Dư luận đang xôn xao trước thông tin một nữ sinh 19 tuổi bị sát hại trong phòng trọ ở TP HCM. Nghi phạm bị tình nghi gây ra vụ việc cũng là một nam sinh – được cho là bạn trai của nạn nhân sau khi gây án được phát hiện đã chết dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Vụ án đau lòng trên xảy ra sáng 8/7, nạn nhân được phát hiện tử vong với nhiều vết thương trong phòng trọ tại hẻm 325 đường Bạch Đằng (phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM). Cô gái tên là Phạm Trần T.U. (19 tuổi, quê Biên Hoà, Đồng Nai, hiện là sinh viên Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP HCM).
Qua trích xuất camera an ninh, cảnh sát phát hiện từ 8h đến 8h10 cùng ngày, xuất hiện duy nhất một nam thanh niên đi xe máy, đội mũ hồng, mặc áo khoác xám có nhiều biểu hiện khả nghi đi vào phòng trọ của nữ sinh U. Nam thanh niên được xác định tên Tiến và là bạn trai quen biết của nạn nhân. Trong quá trình cơ quan công an đang điều tra vụ án, ngày 9/7, Tiến được phát hiện tử vong dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
|
Vụ việc lần nữa lại là hồi chuông cảnh tỉnh cho nam nữ thanh niên trong quan hệ tình cảm. |
Điều đáng buồn nguyên nhân dẫn đến vụ án đau lòng khi người bị sát hại, kẻ tự tử trên lại xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm. Theo những người quen biết với nạn nhân và nghi phạm cho biết, Tiến và U. quen nhau từ THPT. Sau khi tốt nghiệp, U. học tại trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, còn Tiến theo học tại trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM). Trong thời gian này, Tiến vẫn nuôi dưỡng tình yêu với U. và mong một ngày sẽ được cô đón nhận. Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức của Tiến làm nữ sinh này cảm thấy khó chịu, lâu ngày cảm thấy ghét Tiến. Thậm chí, nhiều lần cãi nhau do phát sinh mâu thuẫn, không thèm nhìn mặt nhau. Khi Tiến chuyển đến ở dưới tầng trệt cùng khu trọ thì vụ án mạng đau lòng đã xảy ra.
Vụ án đau lòng khiến 2 sinh viên tuổi đời còn rất trẻ đã phải thiệt mạng, người bị sát hại, kẻ tự tìm đến cái chết sau khi gây án. Nghi vấn về nguyên nhân dẫn đến vụ án thật khó làm sáng tỏ nhưng để lại nỗi đau với những người thân của cả hai người.
Chỉ vì không được đáp lại tình cảm, cố níu kéo tình yêu, nam sinh đã sát hại bạn gái khiến nữ sinh ngoan hiền, chăm chỉ phải mất mạng đầy oan trái trong khi bản thân nam sinh cũng phải nhận cái kết đắng chát. Mâu thuẫn trong tình cảm có nhiều cách để giải quyết sao lại cứ nhất quyết phải đớn đau làm vậy?
Vụ việc xảy ra tiếp tục là một hồi chuông báo động trong giới trẻ hiện nay về ứng xử trong quan hệ tình cảm nam nữ. Trong thực tế, không chỉ vụ việc trên, thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ trả thù tình bằng những cách dã man, độc ác, thậm chí dẫn đến án mạng chết người. Trước khi xảy ra vụ án trên một thời gian ngắn, ngày 2/7 vừa qua, tại thôn 6, xã Gio Hải (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), người dân cũng bàng hoàng phát hiện nữ sinh 16 tuổi và nam thanh niên 27 tuổi tử vong. Nguyên nhân sau đó được xác định, vì mâu thuẫn tình cảm nam thanh niên đã sát hại nữ sinh sau đó tự sát.
Vì sao xuất phát từ tình cảm, con người lại có thể hành xử tàn ác với nhau như vậy? Tình yêu là gì mà có thể biến những con người hiền lành thành ác thú?
Thực tế, nếu xuất phát từ tình yêu thật sự, dù không được đền đáp, người ta cũng luôn chúc phúc cho nhau, quan tâm giúp đỡ nhau từ xa. Chứ nhẫn tâm sát hại người mình yêu thì đó không phải xuất phát từ tình cảm thực sự mà đó chỉ là biểu hiện của sự hèn kém, tính sở hữu, ích kỷ của cá nhân.
Khi con người không có kỹ năng ứng xử trong tình cảm rất dễ dẫn đến những hành vi không kiểm soát được. Nhưng đó là biểu hiện của tình trạng xuống cấp đạo đức trong xã hội. Khi con người không lấy những giá trị nhân văn làm bản ngã dễ bị tác động nếu mất niềm tin và phương hướng, không kiềm chế được bản thân dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn không chỉ cho người mà họ yêu thương còn cho chính bản thân họ và những người thân thích.
Để hạn chế những vụ án mạng, đặc biệt án mạng liên quan tình cảm nam nữ, các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, mổ xẻ giải thích về tâm sinh lý tội phạm cũng như đưa ra những giải pháp. Trong đó, nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại như việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao, một bộ phân giới trẻ thiếu am hiểu pháp luật, thiếu kiến thức kỹ năng sống. Trong khi đó, chương trình giáo dục trong nhà trường vẫn đặt nặng kiến thức chuyên môn mà chưa trọng tâm đào tạo kỹ năng sống, việc giáo dục đạo đức còn bị xem nhẹ. Nhiều gia đình ít quan tâm giáo dục con cái cách ứng xử. Hơn nữa, xã hội lại đầy rẫy những vụ việc có tác động tiêu cực đến tâm lý con người. Tất cả dẫn đến những hậu quả thương tâm như cái chết đầy oan tình của nữ sinh Đồng Nai như vừa xảy ra.
Một con người sống nhân văn, biết cân bằng tâm lý và tha thứ, biết hài hòa trong sự ứng xử khi xảy ra mâu thuẫn tình cảm, biết bao dung và tương tác, biết sống chân chính và đàng hoàng thì họ sẽ không thể làm được điều ác cho những người mà họ yêu thương. Và muốn con người sống nhân văn như thế, vai trò rất lớn đặt lên vai tam giác “Nhà trường, gia đình và xã hội”.