Tình trạng lừa đảo qua điện thoại hiện đang diễn ra tuy thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người dân mất cảnh giác sập bẫy mất trắng hàng tỷ đồng. Đa số các vụ lừa đảo, các băng nhóm đều giả danh lực lượng chức năng rồi liên tục khủng bố tinh thần, hăm dọa người dân, sau đó yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạn.
Liên tục những cuộc điện thoại từ các đối tượng lạ mặt gọi đến người dân dụ dỗ, sau đó hăm dọa khủng bố tinh thần, mới đây lúc 9h ngày 10/10, bà Đ.T.A.T, ngụ phường 6, quận 5 nhận được cuộc điện thoại của người tự xưng là nhân viên bưu điện và báo cho bà T. có bưu phẩm từ ngân hàng ngoài Đà Nẵng gửi vào, bên trong có giấy báo nợ ngân hàng.
Sau đó, một người khác tự xưng là Trung úy Lê Thạnh Nam, công tác tại Công an thành phố Đà Nẵng báo cho bà T. biết vừa bắt 1 đối tượng mua bán ma túy và đối tượng này khai nhận có chuyển tiền vào tài khoản của bà T. nên yêu cầu nạn nhân chuyển hết số tiền trong tài khoản cá nhân vào tài khoản ngân hàng SCB số 12659380001 của Khưu Văn Khang để kiểm tra, sau đó trả lại. Tin lời, vào lúc 13h30 cùng ngày, bà T. đến 4 ngân hàng trên địa bàn quận 5 chuyển nhiều đợt với số tiền 550 triệu đồng.
Cách nhà bà T không xa, trước đó ngày 20/9, ông H.C.T, ngụ phường 7, quận 5 cũng bị đối tượng chưa rõ lai lịch tự xưng là trung úy Lâm Thành Trung, công tác tại phòng PC45 Công an Thành phố Hà Nội thông báo ông T. đang nợ tiền ngân hàng và liên quan đến một vụ rửa tiền. Thanh niên này yêu cầu ông T chuyển tiền vào tài khoản 101214849296544 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (chủ tài khoản tên Phạm Văn Nam) để kiểm tra làm rõ. Mặc dù có hơi thắc mắc nhưng băng nhóm lừa đảo liên tục cắt cử nhiều đối tượng điện thoại đánh vào tâm lý, đồng thời đe dọa khủng bố tinh thần...
Ông H.C.T kể lại: "Nó nói qua điện thoại cả tiếng đồng hồ xong kêu mai sẽ gọi lại, sáng mai 7h30 lại gọi tiếp rồi kêu tui vào phòng riêng nói chuyện không cho ai biết. Chúng kêu tui lấy sổ ghi chép rồi yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền và nói tiền này sẽ đóng băng tạm trong 48 giờ. Bọn nó hù dọa dữ lắm. Lúc đó tui đang bệnh nên bị chúng hù tôi mụ mị không biết gì rồi chuyển tiền ở 2 ngân hàng chỗ hơn 2 tỷ, chỗ hơn 1 tỷ đồng".
Trên đây chỉ là một số vụ điển hình, đã có rất nhiều người dân bị các băng nhóm lừa đảo tấn công qua điện thoại với nhiều thủ đoạn khác nhau, như: thông báo nợ cước điện thoại, không trả sẽ bị đi tù; giả danh công an thông báo liên quan đến rửa tiền; điện thoại tung tin người thân (vợ chồng, con cái…) bị nạn, yêu cầu người nhà tới gấp đến điểm xa khu dân cư vắng người để cướp tài sản; Lừa trúng thưởng qua điện thoại; Tặng quà bị hải quan giữ, giả danh cán bộ cơ quan tố tụng, dựng lên kịch bản điều tra đường dây ma túy để lừa đảo... Số nạn nhân mỗi ngày một tăng lên, chỉ bằng thủ đoạn cũ nhưng liên tiếp tung ra nhiều "chiến thuật" mới để đánh vào sự nhẹ dạ cả tin hay lòng tham của người dân để trục lợi. Chuyện bị lừa đảo qua điện thoại đã được thông tin nhiều nhưng có người vẫn bị mắc bẫy đặc biệt là phụ nữ, người lớn tuổi.
Có nạn nhân đã mất trắng số tiền từ 1 đến hơn chục tỷ đồng chỉ sau khi nghe một cú điện thoại. Người dân cần hết sức cẩn trọng và chủ động với các tình huống chia sẻ thông tin với các đối tượng lạ mặt và yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền.
Bà Đinh Phương Chi, một người dân ngụ phường 4, quận 8, người từng bị băng nhóm lừa đảo điện thoại nhiều lần chia sẻ: "Mình cũng cảnh giác, nhưng sở dĩ mình nói chuyện lâu với tụi nó vì mình thắc mắc ai gửi bưu phẩm mà cứ điện thoại hỏi hoài. Lần này mình hỏi thử bưu phẩm đó của ai gửi cho biết tên xem, chính từ đó bọn chúng khai thác ngay. Nhiều khi chúng nói áp đảo mình không thể cưỡng lại được, nhưng tới lúc kêu chuyển tiền là mình biết chúng lừa đảo nên nhanh chóng chấm dứt liền".
Về vấn đề này, Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Kinh tế và Tham nhũng, Công an TPHCM cho biết, qua những vụ án vừa được khám phá nổi lên một số vụ các băng nhóm sử dụng điện thoại qua giao diện internet, giả danh các cơ quan tư pháp để hăm dọa dẫn dụ người dân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Ngay sau đó số tiền này nhanh chóng được chuyển vào tài khoản ở những địa phương giáp biên giới thậm chí chuyển ra nước ngoài để chiếm đoạt... Do người dân thiếu thông tin và không nắm rõ quy định pháp luật nên dễ dàng bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Thượng tá Vũ Như Hà khuyến cáo: "Khi thấy những cuộc gọi bất thường hoặc những đối tượng có những yêu cầu bất thường đánh vào lòng tham, như: trúng thưởng, nhận quà tặng, bưu phẩm, chuyển tiền... cần hết sức cảnh giác. Các cơ quan chức năng tư pháp liên hệ làm việc chỉ liên hệ trực tiếp bằng giấy mời không bao giờ liên hệ trực tiếp qua điện thoại".
Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, ngoài biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã và đang triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật chuyên ngành. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự nâng cao cảnh giác, sự hiểu biết của người dân. Trong thời gian tới người dân và doanh nghiệp cần phải hết sức cẩn trọng khi chia sẻ thông tin, nâng cao cảnh giác đối với các thủ đoạn công nghệ cao để có sự chủ động phòng tránh một cách hiệu quả./.