Chiều 11/10, chị Trần Thị Bích Ngân, giám đốc một công ty kinh doanh mỹ phẩm (gọi tắt là công ty N. - PV) ở phường 6, TP Cà Mau (Cà Mau), cho biết doanh nghiệp đang tổng hợp hồ sơ pháp lý liên quan đến 186 thùng mỹ phẩm để trình lên cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau. Hiện số hàng này bị cảnh sát kinh tế tạm giữ sau vụ công an phá ổ khóa để khám xét kho ở phường 4, TP Cà Mau vào ngày 9/10.
Cảnh sát phá khóa, kiểm tra kho hàng
Theo nữ giám đốc 23 tuổi, công ty N. là "nhà phân phối độc quyền" sản phẩm làm trắng da, mờ sẹo, chống nắng, dưỡng ẩm... mang thương hiệu C.. Trong phiếu công bố sản phẩm được Sở Y tế TP.HCM xác nhận thì mỹ phẩm mang nhãn hàng C. được một công ty dược và mỹ phẩm ở quận 8 (TP.HCM) sản xuất, đóng gói để công ty N. đưa ra thị trường.
"Công ty ở Cà Mau thành lập được một năm. Công ty tôi chỉ là nhà phân phối mỹ phẩm kem C., chứ không phải sản xuất. Hàng hóa mà công an ở Cà Mau đang giữ có đầy đủ giấy tờ công bố sản phẩm và hóa đơn chứng từ của nhà sản xuất khi giao cho tôi", chị Ngân nói.
|
Một trong những vật dụng, hàng hóa bị tạm giữ trong kho chứa mỹ phẩm ở Cà Mau. Ảnh: Nhật Tân. |
Hai ngày trước, khi hàng từ TP.HCM về đến Cà Mau, ông Mã Cáo (70 tuổi, ngụ phường 6, TP Cà Mau) dùng xe máy chở 2 thùng mỹ phẩm giao cho đại lý. Ông Cáo bị lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa và lập biên bản khi không có hóa đơn chứng từ.
Từ lời khai của ông Cáo, nhà chức trách lần ra kho chứa hàng ở phường 4, TP Cà Mau. Lúc này, cảnh sát yêu cầu anh của chị Ngân là ông Trần Thái Nguyên (37 tuổi) mở cửa kho chứa hàng nhưng người này không đồng ý.
Chị Ngân với một số nhân viên sau đó xuất hiện, yêu cầu lực lượng chức năng xuất trình lệnh khám xét. Do không có lệnh khám xét, chị Ngân cùng mọi người liên quan bỏ đi, chỉ có ông Nguyên ở lại.
Đại tá Trương Ngọc Danh, Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, cho biết do người quản lý kho không chịu mở cửa nên ông đã chỉ đạo lực lượng làm nhiệm vụ phá ổ khóa để vào trong kiểm tra. Việc làm này theo đại tá Danh là "kiểm tra hành chính" nên Công an Cà Mau làm đúng quy trình.
Đến 22h cùng ngày, cơ quan chức năng niêm phong tạm giữ 186 thùng hàng gồm nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, tem "chống hàng giả", dụng cụ dùng để sang chiết, pha chế, đóng gói mỹ phẩm và mỹ phẩm đã thành phẩm mang nhãn hiệu C..
Trong những vật dụng bị tạm giữ còn có chiếc nồi chứa mỹ phẩm đang pha chế, 3 can nhựa chứa dung dịch dùng để pha chế mỹ phẩm (trọng lượng 27 kg), 70 bao bì bằng giấy có in tên công ty N. nhưng chưa qua sử dụng.
Theo đại tá Trương Ngọc Danh, việc kiểm tra hành chính kho hàng sau khi cảnh sát phát hiện ông Mã Cáo chở 2 thùng mỹ phẩm đi giao cho đại lý nhưng không có hóa đơn chứng từ. Khi người giữ kho không mở cửa thì cảnh sát phá ổ khóa cho lực lượng chức năng vào kiểm tra là không sai. Các loại mỹ phẩm bị tạm giữ sẽ được đưa đi kiểm nghiệm để làm căn cứ xử lý công ty N.
Một sản phẩm chưa có giấy công bố
Trao đổi với Zing.vn, chị Ngân cho biết ông Mã Cáo là người chạy xe ôm. Hai thùng hàng mà người này chở đi giao không có hóa đơn chứng từ là do đại lý không yêu cầu.
Đối với hàng hóa bị cảnh sát tạm giữ, nữ giám đốc nói đó là 186 thùng mỹ phẩm trị giá gần 800 triệu đồng được đối tác sản xuất, đóng gói chuyển về Cà Mau để công ty N. đưa ra thị trường.
"Những thùng hàng đó gồm 18 sản phẩm. Trong đó có vài thùng chứa 1 loại mỹ phẩm chưa có giấy công bố sản phẩm hàng hóa, còn lại 17 sản phẩm thì đầy đủ giấy tờ. Sản phẩm chưa có giấy là tôi mang về để đại lý dùng thử chứ chưa bán ra thị trường", chị Ngân giải thích.
Trả lời phóng viên Zing.vn về việc trong kho có mỹ phẩm đang pha chế, nữ giám đốc nói: "Hàng nhận về có khi bị vỡ thì tôi cho nhân viên. Gần 20 nhân viên mua kem khác trộn vào cho 'ngợi kem' rồi chia nhau xài chứ đâu phải kem chiết rót. Còn kho là của anh tôi thuê, tôi nhờ gửi xe và khi có hàng nhiều thì để tạm ở đó chứ không phải tôi đứng tên".
Ngoài việc bị công an và quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa, chị Ngân còn bị Chi cục Thuế TP Cà Mau mời làm việc vào sáng 12/10.
Sáu nội dung mà cơ quan thuế yêu cầu đại diện hợp pháp của công ty N. giải trình và bổ sung giấy tờ là: Lý do năm 2017 quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ và tình hình thực tế kinh doanh so với số liệu kê khai; cung cấp hóa đơn đã và đang sử dụng; bảng kê hàng hóa mua vào, bán ra; cung cấp tất cả sổ phụ ngân hàng liên quan đến giao dịch; sổ chi tiết vật tư hàng hóa, bảng kê hàng tồn kho và cung cấp hóa đơn chứng từ và các hợp đồng mua, bán, ký gửi hàng với các đại lý (nếu có).
"Tôi mới kinh doanh nên giấy tờ toàn kế toán làm. Ba tháng công ty báo cáo thuế một lần. Có người nói vụ của tôi có thể chuyển qua hình sự", nữ giám đốc tỏ ra lo lắng.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết lực lượng làm nhiệm vụ muốn kiểm tra kho hàng phải có kế hoạch hoặc lệnh khám xét được cấp trên có thẩm quyền phê duyệt. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra kho chứa mỹ phẩm mà không có đầy đủ giấy tờ thì không phù hợp với quy định pháp luật.
"Anh không thể nói mặc sắc phục công an là được quyền kiểm tra kho hàng của người ta. Không có giấy tờ liên quan đến việc khám xét thì không thể nói là đang thi hành công vụ. Còn kho hàng nếu sau khi khám xét mà có mỹ phẩm kém chất lượng thì công ty N. cũng bị xử lý", luật sư Đức nói.