Phiên chợ Viềng chỉ tổ chức duy nhất một lần trong năm, kéo dài từ đêm mùng 7 tới sáng sớm ngày 8 Tết. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều thú vị về chợ Viềng mà không phải khách du lịch sành sỏi nào cũng biết và hiểu rõ.
Những chuyện ít người biết về chợ 'bán rủi, mua may' ở Nam ĐịnhĐêm nay chợ Viềng chính thức khai hội. Nhưng ngay từ 13h chiều nay, ngày 3/2/2017, tất cả các tuyến đường đổ về phía chợ Viềng và Phủ Dầy đã chật cứng người.
|
Ảnh: Dân Trí. |
Nguồn gốc của cái tên "chợ Viềng"
Chợ Viềng có lẽ là chợ nổi tiếng nhất nhì ở miền Bắc đất nước nhưng tới tận bây giờ, ý nghĩa, xuất xứ của cái tên này vẫn còn là dấu chấm hỏi với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử. Theo sách của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Đức Thọ, cái tên chợ Viềng vốn là tiếng đọc chệch của chữ “vàng”.
Màu vàng xưa là tượng trưng cho quyền quý, cho cái nhất, chỉ vua chúa mới được dùng. Chợ Viềng là phiên chợ sầm uất nhất vùng nên nó được ví là phiên chợ vàng nhưng vì kiêng màu vàng là màu của quân vương nên đọc chệch ra là Viềng.
Tuy nhiên, cũng có thuyết nói chợ được hình thành từ thời Lý. Khi đó, thiền sư Nguyễn Minh Không còn chưa đi tu, ông làm nghề đánh cá trên sông Hồng và từng lui tới vùng này bán cá và hình thành chợ. Trong bài tùy bút “Lễ hội thờ Mẹ”, nhà văn Băng Sơn lại đặt ra giả thuyết chợ bắt đầu hình thành từ lễ khao mừng quân Tây Sơn chiến thắng giặc Thanh.
Ông viết: “Quân Nguyễn Huệ đi đánh giặc về, được bữa khao quân ngay bên vệ đường, ngay trên bờ cỏ, ngả ngốn với bong bóng trâu đầy rượu và món thịt bò tui chín vàng, đặt ngay trên lá chuối...”.
Chợ Viềng hai chợ, một phiên
Ở Nam Định có tới bốn chợ Viềng. Đầu tiên là chợ Viềng ở xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, chỉ cách thành phố Nam Định vài cây số. Với người dân nơi đây, chỉ cần nói "lên Viềng" hay "đến chợ Viềng" là người ta hiểu điểm cần đến. Tuy nhiên, nơi này giờ chỉ còn tồn tại như một địa danh.
Khi rủ nhau "đi chơi chợ Viềng", người ta thường nghĩ tới việc ghé thăm ba nơi còn lại là chợ Viềng ở chợ Chùa (thị trấn Nam Giang - Nam Trực), chợ Viềng Phủ Dày ở Vụ Bản hoặc chợ Viềng ở Hải Lạng (huyện Nghĩa Hưng). Tuy nhiên, chợ ở Nghĩa Hưng nay có rất ít người biết tới. Thế nên câu "chợ Viềng hai chợ, một phiên" chính là nhắc tới chợ Viềng Chùa (chợ ở Nam Giang và chợ Viềng Phủ (chợ ở Vụ Bản). Hai chợ này được tổ chức cùng thời điểm, trong ngày mùng 7 và 8 tháng Giêng.
Phiên chợ tâm linh
Chỉ họp một phiên duy nhất trong năm, chợ Viềng đón khách thập phương tới du xuân, mua sắm nông cụ, cây giống để xuống đồng hay cây cảnh, đồ cổ về để trưng trong nhà. Ngoài ra, phiên chợ đặc biệt này còn bày bán hàng trăm ngàn mặt hàng từ đồ đồng, đồ đá, đồ sứ, đồ gỗ, đồ cổ thật và đồ giả cổ… đủ chủng loại, chất lượng và giá thành phong phú.
Nhưng khác với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường, chợ Viềng mang đậm ý nghĩa tâm linh. Chợ Viềng Nam Giang là nơi có chùa Đại Bi thờ Thiền Sư Từ Đạo Hạnh. Còn chợ Viềng Kim Thái, Trung Thành là nơi có quần thể di tích Phủ Dày thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Hầu hết những người đến với chợ Viềng cũng đều đinh ninh một ý niệm: mua may, bán rủi để năm mới đầy ắp bình an và may mắn. Thế nên, dù là kẻ mua người bán đều không đặt nặng vấn đề lời lãi. Người bán chẳng nói thách cao, người mua cũng không mặc cả nhiều để tránh xui xẻo hay làm mất đi tính tâm linh của phiên chợ.
Những điều nên và không nên làm khi tới chợ Viềng
Vì đây là phiên chợ bán rủi cầu may nên nếu đã đi chợ Viềng, nhất thiết các bạn nên mua một cái gì đó mang về. Người dân trong vùng thường chọn mua cây giống hoặc một cây cảnh nho nhỏ, vừa tiện mang về mà giá tiền cũng phù hợp.
Khách phương xa tới chơi chợ lại rỉ tai nhau nên mua đồng xu cổ. Thậm chí, một số người tin rằng phải mua đủ bộ 5 đồng xu tượng trưng cho Sinh – Lão – Bệnh – Tử - Sinh thì mới may mắn, thiếu một đồng là không được.
Cũng có một số người lại quan niệm rằng khi đi chợ Viềng khách có thể đi dạo chơi cả buổi chiều mùng 7 nhưng sau lúc 0h ngày mùng 8 thì hãy mua bởi đó mới là thời điểm để bán rủi, mua may.