Kỳ 6: Những cái chết của thầy bùa
Người đầu tiên đón nhận cái chết kỳ lạ và thổi bùng lên ngọn lửa đồn thổi về sự trả giá khi lợi dụng bùa làm điều không tốt là ông Hà Xuân K., ở khu 5 xã Tân Phú.
Hồi còn sống, ông là
thầy bùa nổi tiếng lắm. Người dưới xuôi kéo lên nhà ông nườm nượp, rồi xe đưa xe đón ông về Hà Nội làm bùa. Ông giàu lên nhanh chóng, xây nhà cao cửa rộng.
Nhưng rồi một hôm, khi đang ăn cơm cùng vợ, ông kêu mệt, liền lên giường nằm. Ông nằm một lúc thì ngủ. Vợ bảo: "Sao hôm nay ông ngáy to thế?". Ông K. ngáy nhỏ dần, rồi vợ ông không nghe thấy tiếng ông thở nữa. Vợ lay ông dậy, thì thấy ông đã cứng đờ rồi.
Sau cái chết kỳ lạ của ông K.,
thầy bùa nổi tiếng, thì đến lượt ông thầy bùa Hà Văn T., cũng ở xã Tân Phú. Ông T. là thầy bùa rất cao tay, nhưng rồi ông cũng chết một cách lặng lẽ trên giường. Ông T. không có bệnh tật gì cả, mới ngoài 60 tuổi. Ông ăn tối cùng vợ con xong, lên giường ngủ, rồi đi luôn.
|
Thầy bùa Hoàng Văn Thục |
Cái chết đột tử của hai thầy bùa Hà Xuân K. và Hà Văn T. gây ra nhiều lời đồn đại, song phải đến những cái chết do treo cổ của các thầy bùa ở Tân Phú mới gây nên sự hoang mang tột độ cho những ông thầy chuyên làm bùa hại người ở nơi rừng xanh núi đỏ này.
Thầy bùa thắt cổ tự tử đầu tiên ở Tân Phú là ông Hà Văn Y., ở bản Sặc.
Ông Hà Văn Y. có biệt tài làm bùa yêu và nổi tiếng khắp vùng. Bố ông cũng là
thầy bùa cao tay, nổi tiếng lấy những hai vợ. Trước khi chết, bố ông đã truyền lại đầy đủ các bí quyết làm bùa cho con.
Không biết có phải do ông sử dụng bùa để "thôi miên" đàn bà con gái không, nhưng theo lời kể của nhân dân trong vùng, ông có tới 5 người vợ.
Vợ cả của ông sinh được 4 người con. Vợ hai đẻ được 2 con thì chết đuối mất một. Mặc dù có hai vợ rồi, con đàn cháu đống đầy nhà, song ông lại lấy tiếp một bà nữa tên là C., người Sơn Tây.
Tuy nhiên, ở với bà C. mấy năm trời mà không có con, nên ông lại lấy tiếp bà nữa, cũng ở Sơn Tây, là người có họ hàng xa với bà C. Bà này là vợ liệt sĩ, đã có con riêng. Bà đưa cả con riêng lên sống với thầy bùa Hà Văn Y.
Nghe nói, hai bà này đều là cán bộ, có lương, nhưng khi lấy ông Y. thì bị ông giữ tịt sổ lương rồi lĩnh tiền tiêu pha cho cả nhà.
Tưởng vậy đã đủ, nhưng về già, ông lại "nổi hứng" lấy thêm vợ nữa, quê ở bản Giặt, xã Thạch Kiệt, chỉ bằng tuổi con gái của mình. Ông có với bà thứ 5 này hai đứa con trai nữa.
|
Củ ngải để làm bùa yêu |
Nhiều người gặp thầy bùa Hà Văn Y. hỏi chuyện: "Ông dùng bùa nên lấy được nhiều vợ phải không?". Ông bảo: "Tao đâu có dùng bùa lấy vợ đâu. Tính tao hay thương người, nên thấy các bà ấy cô đơn thì đưa về ở cùng vậy thôi. Nhưng cũng công nhận là tao đĩ tính. Trông thấy các bà tao cứ thích mới chết chứ".
Theo lời đồn thổi của người dân, ông này còn lấy một số bà nữa, nhưng mỗi bà chỉ ở được với ông vài năm. Họ đồn rằng, ông Y. làm bùa để cuốn hút họ, rồi bòn rút tài sản. Khi nào họ khánh kiệt thì ông lại giải bùa để họ tự bỏ ông mà đi.
Vài ngày sau khi bà C. và người em họ xa bỏ ông Y. đi, người ta tìm thấy xác thầy bùa Hà Văn Y. treo lủng lẳng trên cây mít sau nhà. Nghe mọi người kể, khi hai bà vợ bỏ đi, ông cứ thơ thẩn mấy ngày, như người mất hồn, rồi ông quấn dây thừng lên cành mít tự treo cổ.
Gần đây nhất là vụ treo cổ của thầy bùa Hoàng Bá T., ở bản Cá. Theo người dân kể lại, ông T. là thầy bùa tốt, là Đảng viên đàng hoàng, chuyên làm bùa chữa bệnh cho nhân dân.
|
Các thầy bùa trồng ngải quanh nhà. |
Tuy nhiên, ông T. cũng có tới hai bà vợ cùng lúc. Và rồi, ông cũng chết một cách bi thảm, không rõ ràng. Ông buộc dây lên xà nhà rồi treo cổ chết, không để lại lời trăng trối nào.
Theo thống kê của người dân ở Tân Phú, cứ đều đặn, một hai năm lại có một thầy bùa không đột tử chết thì cũng treo cổ chết. Vậy nên, lớp trẻ ở đây không còn tha thiết với nghề làm bùa chú kiếm ăn nữa.
Bên bếp lửa những đêm từ mùng 3 đến mùng 8 Tết, những đêm mà thầy bùa truyền nghề (không hiểu vì lý do gì nhưng các thầy bùa chỉ truyền nghề vào các tối từ mùng 3 đến mùng 8 Tết), mỗi năm lại vắng bóng đám thanh niên. Lớp trẻ không còn mặn mà với nét văn hóa tâm linh tổ tiên truyền lại nữa.
Còn tiếp…