22h đêm, tiếng pô từ những xe máy lúc đanh như sấm, lúc lại như tiếng đại bác bắn vào không gian yên tĩnh ở đường Võ Chí Công (Tây Hồ, Hà Nội).
Không chỉ nẹt pô gây náo loạn đường phố, nhiều thanh niên còn điều khiển xe chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng trở thành nỗi khiếp sợ của người dân sinh sống 2 bên đường.
|
Đỗ Hồng Ph bị lực lượng Cảnh sát 141 công khai và hóa trang phối hợp bắt giữ |
|
Nhóm TiKToker có hơn chục xe độ pô |
Đỗ Hồng Ph (Hoài Đức, Hà Nội) trong bộ quần áo khủng long xanh, khi thấy lực lượng Cảnh sát 141 hóa trang vây bắt đã dẫn đầu nhóm TikToker phóng xe bỏ chạy.
Ph cho biết, nhóm của mình thường xuyên tụ tập vào thứ 7 và Chủ nhật để quay TikTok. Các thành viên trong nhóm đều đi xe đã độ pô.
“Em thay pô này vì học theo xu hướng của giới trẻ. Mọi người quay clip, chụp ảnh dạy nhau cách thay pô. Các loại pô chế, độ này được mua ở trên mạng, giá vài trăm nghìn đến cả chục triệu”, Ph nói.
Cùng nhóm với Ph, Hồ Bảo N (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận chỉ mới thay chiếc pô độ được vài tuần nay. Số tiền N chi ra để thay pô khoảng hơn 1 triệu đồng, tại xưởng độ, chế xe khá nổi tiếng ở đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân).
Trong tối 2/4 đến rạng sáng 3/4, các Tổ công tác 141 triển khai cắm chốt công khai và hóa trang tuần tra trên địa bàn quận Tây Hồ đã bắt giữ 19 phương tiện, đối tượng có hành vi độ pô gây náo loạn đường phố. 17 đối tượng được bàn giao về Công an phường Xuân La, 2 đối tượng được bàn giao về Công an phường Nhật Tân.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện các phương tiện này đều sử dụng các loại pô được tháo bộ phận giảm thanh cho tiếng nổ to hơn. Thậm chí một số xe còn không sử dụng pô để tạo ra âm thanh “đinh tai, nhức óc”.
|
Chiếc xe này thậm chí chỉ có cổ pô chứ không có pô xe |
Số tiền được chi ra để thay các loại pô độ này từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng, cho thấy độ đầu tư của các thanh niên có đam mê “phá làng phá xóm”.
Lực lượng chức năng đang tiến hành phân loại để làm rõ hành vi vi phạm của các đối tượng này.
Độ pô, nẹt pô sẽ bị xử lý thế nào?
Việc độ pô xe sẽ phát ra âm thanh khi chạy lớn hơn yêu cầu kỹ thuật ban đầu. Hành vi này là tự ý thay đổi bộ phận kết cấu của xe.
Căn cứ điểm c, khoản 5, điều 30 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định mức xử phạt hành chính cho lỗi vi phạm của độ pô xe máy như sau:
Phạt tiền từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.
Ngoài ra, nếu điều khiển mô tô độ pô vào buổi tối và gây mất trật tự còn có thể bị xử lý dựa theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Tại điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định xử phạt hành chính cho hành vi gây tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến người xung quanh. Các mức xử phạt như sau:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 nghìn đồng đối với cá nhân có hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Bên cạnh đó, nếu vi phạm quy định về chuẩn tiếng ồn thì người vi phạm cũng có thể bị xử phạt theo nghị định 155/2016/NĐ-CP. Mức phạt cho hành vi này tùy thuộc theo mức độ tiếng ồn vượt quá quy định. Mức phạt cao nhất lên đến 160 triệu đồng.