Liên quan đến vụ việc nữ sinh xăm hình bị "đuổi học", thầy Phạm Ngọc Đoán, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai (nơi nữ sinh theo học) cho biết, mỗi đầu năm học, nhà trường đều bắt buộc phụ huynh và học sinh phải ký cam kết tuân theo các quy định của trường khi theo học.
Trong đó, có quy định ghi rõ đối với nữ sinh: "Mặc đầm ngang đầu gối, áo không được cắt ngắn, đi giày dép có quai hậu cao không quá 5cm, không sử dụng son phấn, gắn lông mi giả, sơn móng tay móng chân. Không nhuộm tóc màu, không xịt keo, không xăm hình".
Với trường hợp nữ sinh đang theo học lớp 11 tại trường xăm tên lên ngực, vị Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết học sinh này đã theo học tại trường 2 năm, đầu năm học nào cũng cùng phụ huynh ký cam kết chấp hành nội quy của trường. Gần đây, nữ sinh này đăng hình ảnh xăm tên mình trên ngực lên facebook.
Sau đó, nữ sinh tự viết bản tường trình gửi tới Ban Giám hiệu nhà trường với nội dung: “Do em suy nghĩ bồng bột, nghe theo bạn bè rủ rê nên em đã xăm tên của em lên ngực vào năm 2019. Em hối hận về việc này và em mong nhà trường xem xét cho em rút hồ sơ để không làm ảnh hưởng danh tiếng của trường”.
Thầy Đoán cho biết phía phụ huynh học sinh có đề nghị nhà trường cho con em họ tiếp tục theo học đến hết lớp 12. Tuy nhiên, nhà trường không đồng ý.
Lý giải thêm, vị Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến cho rằng nếu cho nữ sinh này học tiếp thì quy định của nhà trường sẽ không duy trì được nữa.
Quy định của trường là để đảm bảo nguyên tắc định hướng giáo dục, hoàn thiện đạo đức lối sống, hoàn thiện nhân cách để học sinh có điều kiện tốt nhất sau khi ra trường.
Hơn nữa, quy định của trường phù hợp với chuẩn mực đạo đức đã được xã hội công nhận, phù hợp quy định của pháp luật, mục tiêu của nhà trường và ngành giáo dục.
|
Trường THPT Nguyễn Khuyến, nơi xảy ra vụ việc. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Vũ Tuấn – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Học sinh đang trong lứa tuổi vị thành niên, cần nhìn nhận và xử lý và thông tin về vấn đề một cách khéo léo để vừa đảm bảo tính giáo dục, nhân văn, vừa không gây ảnh hưởng tới tâm lý vốn rất nhạy cảm và dễ xảy ra hậu quả tiêu cực ở giai đoạn lứa tuổi này.
Chúng ta hiểu rằng, việc sở hữu hình xăm trên cơ thể là không vi phạm pháp luật, cũng không chính thức phá vỡ một “thuần phong mỹ tục nào”, tuy nhiên “nhập gia tuỳ tục”, nhà trường có những nội quy, quy định. Ngoài giáo dục kiến thức còn có thể là mang tính định hướng nhân cách và giáo dục học sinh, hướng tới những mục đích sống tốt đẹp hơn và học sinh cần tuân thủ khi tham gia học tập tại trường, điều đó là cần thiết.
|
Làm trái nội quy nhà trường, nữ sinh nhận "quả đắng". Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, có những thông tin trái chiều liên quan đến vị trí và nội dung hình xăm của nữ sinh này, điều cần lưu ý ở đây, đó là những thông tin nhạy cảm, nếu không phản ánh đúng, hoặc vô tình bị đẩy đi quá xa và gây ra những hậu quả nhất định, sẽ có thể phải chịu những chế tài khắt khe từ các quy định của pháp luật về bảo vệ uy tín, nhân phẩm, hình ảnh cá nhân (Khoản 1 điều 34 BLDS 2015); trường hợp thông tin không chính xác, tin giả mạo, ở mức độ nhẹ sẽ có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 101 nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Nếu có căn cứ cho thấy hành vi thông giả mạo hoặc tung tin giả nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 156 BLHS 2015, hình phạt có thể lên tới 7 năm tù giam, có thể bị áp dụng bổ sung hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm và phải chịu trách nhiệm dân sự (đền bù thiệt hại) đối với những thiệt hại do mình gây ra (nếu có).
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Cho học sinh nghỉ học để phòng dịch