Bao năm sống giữa Thủ đô hoa lệ, sầm uất, nhưng GS Hoàng Chương vẫn đau đáu về mảnh đất quê hương “đất võ trời văn” Bình Định. Đã nhiều cái Tết xa nhà, mỗi năm ông lại mang một tâm trạng khác nhau. Tết là ngày của đoàn tụ, ai cũng mong ngóng là dễ hiểu, nhưng ở góc độ nào đó thì ông bảo, “tôi cũng sợ Tết lắm!”.
Tết hội tụ
Ông có thích Tết không?
Ai mà không thích Tết chứ? Tết đối với người Việt Nam linh thiêng lắm, khác biệt lắm so với các nước phương Tây. Tôi đã từng có những năm tháng học xa quê hương, cứ mỗi dịp Tết đến lại nhớ nhà lắm, nỗi nhớ ấy nó đau đáu, giằng xé, ăn tận vào sâu thẳm con người mình. Người ta có thể tha phương làm ăn thì Tết bao giờ cũng phải trở về. Tết đồng nghĩa với đoàn tụ. Những ngày hội văn hóa trong dịp Tết luôn từng bừng nhất. Gia đình và xã hội kết nối với nhau, xa mấy cũng phải về nhà vào dịp Tết.
|
GS Hoàng Chương (Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam). |
Điều khác biệt của Tết Việt với Tết ở nước khác như thế nào ạ?
Trong tâm thức con người Việt Nam, Tết mang nhiều ý nghĩa hơn của một kỳ nghỉ. Người ta thăm hỏi, gặp gỡ, chúc nhau những điều tốt đẹp. Truyền thống đó ở nhiều nước không có.
Theo ông thì ý nghĩa đó có giá trị với người trẻ không, hay chỉ những người hay hoài cổ như ông mới thấy thế?
Giới trẻ hiện nay bị văn hóa ngoại lai xâm nhập, mạnh đến mức mà nó đang đẩy văn hóa dân tộc ta vào ngõ cụt. Tức là sự hội nhập đang đem lại thời cơ nhưng cũng đem lại mặt trái là văn hóa bị loãng, bị mai một dần đi. Nếu không giữ lại những sinh hoạt văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa ngày Tết thì chúng ta sẽ mất hết. Mà mất văn hóa cũng có nghĩa là mất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói rằng, trong chiến tranh, đế quốc Mỹ thua Việt Nam vì không hiểu sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Chỉ dùng sức mạnh quân sự để đàn áp thì không thắng được. Khi toàn dân đoàn kết yêu nước vùng lên thì sức mạnh đó không vũ khí nào có thể vượt qua.
Và Tết là kết tinh của văn hóa?
Đúng thế, Tết dù thế nào vẫn luôn có sức lôi cuốn kỳ lạ với con người. Nó mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa sâu sắc. Con người thế giới bên kia vẫn có sự kết nối với người hiện tại qua việc thờ cúng tổ tiên. Văn hóa thờ cúng tổ tiên có mặt trong mọi gia đình người Việt. Chỉ có ngày Tết mới thể hiện được điều đó rõ nhất.
Như ông cũng vừa nói, hoạt động văn hóa ngày Tết luôn từng bừng?
Bây giờ văn hóa ngày Tết đã có những mai một đi rồi, nhưng nhu cầu văn hóa của người dân vào ngày Tết rất lớn. Nam Bộ, lễ hội Bài Chòi thu hút người dân khủng khiếp, kéo dài suốt ngày đêm. Hay là hát bội (hát tuồng), thì Tết là ngày hội của hát bội. Nghệ sĩ, nghệ nhân không bao giờ được nghỉ Tết. Các chiếu chèo ở các sân đình ngoài Bắc luôn tưng bừng. Các bộ môn nghệ thuật đều bung ra vào Tết. Với người nghệ sĩ thì có lẽ Tết cũng là dịp họ vui nhất, sôi nổi nhất.
Quan hệ càng rộng càng mệt
Ông sinh ra ở Nam Bộ, ông có so sánh gì Tết Nam và Tết Bắc?
Đó là hai phong tục khác nhau. Miền Nam người ta ăn Tết kéo dài hơn, sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, sự thăm hỏi nhau cũng kéo dài hơn. Miền Nam có sự khác biệt trong chào hỏi, chúc tụng. Người miền Bắc đậm đà hơn, giữ được truyền thống xa xưa hơn. Người ta có thể đi chúc Tết cả mấy ngày trời, thay phiên nhau đi chúc Tết. Nhưng người miền Bắc thì lo làm ăn hơn chơi, có khi mùng 3 Tết họ đã xuống đồng cấy lúa rồi.
Người ta quan niệm năm mới thì phải chúc nhau những điều tốt đẹp?
