Giá nước sông Đuống “mặn chát” vì cõng lãi vay nghìn tỷ
Sự chênh lệch gần gấp đôi của giá nước sạch của nhà máy nước mặt Sông Đuống của Shark Liên so với nhà máy nước sông Đà dù cùng là hai đơn vị cấp nước lớn nhất cho TP Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đáng chú ý, hiện nay dù giá nước chỉ vào khoảng hơn 5.000 đồng/m3 nhưng Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đang có lãi lớn. Theo đó, trong 4 năm gần đây, mỗi năm Viwasupco đều đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm, Viwasupco thu về 127 tỷ đồng lãi ròng sau thuế, tăng 31%. Bình quân mỗi ngày, công ty nước sạch này lãi hơn 700 triệu đồng.
Do vậy, nhìn từ doanh thu của Viwasupco, dư luận càng khó hiểu hơn với việc UBND TP Hà Nội duyệt cho nhà máy nước Sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 dẫn đến hiện trạng cùng một thành phố, hai đơn vị cấp nước lại có hai giá chênh lệch lớn đến mức người dân không thể hiểu nổi.
|
Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. |
Vậy, nước Sông Đuống - Shark Liên tính giá kiểu gì lên đến 10.246 đồng/m3?
Tại hội nghị giao ban báo chí thường kỳ Thành ủy Hà Nội ngày 12/11, Giám đốc Sở Tài chính TP Hà Nội Nguyễn Việt Hà thừa nhận, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 bao gồm các chi phí: chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…
Cụ thể, theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ, để có căn cứ cho nhà đầu tư lập, thực hiện dự án, UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch sông Đuống là giá tạm tính với mức tối đa.
“Do đây là điểm chuẩn bị dự án, vì vậy, việc xác định giá được thực hiện trên nguyên tắc tính đủ chi phí sản xuất, giá thành toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ để đơn vị cấp nước duy trì và phát triển trên cơ sở tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật và có mức lợi nhuận hợp lý”, ông Hà cho biết và nói rằng, lộ trình tăng giá nước được áp dụng cho dự án này tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội giải thích việc giá nước mặt sông Đuống cao hơn nước sạch sông Đà cho biết, về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau.
Cụ thể, nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng.
"Quy mô đầu tư giữa hai dự án khác nhau. Chất lượng nguồn nước thô đầu vào của hai nhà máy cũng khác nhau", ông Hà nói và cho biết tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, khoảng 2.000 đồng/m3 nước.
Nói về việc giá nước sạch sông Đuống bán buôn cao hơn giá bán lẻ, ông Hà giải thích, mức giá 10.246 đồng/m3 nước thì đúng là giá cao hơn giá bán lẻ hiện hành (giá bán lẻ 7.000 đồng/m3). Để đảm bảo nguyên tắc bán buôn không cao hơn bán lẻ, TP.Hà Nội đang hiệp thương với Nhà máy nước mặt sông Đuống, các đơn vị phân phối. Đồng thời cho biết, theo tính toán của liên ngành thì giá bán lẻ nước sạch sông Đuống là hơn 9.000 đồng/m3, sau khi trừ đi phần hao hụt sẽ còn hơn 7.000 đồng/m3. Liên ngành báo cáo TP Hà Nội dự tính giá sau khi hiệp thương là 7.700 đồng/m3.
Tại sao người tiêu dùng phải trả lãi vay cho công ty kinh doanh nước sạch?
Những thông tin do Hà Nội cung cấp ở trên khiến nhiều khách hàng dùng nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống khó hiểu, thậm chí nhiều người không đồng tình với cách giải thích của vị Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội.
“Là một khách hàng sử dụng nước sạch, tôi không thể chấp nhận cách giải thích việc giá nước cao gấp đôi đơn vị khác là do chi phí đầu tư lớn, quy mô nhà máy to chất lượng nước tốt hơn thì giá thành được phép cao hơn gấp đôi đơn vị khác như vậy. Bởi thông thường, dự án xây dựng sau, có quy mô lớn, chi phí xây dựng cao thì giá thành phải rẻ hơn. Bởi khi xây dựng dự án, doanh nghiệp họ đã tính về hiệu quả của dự án. Còn chất lượng nước cao hơn, tốt hơn thì ai dám đảm bảo khi nhà máy đi vào hoạt động dù chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu đã bán nước”, ông Trần Văn Thanh, người dân TP Hà Nội nêu ý kiến.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, một người dân quận Long Biên (TP Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư nhà máy thì doanh nghiệp phải tính phương án tài chính. Doanh nghiệp đi vay lãi để xây dựng nhà máy thì đó là việc của doanh nghiệp, sao lại tính chi phí lãi vay vào giá nước. “Khi nhà máy hoạt động có lãi thì liệu có giảm giá nước, có ưu đãi giá cho người dân hay không? Tại sao giá nước lại được chốt ở thời điểm trước khi nhà máy xây dựng? Tại sao khách hàng lại phải trả lãi cho nhà máy này?”. Dù nói vậy nhưng ông Hải cũng thừa nhận, nếu không chấp nhận giá nước này thì cũng không thể sử dụng nước của đơn vị khác bởi Thành phố đã ưu đãi cho doanh nghiệp cả thị trường rộng lớn như vậy rồi.
Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho biết, mới đây, bà Đỗ Thị Kim Liên - chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống có nói công ty đã mời kiểm toán vào làm và bà cảm thấy “đang có công mà lại như là tội đồ”.
“Người dân chúng tôi cũng hi vọng kiểm toán vào cuộc để có câu trả lời giá nước của Công ty sông Đuống như vậy có hợp lý hay không trong khi ở TP HCM giá nước sinh hoạt cao nhất chưa tới 4.500 đồng/m3. Đồng thời, người dân cũng mong muốn Thanh tra vào cuộc để làm rõ việc doanh nghiệp Thái Lan nắm giữ 34% cổ phần Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống. Đồng thời làm rõ với mức giá nước trên, Công ty sông Đuống lãi bao nhiêu để “lợi nhuận vừa đủ để chúng tôi cảm thấy vui vẻ” như lời bà Liên nói”, bà Hoa cho biết.
Hà Nội: Vận hành nhà máy nước mặt sông Đuống - Nguồn: VTV24