổ công tác đi xử lý. Việc thành lập tổ bắt giữ chó hay không là do chính quyền địa phương tổ chức. Đặc biệt, trong thông tư 07/2016 được Bộ NN&PTNT ban hành ngày 31/5/2016 nêu rất rõ:
Đối với chủ nuôi chó: Phải đăng ký với chính quyền địa phương; Phải thực hiện tốt việc tiêm phòng cho chó theo đúng quy định, đặc biệt là vắc-xin dại; Phải nuôi nhốt chó trong khuôn viên gia đình. Trường hợp cho chó đi ra ngoài công cộng, thì chủ nuôi cần phải đeo rọ mõm, hoặc có người dắt chó và không để chó tấn công người khác. Nếu như để chó tấn công người khác thì chủ nuôi chó phải chịu mọi phí tổn đối với người bị chó cắn.
Đối với chính quyền địa phương các cấp: Tổ chức tuyên truyền cho người dân chấp hành các quy định của pháp luật và lập sổ theo dõi đối với chủ nuôi chó để xử lý các trường hợp nếu như để chó cắn, hoặc các vấn đề về dân sự. Tổ chức việc tiêm phòng cho chó. Trường hợp khi cần thiết sẽ thành lập các tổ bắt giữ chó để xử lý theo quy định.
Theo ông Sơn, nếu chính quyền địa phương thành lập tổ công tác đi xử lý sẽ bao gồm các thành phần như: An ninh bảo vệ, cán bộ y tế. “Cán bộ y tế đi theo để không may khi tổ công tác tham gia bắt chó mà bị chó cắn hoặc có thể phát hiện những con chó thả rong không may bị dại từ đó tìm hướng dẫn xử lý kịp thời. Trong 48 giờ đồng hồ chó nuôi bị dại được chính quyền bắt về mà chủ nuôi không đến nhận, thì sẽ xử lý theo quy định (Gửi vào các trạm chăn nuôi chó, có nghiệp vụ hoặc tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định)”, lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội cho biết thêm.
Theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, bắt có hiệu lực từ ngày 15/9, quy định: Với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng.
Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự từ 600.000 đến 800.000 đồng như hành vi trên. Đối với trường hợp chó cắn, cào người khác thì chủ phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định.
Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 – 1.000.000 đồng. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.