Hiện Thủy đang cải tạo bản án 17 năm tù ở trại giam Tân Lập (Bộ Công an) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Từ cô giáo có tấm bằng cao học
Tâm sự với chúng tôi, Thủy thừa nhận mình trước đó là một giáo viên dạy Sử lạc lối, Thủy đã để lại sau lưng mình một gia đình hạnh phúc với người chồng hiền lành nhân hậu cùng hai đứa con thơ để bước chân vào một nơi mà có lẽ không một ai mong muốn đó là trại giam. “Tôi đã sống những ngày tháng tuyệt vọng và bế tắc”, Thủy viết trong bài cảm nhận về sách khi tham gia cuộc thi do cục quản lý trại giam phát động.
Thủy tâm sự: “Tôi đã từng có ý định tự tử, nhiều đêm không sao chợp mắt được bởi cứ nhắm mắt lại, hình ảnh chồng ngồi ủ rũ, đôi vai trĩu xuống hôm CA đọc lệnh khám nhà rồi dẫn tôi đi, cứ hiện ra trước mắt. Tôi đã từng là niềm tự hào của cả gia đình, vợ chồng đã từng rất hạnh phúc và mãn nguyện với thành quả gặt hái được, vậy mà,…”. Cô bỏ dở câu nói, mắt ngấn nước.
Theo tài liệu điều tra, trước khi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủy đang là Phó hiệu trưởng Trường THCS Tân Minh, huyện Thanh Sơn; còn chồng là GĐ Trung tâm văn hóa thể thao của một huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Là hiệu phó có trình độ cao học, Thủy dễ dàng lấy được lòng tin của nhiều người, nhất là những đồng nghiệp đang dạy hợp đồng có nhu cầu xin vào biên chế, thi công chức. Mặc dù mối quan hệ của mình chỉ ở một mức độ nhất định nhưng khi thấy có nhiều người tới cầu cạnh, nhờ xin chạy biên chế, Thủy đã nhận lời giúp với chi phí khoảng 160 triệu đồng/suất.
Theo thỏa thuận, những người có nhu cầu sẽ nộp cho Thủy một nửa số tiền phải chi, khi nào nhận quyết định sẽ đưa nốt phần tiền còn lại. Tuy nhiên, số tiền nhận của 27 người, Thủy không sử dụng chạy công chức cho họ mà chi dùng vào việc cá nhân hết. Ngoài số tiền hơn 4 tỷ đồng của 27 người nhờ xin việc, chạy công chức, Thủy còn vay 6,25 tỷ đồng của 8 người dân đầu tư vào việc kinh doanh buôn bán. Sự việc chỉ được phát hiện khi Thủy làm ăn thua lỗ, không có khả năng hoàn trả và bị những người cho vay làm đơn tố giác…
Với số tiền hơn chục tỷ đồng chiếm dụng của người dân và những đồng nghiệp nhờ chạy công chức, Thủy bị TAND tỉnh Phú Thọ tuyên phạt 17 năm tù.
Hỏi Thủy làm ăn gì mà cần số tiền lớn như vậy, nữ phạm nhân này khẽ khàng: “Tâm lý của người xin việc là chỉ cần được việc còn mình đưa tiền cho ai, đưa những đâu làm sao mà nói hết cho họ hiểu được. Với lại chuyện này cũng rất tế nhị, đi nhờ vả, xin xỏ đưa người ta cầm đã mừng rồi, làm sao có thể bắt họ ký biên nhận được. Đen thì phải chịu thôi”.
|
Phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy xem lại bài viết của mình trước khi dự thi. |
Ân hận vì làm chồng con khổ
Theo lời Thủy thì trong lúc chuyện xin việc cho mọi người gặp trục trặc, chuyện kinh doanh bất động sản của cô ta cũng luôn gặp xui xẻo. Giá nhà đất liên tục sụt giảm trong khi tiền đầu tư đều do Thủy huy động vốn từ kênh lãi ngoài nên ngày càng thua lỗ. “Tôi cũng đã cố hết sức rồi, đến khi không thể chèo chống nỗi thì đành chấp nhận. Chỉ thương chồng con bên ngoài, vì tôi mà chịu tai tiếng, áp lực”, Thủy tâm sự.
