Những bóng hồng giúp ông trùm đường dây đánh bạc nghìn tỷ

Google News

Các nữ bị can từng giữ vị trí giám đốc doanh nghiệp hoặc là người thân của trùm cờ bạc. Họ vướng lao lý sau khi đường dây đánh bạc bị bóc gỡ.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, 92 bị can bị truy tố với 6 tội danh trong vụ án đánh bạc quy mô hàng nghìn tỷ đồng, được công an tỉnh này triệt phá giữa năm 2017.
Trong đó, 16 nữ bị can bị cơ quan công tố truy tố các tội danh như Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn,…
Nữ Tổng giám đốc vướng lao lý vì cấp trên
 
Lưu Thị Hồng (42 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong 16 nữ bị can sẽ phải hầu tòa trong vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Hồng từng là cổ đông góp vốn 1,52% vào Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) do Nguyễn Văn Dương sáng lập.
CNC cũng là đơn vị được ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát) thống nhất với Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50, Bộ Công an) cho làm doanh nghiệp bình phong của C50.
Tài liệu truy tố xác định, sau khi Dương và Phan Sào Nam (Chủ tịch Công ty VTC Online) thống nhất hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc trực tuyến, Dương đã chỉ đạo Lưu Thị Hồng ký hợp đồng với Công ty VTC Online về việc cung cấp dịch vụ cho hệ thống Rikvip.
Theo thỏa thuận trong hợp đồng được nữ Tổng giám đốc ký với đối tác, CNC hưởng lợi từ 30-40% tùy mức doanh thu nhiều hay ít.
Quá trình vận hành game bài Rikvip (giai đoạn 2 là Tip.club), Lưu Thị Hồng còn thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch CNC, ký nhiều hợp đồng cung cấp các dịch vụ liên quan đến Rikvip/ Tip.club với nhà mạng nhằm thu hút người chơi để thu lời bất chính.
Theo cáo buộc, trong thời gian CNC được ông Vĩnh và ông Hoá tạo điều kiện để đánh bạc trên mạng, nữ Tổng giám đốc sinh năm 1976 còn nhận chỉ đạo của Nguyễn Văn Dương, đưa 600 triệu đồng tiền Tết cho C50. Số tiền này được ông Võ Tuấn Dũng (lúc đó là Trưởng phòng 1 của Cục C50) nhận 2 lần vào các năm 2015 và 2016.
Quá trình điều tra, Hồng đã chủ động khai báo về nội dung này. Từ đó, cơ quan điều tra đã chứng minh việc Lưu Thị Hồng đưa 600 triệu đồng cho C50 là có thực.
VKSND quy buộc Lưu Thị Hồng phạm tội Tổ chức đánh bạc với vai trò đồng phạm giúp sức. Nữ bị can đã thành khẩn khai báo, có nhân thân tốt nên được xem xét tình tiết giảm nhẹ.
Khi bóng hồng cho trùm cờ bạc 'mượn' công ty
Đỗ Bích Thủy (46 tuổi, trú quận Tân Bình, TP.HCM) là Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt. Thủy là con chị gái ruột mẹ Phan Sào Nam (một trong 2 "ông trùm" đường dây đánh bạc nghìn tỷ).
Theo cáo trạng, năm 2015, Phan Sào Nam đến gặp chị họ, trao đổi cho Nam mượn pháp nhân Công ty Nam Việt để xây dựng phần mềm trò chơi trực tuyến. Thủy đã đồng ý với đề nghị đó.
Giữa 2015, Nam ký hợp đồng với Đỗ Bích Thủy về việc phát triển và khai thác kinh doanh phần mềm thương mại Rikvip. Trong đó, phí bản quyền phần mềm theo thảo thuận là 600 triệu đồng. Công ty Nam Việt được hưởng 30% doanh thu.
Sau khi ký hợp đồng, Thủy phân công Hoàng Thành Trung (Phó giám đốc Công ty Nam Việt) phụ trách Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Từ đó, Thủy và Trung tiếp nhận 36 nhân viên từ công ty của Phan Sào Nam vào làm việc và tuyển dụng thêm hàng chục người khác để vận hành game bài Rikvip.
Trong vụ án, VKSND tỉnh Phú Thọ cáo buộc sau khi đồng ý cho Phan Sào Nam mượn pháp nhân Công ty Nam Việt, Đỗ Bích Thủy đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng phần mềm, vận hành hệ thống Rikvip để tổ chức đánh bạc trên mạng.
Thủy bị cáo buộc hành vi Tổ chức đánh bạc khi giúp ông trùm đường dây đánh bạc quản lý một phần doanh thu từ hành vi trái phép này.
Quá trình thực hiện, Nam bảo Thủy rút 50 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Nam Việt để gửi tiết kiệm, người hưởng thụ khoản tiền bất chính này là Thủy.
Nữ doanh nhân nâng khống hóa đơn 1.200 tỷ
 
