Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị Cha già của dân tộc đã ra đi mãi mãi vào hồi 9h47 phút sáng 2/9/1969 tại thủ đô Hà Nội. Đến sáng 4/9/1969, hàng triệu người dân trên cả hai miền bàng hoàng khi nhận hung tin này.
Từ cụ già đến các em nhỏ, các đồng bào dân tộc, các tầng lớp nhân dân lao động đều đã òa khóc tiếc thương
Chủ tịch Hồ Chí Minh – một vị lãnh tụ đã trọn đời vì nước vì dân.
Đúng 7h30 phút ngày 6/9, buổi lễ truy điệu bắt đầu, trên các đường phố Hà Nội, mọi hoạt động đều ngừng lại. Hơn một triệu đồng bào Thủ đô tụ tập dưới những loa phóng thanh đều hướng về quảng trường Ba Đình.
|
Những giọt nước mắt tiếc thương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Trong không khí đau thương và xúc động, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH TW Đảng Lao động Việt Nam đọc lời điếu của BCH TW Đảng Lao động Việt Nam ca ngợi công lao vô cùng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc ta và dân tộc ta.
8h5 phút, quân nhạc cử bài Quốc tế ca và bản nhạc Ca ngợi Hồ Chủ tịch. Tiếng nhạc mặc niệm vang lên trang nghiêm. Với 21 loạt pháo vang lên như xé tim gan chào vĩnh biệt vị lãnh tụ vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân tộc.
Đoàn máy bay phản lực từng tốp bốn chiếc bay qua quảng trường, nghiêng cánh vĩnh biệt Hồ Chủ tịch. Các cháu thiếu nhi ôm lấy các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khóc nức nở.
Lễ truy điệu kết thúc, nhưng mọi người vẫn bịn rịn không muốn rời quảng trường, mắt nhìn lên ảnh Bác, nhìn lên chỗ Bác vẫn đứng mọi ngày trong các dịp lễ lớn và bắt nhịp cho đồng bào hát bài “Kết đoàn”.
Sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chỉ Minh đã trở thành một động lực vĩ đại để nhân dân Việt Nam thực hiện những mong muốn của Người lúc sinh thời là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều tối 4/10/2013, cả đất nước Việt Nam lặng người đau đớn khi nhận được tin người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vĩnh viễn ra đi sau một thời gian dài điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở Hà Nội.
Tang lễ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức trọng thể theo nghi thức
Quốc tang từ 12h ngày 11/10 đến 12h ngày 13/10/2013, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. Linh cữu Đại tướng được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Trong nhiều ngày kể từ khi Đại tướng ra đi, người dân đã đổ tới nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, để bày tỏ sự thương tiếc của mình đối với vị Tướng huyền thoại.
|
Dòng người viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội.
|
Lễ viếng chính thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức đồng thời ở Hà Nội, Quảng Bình và TP HCM từ 7h30 ngày 12/10. Tại Hà Nội, hàng vạn người đã tràn về Nhà tang lễ để được gặp Đại tướng lần cuối, tạo thành một biển người tiếc thương kéo dài nhiều cây số trên các tuyền đường.
Lễ truy điệu trọng thể được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia bắt đầu từ 7h ngày 13/10/2013. Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến trên quê hương Quảng Bình.
Trong quá trình đưa linh cữu Đại tướng từ Hà Nội về Quảng Bình, hàng trăm nghìn người dân xếp hàng dọc hai bên đường nơi đoàn xe tang lễ đi qua, tạo thành dòng người kéo dài hàng bất tận...
Có thể nói, sự ra đi của Đại tướng đã khiến cả dân tộc đã xích lại gần nhau, dù phải vượt xa ngàn dặm, dầm mưa dãi nắng, cũng phải tề tựu về nơi Đại tướng đã từng sinh sống và làm việc, chỉ để một lần nghiêng mình trước di ảnh của Người. Khi đã giã từ tất cả chúng ta, vị Đại tướng kính yêu một lần nữa chứng minh sức mạnh lòng dân là sức mạnh không gì có thể địch lại…
Quốc tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh
Sau một thời gian hoạt động đấu tranh, nhà cách mạng Phan Châu Trinh (1872 – 1926) đột ngột qua đời tại Sài Gòn vào ngày 24/3/1926.
Vốn là một sĩ phu cấp tiến, ngay từ rất sớm, Phan Châu Trinh đã chĩa mũi nhọn vào sự bảo thủ của chế độ phong kiến
nhà Nguyễn và chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để duy tân đất nước, tạo tiền đề cho công cuộc khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc.
Cái chết của ông vào giữa lúc cách mạng Việt Nam đang có những chuyển biến lớn lao và khí thế quần chúng đang khao khát đấu tranh đã gây nên niềm xúc động lớn. Tin buồn lan truyền nhanh chóng khắp nơi trong nước. Đồng bào các giới đều bày tỏ lòng tiếc thương một người ái quốc, suốt đời tận tuỵ hiến thân cho nước. Sự ngưỡng mộ đối với tấm lòng yêu nước của Phan Châu Trinh đã dẫn đến một phong trào quần chúng trên toàn quốc tổ chức đám tang ông.
Một uỷ ban làm lễ quốc tang được lập ra, quy tụ những thành phần trí thức, thân hào nhân sĩ lúc bấy giờ, những nhà cách mạng lão thành, những thanh niên, học sinh tham dự.
|
Đám tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh ở Sài Gòn.
|
Ngày 4/4/1926, tại Sài Gòn, đám tang được tổ chức với 14 vạn người tham dự do các nhóm chính trị như Đảng Thanh niên, Đảng Lập hiến chủ trương. Lễ truy điệu Phan Châu Trinh cũng được tổ chức trọng thể tại nhiều địa phương trên toàn quốc.
Tang lễ của nhà cách mạng Phan Châu Trinh chính đã trở thành một cuộc biểu dương sức mạnh, biểu thị lòng ái quốc và là một sự thách thức đối với chính sách khủng bố, đàn áp của thực dân.
Từ trong sự kiện này, tinh thần yêu nước của quần chúng được thức tỉnh, đặc biệt là các tầng lớp thanh niên, trí thức hướng tới những tổ chức cách mạng tiên tiến đang hình thành.
Có thể nói rằng, tang lễ của Phan Châu Trinh là một cuộc tập trung vĩ đại, trầm lặng trên đường phố, phô trương ý chí quật khởi của dân tộc Việt Nam.