Đúng là thế, nhưng tôi thấy bây giờ nhiều khi người ta cứ kéo dài quá, câu nệ quá việc chúc tụng thành ra đôi lúc cảm thấy mệt mỏi. Mỗi năm có 3 ngày Tết, nhưng nhiều khi ta cứ kéo dài ra cả chục ngày gây ra lãng phí. Có những người phải đi chúc Tết từ cao xuống thấp, thiếu ai là bị trách móc. Rồi gia đình phải đón tiếp khách đến chúc mừng, mà không đi chúc Tết nhà khác thì sẽ bị trách nên rất mệt mỏi. Bản thân tôi cũng thấy rất phiền phức với điều này.
Tết xưa có kéo dài như vậy không?
Dù nói rằng “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nhưng người nông dân ngay sau Tết đã phải ra đồng làm việc rồi chứ không phải là ăn chơi cả tháng. Tôi đã chứng kiến người ta đi cấy vào ngày Tết, mà đó là những ngày lạnh lẽo nhất. Thế mà giờ thì người ta kéo dài ra quá. Tôi nghĩ là không nên lạm dụng để kéo dài Tết.
Ông có thấy mệt mỏi vì việc kéo dài đó?
Tôi cũng thấy mệt mỏi lắm vì tôi cũng sợ Tết lắm. Sợ nhất là Tết! Tết thì phải lo vật chất để làm sao có cái Tết đủ đầy. Lo lắng cả về tinh thần sao cho việc giao tiếp, đối xử, trả ân trả nghĩa với người khác như thế nào. “Chạy sô” để chúc Tết, không đi không được thành ra mệt mỏi.
Ông có hay bị trách móc không?
Chắc chắn là có chứ, không thể nào một người có thể đáp ứng được hết mong muốn của những người khác. Quan hệ càng rộng thì càng mệt. Không đáp lễ không được. Thế nên, giữ truyền thống văn hóa ngày Tết là cần thiết, nhưng cũng đừng biến tướng, đừng làm nó trở nên mỏi mệt. Đừng phình Tết ra và hiện đại hóa nó làm mất đi bản sắc văn hóa Tết ta.
Ước mọi phụ nữ mặc áo dài ngày Tết
Ông có mong ước gì ở góc nhìn của một nhà văn hóa về ngày Tết?
Ngày Tết mà uống rượu Tây, ăn đồ Tây thì làm cho bản sắc Tết bị phai nhạt dần đi. Tôi nghĩ là phải cảnh báo những người muốn đưa văn hóa phương Tây vào để ăn Tết. Ngày Tết phải để tâm đến việc ăn uống, đi lại, giao tiếp làm sao để giữ được bản sắc văn hóa. Tôi mong ước ngày Tết ra đường nhìn thấy những tà áo dài bay. Nhìn là thấy ngay Việt Nam chứ không phải phương Tây. Ngày mùng 1 Tết, tôi có sở thích ngồi ngắm phố phường. Tôi cực kỳ thích thú nhìn thấy tà áo dài bay trong gió xuân vào ngày Tết. Tôi mong ước tất cả những người phụ nữ Việt Nam sẽ mặc áo dài vào ngày Tết. Đó là hình ảnh đẹp vô cùng.
Tôi cũng rất đồng cảm với ông ở quan điểm này!
Ngày bình thường thì không nói, nhưng ngày lễ Tết của dân tộc thì nên có một điều gì đó đặc biệt, mà cách dễ nhất là một tà áo dài. Người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất trong tà áo dài. Tôi là người kiên trì đeo đuổi bảo vệ tà áo dài Việt Nam từ lâu. Có thời kỳ người ta muốn bỏ tà áo dài Việt Nam trên máy bay, thay bằng trang phục hiện đại khác.
Theo ông thì điều gì cần phải bảo tồn và phát huy trong ngày Tết?
Một trong những văn hóa cần phải bảo tồn và phát huy là văn hóa trong ngày Tết. Càng những người phải xa xứ thì càng hiểu rõ giá trị của ngày Tết. Đó là sự mong ước, nhớ nhung vô cùng. Nhớ nhà đến phát khóc. Không thể để văn hóa Tết bị mai một đi được. Cả đời tôi làm văn hóa dân tộc, tôi mong sao văn hóa Tết phải được bảo tồn và phát huy đầy đủ.
Chúc ông một mùa xuân tràn ngập sức khoẻ và hạnh phúc!
GS Hoàng Chương hiện là Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Tạp chí Văn hiến Việt Nam. Với vai trò là người “thuyền trưởng”, ông đã tập hợp được hàng chục giáo sư, viện sĩ, tiến sĩ, kể cả những giáo sư nổi tiếng ở nước ngoài tham gia hoạt động nghiên cứu, tìm tòi, lưu giữ cũng như phát huy những nét đặc sắc của sân khấu truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải Lương, Bài Chòi, Múa Rối nước, dân ca Bắc Trung Nam...