Nước mắt của nữ phạm nhân bất đắc dĩ làm mẹ

Google News

Nhắc đến cậu con trai vừa được gửi về quê, Bách khóc nức nở vì nhớ con. Là người quá lứa nhỡ thì, Bách mong có một mụn con để sau này nương tựa nhưng không ngờ mình lại có thể sinh con trong tù.

Được ở gần con tới khi cậu bé 3 tuổi, Bách mừng vì cảm giác làm mẹ để rồi giờ đây cứ khắc khoải nhớ thương.
Vào tù mới biết mình mang thai
Nếu chỉ nhìn qua dáng dấp, chẳng ai nghĩ Lầu Thị Bách, SN 1989, ở Na Ư, Điện Biên lại già đến vậy. Nước da sạm nắng, tóc búi cao và dáng đi tất tả, nom đã toát lên sự vất vả. Gặp Bách ở trại giam Ninh Khánh, cô bảo rằng, mình đang cải tạo lao động ở đội may mặc. Hỏi Bách ngày ở nhà đã biết may chưa mà may khéo thế, chị ta lắc đầu cười: “Vào đây em mới biết làm đấy cán bộ ạ”.
Bách phạm tội vận chuyển ma túy, án phạt 20 năm tù. Khi bị bắt, Bách là gái chưa chồng nhưng hiện giờ chị ta đã là mẹ của một bé trai 4 tuổi.
-Bách đi buôn ma túy từ bao giờ?, tôi hỏi -Em có đi buôn đâu, thấy mọi người trong xã hay rủ nhau qua biên giới xách thuê ma túy. Bí tiền nên cũng đi cầm hộ, Bách kể. -Không có tiền mà người ta cũng đưa ma túy cho à, cả bánh heroin dễ đến vài trăm triệu đồng chứ ít đâu?, tôi hỏi tiếp -Vâng nhiều tiền thật nhưng mọi người làm thế nào thì em làm thế.
Cũng biết nhau hết cả mà, trốn làm sao được, Bách nói tiếp. -Nghe nói Bách chưa có chồng? -Em chưa lấy chồng thôi chứ người yêu thì có rồi. -Thế người yêu em có biết em sinh con không? -Chắc là không biết. -Thế em có định nói cho anh ta biết không? -Em nghĩ anh ta biết rồi vì ở đây cũng có người cùng quê với em mà. -Nhỡ anh ta không biết thì sao? -Không đâu. Có thể anh ấy cũng đi tù rồi.
Theo người làng đi xách thuê ma túy, đương nhiên là phải có bạn, có phường, Bách trở nên dạn dĩ. Trong nhóm của cô có cả trai lẫn gái. Theo lời Bách thì họ thường rủ nhau đi từ tối hôm trước, cắt rừng vượt biên sang Lào rồi ở lại đó có khi 2 ngày mới nhận được hàng sau đó cõng về Điện Biên.
Tình cảm trai gái nảy sinh mà theo Bách thì với người dân tộc Mông quê cô không quan trọng lắm chuyện quan hệ nam nữ. Ai khéo mời, khéo rủ, biết đàn môi, khèn lá là dễ dàng rủ được các cô gái đi với mình mà nhiều khi gốc cây, hang đá hay một gờ đá ven suối… đều có thể là nơi để đôi trai gái tình tự. Bách cũng là người dân tộc Mông, cũng có nhiều đêm thổn thức trước tiếng khèn môi, tiếng rủ rỉ của bạn trai theo ra bìa rừng tâm sự.
“Con gái Mông chúng em thích ai thì đi với người đó, có con thì bắt họ về ở rể rồi mới làm đám cưới. Em đi tù nên chẳng bắt được chồng”, Bách kể.
Hỏi Bách sao không lấy chồng sớm đi, cô ta cười: “Tại em xấu nên mãi chẳng có ai lấy. May mà có đứa con này”. Tôi hỏi Bách sao lúc trước nói có người yêu mà, cô ta lại càng cười.
Bị bắt quả tang đang vận chuyển 1 bánh ma túy, Bách không biết trong người cô ta đang hình hài một đứa trẻ. Mấy tháng sau, thấy Bách có vẻ khác thường, cán bộ trại tạm giam mới nghi ngờ cho đi khám, phát hiện Bách đã có thai 6 tháng. Thời gian đó Bách đang ở giam, chờ xét xử. Cô sinh con khi chưa thành án rồi bế con về trại giam Ninh Khánh cải tạo cho đến bây giờ.
“Hôm cán bộ Hà bảo em lên trạm xá khám bệnh, em ngạc nhiên lắm vì thấy mình chẳng đau ốm gì, đến lúc nghe thông báo có thai, em òa khóc vì bất ngờ”, Bách kể.
Lầu Thị Bách cùng các phạm nhân ở đang lao động ở đội may mặc . 
Nước mắt thương con, thương mình
Về trại giam Ninh Khánh thi hành bản án 20 năm tù, thời gian đầu vì con trai chưa đủ 6 tháng tuổi nên Bách chưa phải đi làm. Đến giờ cậu bé đã chập chững lần cửa tập đi, Bách đã đi lao động và cải tạo ở đội làm hàng mã, cách nhà trẻ vài bước chân. Bách bảo sáng đưa con đi nhà trẻ, chiều lại đón về, chỉ xa con có vài tiếng ban ngày vậy mà cứ rời con ra là nhớ.
