Tại phiên Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) ngày 15/11, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất và cơ bản nhất trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh là nhằm đảm bảo mang lại sự cạnh tranh bình đẳng trong quá trình phát triển kinh tế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương dẫn giải khoản 1 Điều 20 của Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Các doanh nghiệp tập trung kinh tế có thị phần kết hợp từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế”. ĐBQH Cương cho rằng, thực ra có những hành vi tập trung kinh tế không đạt thị phần trên 50% nhưng vẫn có khả năng tạo ra vị trí thống lĩnh thị trường.
|
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Quochoi.vn |
Nêu ví dụ cụ thể nhằm đưa ra những đề xuất để sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện cuộc sống, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói: “Mấy ngày vừa qua truyền hình Việt Nam cũng như báo chí đồng loạt có bài về doanh nghiệp CGV có biểu hiện kinh doanh trái phép và chèn ép doanh nghiệp Việt. Ở đây, tôi chỉ có phân tích ở khía cạnh cạnh tranh không lành mạnh”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết, công nghiệp điện ảnh được cấu thành bởi 3 công đoạn từ sản xuất, phát hành tới rạp chiếu. Những năm gần đây số lượng phim của Việt Nam sản xuất cũng tăng đáng kể, chiếm thị phần khoảng 30%, còn lại đều là phim ngoại. Rạp chiếu phim chính là đầu ra của khâu sản xuất phim.
“Hai doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim và nắm đầu ra của công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay là 2 doanh nghiệp nước ngoài là CGV chiếm 43%, Lotte chiếm 20% thị phần. Đặc biệt, doanh nghiệp CGV nắm tới 80% quyền sở hữu dù Luật Điện ảnh chỉ cho phép doanh nghiệp nước ngoài chỉ nắm giữ không quá 51%”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương nói.
Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, năm 2016 vừa qua 8 doanh nghiệp điện ảnh của Việt Nam gửi thư cầu cứu lên các cơ quan chức năng vì bị CGV chèn ép về tỷ lệ ăn chia quá thấp cho phim Việt. Sự việc đẩy lên đến đỉnh điểm với việc CGV từ chối phát hành một bộ phim Việt vì không chấp nhận tỷ lệ ăn chia như phim ngoại.
“Điều đó đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh là các nhà làm phim Việt Nam không dễ đưa phim mình ra rạp nếu các chủ rạp nước ngoài không theo sự áp đặt và điều kiện chủ rạp nước ngoài đưa ra, điều đó khiến nhiều nhà làm phim và dư luật rất bất bình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu CGV đàm phán với 8 nhà sản xuất phim và phát hành phim ở trong nước để giải quyết mâu thuẫn qua hình thức thương lượng. Tuy nhiên, theo tôi biết CGV đã kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp trong nước cùng thống nhất và ký vào một bản đề xuất về tỷ lệ ăn chia của CGV để CGV xem xét. Nếu làm như vậy thì các doanh nghiệp Việt lại vi phạm Luật Cạnh tranh hiện hành”, ĐBQH Cương cho biết.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương dẫn chứng những quy định bất hợp lý như tại khoản 1 Điều 26 của Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp Việt có thị phần 30% thị trường có liên quan là một quy định bất hợp lý.
“Vì trong trường hợp này thị trường tồn tại một doanh nghiệp khác là CGV chiếm hơn 40% rạp chiếu và khoảng 60% phát hành thì nhóm doanh nghiệp Việt có thị phần 30% không thể coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được. Có nghĩa là các doanh nghiệp Việt có kết hợp cùng với nhau thành 1 bó đũa để đàm phán thay vì đơn lẻ nhưng cấu thành 30% thị phần dù không thống lĩnh thị trường vẫn là sai luật. Do vậy, tiêu chí này phải được sửa đổi ở trong luật là "có thị phần lớn nhất nhưng không thấp hơn 30% thị trường có liên quan" để đảm bảo chặt chẽ và phù hợp với thực tế.
Ngoài ra, theo Luật Cạnh tranh do quy định về thủ tục hưởng miễn trừ chưa rõ ràng nên doanh nghiệp ở nước ngoài nhờ sự vận dụng các quy định của pháp luật cạnh tranh, mặc dù chính họ đang bị tố chèn ép doanh nghiệp Việt vi phạm Luật Cạnh tranh, như vậy quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014 về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã không thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế” – Đại biểu Cương cho biết.
Từ đó, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh bên cạnh các trường hợp miễn trừ theo vụ việc, tôi đề xuất luật cần có những bổ sung miễn trừ theo ngành, điều đó cho phép cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp điều tiết cạnh tranh.
“Các doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài nắm giữ thị phần chi phối có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, đẩy doanh nghiệp điện ảnh nhỏ bé của Việt Nam tới chỗ phá sản. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam để mất hệ thống rạp thì sẽ khó đưa các bộ phim do Việt Nam sản xuất đến với khán giả, có nghĩa là nếu như không có hệ thống rạp của Việt Nam thì ngay phim Việt sẽ không được công chiếu ở Việt Nam”, ông Cương nói.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Ví dụ trên đây cho thấy việc sửa đổi Luật Cạnh tranh phải tạo ra những quy định mới và rõ ràng hữu hiệu để nhà nước có thể có căn cứ điều tra, xử lý những vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, khắc phục tình trạng bỏ lọt hay khó chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Từ đó ngăn ngừa các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm và thúc đẩy cạnh tranh có hiệu quả, thực hiện điều tiết về kinh tế, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường hoặc những tác động bất lợi do quá trình tự do kinh doanh hóa thương mại, kể cả trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật”.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét và xử lý vụ việc của doanh nghiệp CGV mà báo chí đã nêu.