Nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục, ông Nguyễn Thanh Long khai gì?

Google News

Bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế cho biết, trước phiên phúc thẩm, ông cùng gia đình nộp thêm 1 tỷ khắc phục. Giai đoạn sơ thẩm, ông Long đã nộp khắc phục 2,25 triệu USD.

Chiều 15/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 10 bị cáo khác trong vụ án Việt Á.
Trình bày nội dung kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận hành vi phạm tội và xin giảm nhẹ hình phạt. Ông Long thừa nhận đã nhận 2,25 triệu USD của Việt Á. Số tiền này ông đã nộp khắc phục toàn bộ.
Nop them 1 ty dong khac phuc, ong Nguyen Thanh Long khai gi?
Các bị cáo tại phiên phúc thẩm (Ảnh: CAND) 
HĐXX đề cập bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Long 18 năm tù, đã thấp hơn so với khung tội danh nhận hối lộ và đề nghị bị cáo nêu các tình tiết mới để được toà phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Long khai, trước phiên phúc thẩm diễn ra, ông cùng gia đình nộp thêm 1 tỷ đồng để khắc phục cho bị cáo Phan Quốc Việt.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Long cho biết, ngoài tình tiết thân chủ của mình đã tác động gia đình nộp thêm 1 tỷ đồng, gia đình thân chủ có 3 người thân được tặng thưởng các huân, huy chương cao quý, mong tòa ghi nhận.
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương trình bày đã tác động gia đình khắc phục hết hậu quả của vụ án, tổng 27 tỷ đồng. “Bị cáo mắc nhiều bệnh nền, đái tháo đường, huyết áp, mong tòa xem xét đầy đủ công, tội giảm nhẹ thêm hình phạt cho bị cáo”, ông Tuyến nói.
Tiếp đó, bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) cùng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cho biết, đến thời điểm hiện tại gia đình đã khắc phục toàn bộ hậu quả (27 tỷ đồng) cũng như án phí của vụ án. Bị cáo Tuyến cũng trình bày lý do khác là bản thân mang bệnh nặng nhiều năm nay, mong toà ghi nhận.
Trước đó tại phiên sơ thẩm, bị cáo Tuyến khắc phục hơn 14 tỷ đồng và bị tuyên mức án 13 năm tù về tội Nhận hối lộ. Bản án sơ thẩm xác định, hành vi của ông Tuyến đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản nhà nước số tiền hơn 73 tỷ đồng.
Bị cáo này đã 3 lần nhận của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt tổng số tiền là 27 tỷ đồng. Số tiền trên, bị cáo đưa cho ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư tỉnh Hải Dương 600 triệu đồng và 50.000 USD; Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương 7 tỷ đồng; nhiều cán bộ tại CDC Hải Dương từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Số tiền còn lại khoảng 16 tỷ đồng, bị cáo sử dụng chi tiêu cá nhân,
Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm, bị cáo Tuyến thay đổi lời khai về việc chia số tiền nhận hối lộ. Theo đó, bị cáo xác nhận lời khai về việc từng đưa số tiền 3,3 tỷ đồng cho một người tên T. là không đúng sự thật. Bị cáo xác nhận mình chưa đưa được số tiền 3,3 tỷ đồng nói trên cho người tên T.
Tại phiên phúc thẩm, một số bị cáo khác cũng nộp thêm tiền để phục hậu quả vụ án. Trong đó, ông Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế tự nguyện nộp 500 triệu đồng. Ông Liên cùng nhóm bị cáo cung cấp nhiều tình tiết mới như nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng...
Trước đó, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm, phạt ông Nguyễn Thanh Long 18 năm tù tội Nhận hối lộ; Phan Quốc Việt 29 năm tù 2 tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị cáo: Nguyễn Huỳnh, cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế 9 năm tù; Nguyễn Minh Tuấn, cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế 8 năm tù; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế 7 năm tù; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương 13 năm tù.
Sau đó, bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Y tế cùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Vũ Đình Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á kháng cáo đề nghị xem xét, đánh giá lại đúng bản chất của vụ án và tội danh đối với bị cáo.
Cùng có đơn kháng cáo là bị cáo Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; bị cáo Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế…
Công ty Việt Á cũng kháng cáo đề nghị không tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán kit xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án. Công ty Việt Á đề nghị các tổ chức mua kit xét nghiệm không qua thủ tục đấu thầu phải thanh toán tiền cho Công ty Việt Á theo như hợp đồng đã ký kết. Công ty này cũng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bỏ các biện pháp phong tỏa, hạn chế giao dịch đối với các tài khoản ngân hàng của Công ty Việt Á và các công ty trong hệ thống của công ty không liên quan đến vụ án…
Một số cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét về phần tài sản liên quan đến họ.
Theo bản án sơ thẩm, để được tham gia nghiên cứu đề tài, cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm, hiệp thương giá kit test, bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã đưa hối lộ 106 tỷ đồng cho nhiều người là lãnh đạo, cán bộ của một số bộ ngành. Riêng cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc nhận hơn 2,25 triệu USD từ Phan Quốc Việt (trong đó có 2,2 triệu USD thông qua thư ký Nguyễn Huỳnh). Bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương được Công ty Việt Á “lại quả” 27 tỷ đồng. Tòa cấp sơ thẩm phạt ông Nguyễn Thanh Long 18 năm tù; ông Phạm Duy Tuyến 13 năm tù; ông Nguyễn Nam Liên 7 năm tù.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)