“Thằng bé kháu khỉnh, hiền lắm, cứ tha thẩn chơi suốt ngày, đói thì tìm ăn, buồn ngủ thì nằm xuống ngủ. Mà kể cũng lạ, tiêu chuẩn cũng như người lớn nhưng làm gì có đường sữa chăm chút như ở bên ngoài thế mà cháu nào cũng khỏe mạnh, bụ bẫm. Ông trời chắc thương tình nên phù hộ cho chúng ngoan, chẳng đứa nào ốm đau gì, cứ ăn rồi chơi vậy thôi”, Thiếu tá Trần Thị Huyền, trưởng phân trại nữ trại giam Ninh Khánh cho biết.
Thương bọn trẻ như con mình, Huyền bảo quần áo của con không dùng đến hay mặc cộc rồi, chị lại mang vào trong này cho con phạm nhân. Các chị em thấy thế cũng làm theo. Trong mắt mọi người, trẻ con ở đâu cũng là trẻ con và những đứa trẻ thiếu thốn cần phải thương yêu nhiều hơn.
Nói về phạm nhân Bách, chị Huyền bảo đấy là phạm nhân có hoàn cảnh đáng thương. Từ ngày về Ninh Khánh đến nay đã gần 4 năm nhưng Bách không có người thăm nuôi. Để động viên nữ phạm nhân này yên tâm cải tạo, Ban lãnh đạo trại đã cho Bách lao động ở xưởng làm vàng mã cho gần nhà trẻ, tiện cho việc thăm con. Từ khi con trai Bách được gửi về quê, Bách được chuyển sang đội may mặc lao động.
Hỏi Bách đã có kế hoạch gì cho cậu con trai, nước mắt người phụ nữ này bắt đầu chảy dài. Bách bảo từ khi gửi con về quê, cô ta rất nhớ con, nhất là những khi bưng bát cơm lên ăn. Bách bảo quê cô ta còn nghèo lắm, bữa đói bữa no nên càng nghĩ lại càng thương con. Đây là Tết đầu tiên Bách xa con nên cô lại càng nhớ. “Ở trong này Tết đến em còn được trại cho quà. Suất ăn ngày Tết cũng có nhiều thịt cá hơn. Cứ nghĩ đến con em lại thương. Bố mẹ em đều nghèo, Tết đến may ra có con gà làm thịt chứ trong năm thì chẳng có đâu, mong có cơm ăn là tốt rồi”, Bách tâm sự.
Theo lời Bách thì 3 năm sống cùng con dù là ở trại giam song cũng là khoảng thời gian Bách thấy mình hạnh phúc nhất. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của một phụ nữ được làm mẹ mà còn là thời gian để Bách cảm nhận hết tình mẫu tử và không phải lo nghĩ tới cái ăn, cái mặc cho cả bản thân và đứa trẻ. Bách bảo chẳng ai nói đi tù là sướng nhưng so với phụ nữ quê cô, chẳng ai được nghỉ chơi 6 tháng để nuôi con cả nên Bách cứ nghĩ đến điều đó để an ủi bản thân. “Ở đây thì no cái bụng nhưng nhớ nhà, nhớ núi lắm.”, Bách bộc bạch.
Cô ta bảo ban đầu cũng nhờ cán bộ gửi con trai vào trại trẻ mồ côi nhưng không được bởi gia đình tuy ở xa nhưng còn đầy đủ bố mẹ, anh chị em. “Bố mẹ, anh chị em thì còn đầy đủ nhưng tất cả đều nghèo khó. Giá như con em được gửi vào trại trẻ mồ côi thì cháu được chăm sóc, được đi học, ngày nghỉ hay hè đến mẹ con còn gặp nhau. Bây giờ con em về quê rồi, mẹ con lại xa cách, phải nhiều năm nữa mới được gặp, không biết lúc đó nó có nhận em là mẹ nữa không”, Bách rân rấn nước mắt.
Để động viên những phạm nhân có hoàn cảnh như Bách, năm nào trại cũng dành riêng một phần quà Tết để tặng. Thế nên so với các phạm nhân khác, ngoài tiêu chuẩn Tết mà phạm nhân nào cũng có, những phạm nhân hoàn cảnh như Bách lại có thêm một phần quà của trại.
Tuy phần quà ấy chỉ là thùng mì tôm, gói đường hay nhiều hơn là thêm cái bánh chưng, khoanh giò nhưng nó thể hiện sự quan tâm và giúp những người cô đơn trong trại đỡ cảm thấy đơn độc, tủi thân khi mà xung quanh mình, các phạm nhân cùng buồng được gia đình đến thăm nuôi, động viên an ủi.
“Em sẽ cố gắng cải tạo tốt để quí tới được xét giảm án. Em phải cố gắng về sớm với con để chăm sóc nó. Chắc là giờ này con em thiếu thốn lắm. Nó cũng nhớ mẹ nữa nhưng trên nhà không có điện thoại nên dù được tiêu chuẩn gọi điện về nhà mỗi tháng nhưng em cũng chẳng biết làm thế nào để nói chuyện với con được”, Bách tâm sự rồi xin phép vào làm việc.
Nhìn cái dáng đi tất tả của cô, chúng tôi cứ thấy thương cho người phụ nữ này. Chắc hẳn thời gian sống trong trại, Bách thấm thía lắm tội lỗi của mình.
Nguyễn Vũ – Hạ My
Theo

>> xem thêm

Bình luận(0)