Trước biến cố do vợ đem đến, chồng Thủy đã phải xin từ chức song những điều tiếng, áp lực vẫn chưa chịu buông tha. Thủy bảo thời gian đầu nghe tin chồng từ chức xuống làm nhân viên bình thường, cô đã khóc rất nhiều. Cứ nghĩ tới những ngày vợ chồng khổ sở động viên nhau gắng học cho xong tấm bằng cao học, Thủy lại ứa nước mắt. Bao nhiêu công sức, kỳ vọng của vợ chồng, chỉ vì ham muốn làm giàu của Thủy mà giờ tan vỡ như bong bóng xà phòng. Rồi đến chuyện học hành của hai con cũng vì Thủy mà bị ảnh hưởng.
“Chúng tôi phải bán nhà trả nợ. Anh ấy đưa các con về ở nhờ nhà bố mẹ nhưng cũng chẳng được yên thân. Vài bữa lại có người đến nhà đòi nợ, không lấy được tiền thì chửi bới, lăng mạ, xỉ nhục”, Thủy kể.
Nói về gia đình nhỏ của mình, Thủy bảo hai vợ chồng đã từng có một tình yêu thời sinh viên đẹp đẽ. Cả hai là người cùng xã, cùng học một trường và sau này cùng lên Hà Nội học. Tuy khác trường ĐH nhưng ngày nghỉ họ vẫn tìm đến bên nhau, cùng đi chơi và trò chuyện.
Theo năm tháng, tình yêu của họ cứ lớn dần lên và cả hai đã quyết định cùng về quê lập nghiệp. Thủy đã từng có một khoảng thời gian hạnh phúc với những tháng ngày làm vợ, làm mẹ cho dù nhiều khi phải chia sẻ với chồng từng trăm nghìn đồng vì cả hai cùng đi học cao học. Nhưng rồi ham muốn làm giàu đã khiến Thủy không cam chịu với cuộc sống của một công chức bình thường mà trước đây từng mơ ước.
Thủy bảo khi đó cô đã có suy nghĩ thiển cận rằng phải ăn mặc, đi lại bằng phương tiện gì cho phù hợp với địa vị của mình. Thế nhưng để có tiền mua ô tô thì không có nên Thủy đã tính cách làm giàu bằng mọi cách để rồi nhận về kết quả không như mong đợi.
Rồi như không muốn nói nhiều về gia đình mình, Thủy kể về cuộc sống của mình trong trại giam, về những suy nghĩ, cảm nhận của Thủy về nơi cô sẽ phải gắn bó nhiều năm nữa. “Tôi cải tạo ở đội trực sinh nên công việc khá thoải mái.
Những lúc rảnh rỗi tôi thường lên thư viện đọc sách báo. Trong số những quyển sách mà tôi đã đọc, ấn tượng nhất là cuốn viết về lịch sử trại giam Tân Lập và cuốn sự hồi sinh từ trong tuyệt vọng do chính các phạm nhân viết về cuộc đời mình. Đọc những mảnh đời ấy, tôi thấy có một phần của mình trong đó, từ đó mà khâm phục và thấy như được tiếp thêm nghị lực để sống”, Thủy bộc bạch.
Nữ phạm nhân chia sẻ: “Khi đọc cuốn những người từng một thời lầm lỡ, tôi đã có suy nghĩ rằng tất cả đều giống tôi cùng hối hận, hướng thiện và mong đợi một cuốc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Tôi đã từng nghĩ trại giam là chốn khắc nghiệt, là đáy cuộc sống nhưng phía sau song sắt lạnh lẽo ấy, tôi nhận ra cuộc đời chưa khép lại vì qua những câu chuyện, những tự sự của các phạm nhân trong cuốn sách, tôi tìm thấy sự tri kỷ. Tôi tự hứa với bản thân mình sẽ thật sự cố gắng để sống có ích và cải tạo tích cực”.
Nhìn dáng người cao cao của Thủy khuất dần, chúng tôi thầm tiếc cho một cô giáo có trình độ, chỉ vì một bước tính sai lầm mà cả đời lỡ dở.