Trong số những nữ doanh nhân vướng lao lý vì đường dây của 2 trùm cờ bạc nghìn tỷ, Châu Nguyên Anh nguyên là Giám đốc điều hành Công ty CP thanh toán điện tử VNPT EPAY.
Cơ quan công tố cáo buộc, cuối 2015, Nguyễn Văn Dương chỉ đạo cấp dưới kết nối thêm với các công ty thanh toán trực tuyến để người chơi có thêm lựa chọn khi mua thẻ cào viễn thông phục vụ game bài Rikvip.
Theo thỏa thuận, các công ty thanh toán giao dịch tiền với Công ty CNC nhưng không xuất hóa đơn. Hàng loạt doanh nghiệp đã từ chối, chỉ có VNPT EPAY và một số công ty khác đồng ý sẽ thanh toán một phần sản lượng bằng tiền mặt cho Công ty CNC nhưng không xuất hóa đơn.
Để hợp thức khoản tiền không có hóa đơn này, nữ giám đốc điều hành 39 tuổi cùng đồng phạm đã thỏa thuận để nâng khống doanh số hóa đơn lên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, doanh số nâng khống xác định là 650 tỷ.
VKS xác định Châu Nguyên Anh là Giám đốc điều hành VNPT EPAY. Tuy nhiên, nữ bị can không trực tiếp bàn bạc hay thống nhất thỏa thuận với các đối tác trong việc tổ chức đánh bạc. Trong vụ án, Nguyên Anh không được hưởng lợi.
Do hết thời hạn điều tra, Cơ quan chức năng đã đình chỉ điều tra đối với Châu Nguyên Anh về hành vi Tổ chức đánh bạc.
Tại cơ quan điều tra, nữ giám đốc sinh năm 1979 đã thừa nhận hành vi Mua bán trái phép hóa đơn. VNPT EPAY đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 53 tỷ đồng.
Hai phụ nữ giúp ông trùm cờ bạc rửa tiền
Trong 16 nữ bị can, Đoàn Thị Thu Hà (38 tuổi, ở quận Long Biên) và Phan Thu Hương (57 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng bị truy tố tội Rửa tiền.
Theo cáo trạng, Hà là kế toán Công ty CP đầu tư UDIC do Nguyễn Văn Dương làm Chủ tịch HĐQT. Cuối 2015, Dương điều động người phụ nữ sang làm kế toán Công ty CNC.
Nữ nhân viên này được phân công tiếp nhận tiền doanh thu tổ chức đánh bạc, quản lý và thanh toán các chi phí liên quan đến các hạng mục trong hệ thống Rikvip do Công ty CNC và đối tác Công ty Giải pháp Việt thỏa thuận như: thuê tên miền, đầu số chăm sóc khách hàng, dịch vụ tin nhắn… Sau đó, Hà chuyển số tiền bất chính cho Dương.
VKSND còn cáo buộc Đoàn Thị Thu Hà giúp Nguyễn Văn Dương nâng khống vốn điều lệ góp vào UDIC lên. Từ đó, Dương được làm Chủ tịch HĐQT công ty này.
Sau khi nâng khống tiền, Hà giúp Dương lấy tiền thu lời bất chính từ tổ chức đánh bạc rồi hoàn trả vào Công ty UDIC. Từ đây, Nguyễn Văn Dương rửa tiền bằng việc góp 329 tỷ đồng vào dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Đối với Phan Thu Hương là dì ruột của Phan Sào Nam (39 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP VTC Online), VKS xác định sau khi ông trùm 39 tuổi thu lời tiền tỷ bất chính từ tổ chức đánh bạc trên mạng, Nam đã nhờ bà Hương cất giữ giúp 236 tỷ đồng.
Sau đó, Phan Thu Hương lấy khoản tiền này và tiền của mình để mua mảnh đất rộng hơn 950 m2 tại quận 7, TP.HCM.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã kê biên thửa đất này. Nữ bị can 57 tuổi đã nộp lại 12 tỷ đồng.
Ban đầu, bà Hương không thành khẩn nhận tội. Tuy nhiên sau này, Hương nhận thức được hành vi phạm tội và đã ủy quyền cho con trai bán nhà để lấy tiền khắc phục hậu quả.
Theo Hoàng Lam/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)