Nhìn lại vụ “Út trọc”: Đinh Ngọc Hệ từ Phó phòng thành Phó TGĐ thế nào?

Google News

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa xét xử bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) và các đồng phạm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau.
 

Mập mờ tên công ty gây hiểu nhầm trong dư luận
Đinh Ngọc Hệ biết Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) có chủ trương mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh, khoảng tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ lúc đó là Phó trưởng Phòng Kinh doanh, Tổng công ty Thái Sơn, đã trao đổi với ông Cung Đình Minh, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư để đề nghị Ban TGĐ cho thành lập pháp nhân mới. Pháp nhân mới là doanh nghiệp cổ phần do Tổng công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình công ty mẹ - con.
Ngày 12/7/2009, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho pháp nhân mới là Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn. Công ty có vốn điều lệ 20 tỉ đồng, trong đó Tổng công ty Thái Sơn góp 51% cổ phần, tương đương 10,2 tỉ đồng nhưng cho các cổ đông nợ, khi công ty cổ phần kinh doanh có lãi thì dùng lợi nhuận được chia để góp vốn. 2 cổ đông khác là cháu ruột của Đinh Ngọc Hệ là là Vũ Thị Hoa và Vũ Thị Hoan góp 49% cổ phần, tương đương 9,8 tỉ đồng.
Nhin lai vu “Ut troc”: Dinh Ngoc He tu Pho phong thanh Pho TGD the nao?
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vừa kết thúc chiều 31/7/2018. 
Ngày 5/8/2009, Đại tá Phùng Danh Thắm (Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn) ký quyết định về việc đầu tư góp vốn, ủy quyền cho Cung Đình Minh là người đại diện phần vốn của cổ đông quản lý 30%, Đinh Ngọc Hệ là người đại diện phần vốn của cổ đông quản lý 21% vốn điều lệ.
Tháng 9/2011, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (cố tình sử dụng chữ “Bộ Q.P” gây hiểu nhầm là “Bộ Quốc phòng”) do Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch HĐQT; từ tháng 3/2013 đến khi bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là người đại diện theo pháp luật, TGĐ công ty.
Tháng 11/2012, Tổng công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần, nhưng đến tháng 8/2013 mới ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần với giá 0 đồng cho bà Lê Thị Thảo (trú tại TP.HCM, là người quen của Đinh Ngọc Hệ). Tháng 10/2017, Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại cho ông Trần Hoài Nam (trú tại TP.HCM), thu được số tiền 1,2 tỉ đồng.
Mặc dù với danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P là của tư nhân, mọi hoạt động đều theo sự quản lý, điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ. Khi Tổng công ty Thái Sơn đã rút 31% vốn (chỉ còn là công ty liên kết) nhưng phía công ty con vẫn lấy danh nghĩa là doanh nghiệp Quân đội để hoạt động kinh doanh.
Tổng công ty Thái Sơn không góp vốn, không được chia lợi nhuận, vì vậy việc chuyển nhượng vốn cho bà Thảo, ông Nam là không có thật mà chỉ là thủ tục để phía Tổng công ty Thái Sơn rút vốn ảo ra khỏi Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P để tránh hậu quả rủi ro về pháp lý.
Bà Thảo cũng chỉ đứng tên trên danh nghĩa 31% cổ phần giúp Đinh Ngọc Hệ, không góp vốn, không trả bất kỳ khoản tiền nào cho Tổng Công ty Thái Sơn, không có vai trò gì trong Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.
Ông Trần Hoài Nam khi nhận chuyển nhượng 20% cổ phần chỉ trả cho Tổng Công ty Thái Sơn 1,2 tỷ đồng, hiện chưa nộp bất kỳ khoản tiền nào vào Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.
Nhin lai vu “Ut troc”: Dinh Ngoc He tu Pho phong thanh Pho TGD the nao?-Hinh-2
Bị cáo "Út trọc" Đinh Ngọc Hệ (áo trắng cộc tay), phía sau là hai bị cáo Trần Văn Lâm (áo trắng đứng bên phải) và Trần Xuân Sơn (áo trắng đứng bên trái). Ảnh: TTXVN. 
Sử dụng xe biển quân sự, biển xanh 80A sai quy định
Trong thời gian từ năm 2011 – 2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, đồng thời lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, Đinh Ngọc Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty cổ phần, mạo nhận chức năng, nhiệm vụ phục vụ kinh tế quốc phòng để xin được thi công các dự án, công trình trọng điểm quốc gia,…
Thông qua Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Đinh Ngọc Hệ đã đề nghị các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô biển quân sự (biển đỏ), xe ô tô biển xanh 80A, trong đó có nhiều xe chỉ huy có giá trị lớn.
Sau khi được các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cho mua, đăng ký 23 xe biển quân sự để không phải đóng nhiều tỷ đồng tiền thuế trước bạ; Bộ Công an cho mua và đăng ký 15 xe biển xanh 80A, Út trọc Đinh Ngọc Hệ đã trực tiếp hoặc đã chỉ đạo Trần Văn Lâm (TGĐ điều hành CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) ký các hợp đồng thế chấp các xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền.
Cụ thể, thế chấp 29/39 xe biển quân sự, biển xanh 80A cho các ngân hàng gồm: Thế chấp tại GP Bank 12 xe (8 xe biển quân sự, 4 xe biển xanh 80A); thế chấp tại MBBank 06 xe (2 xe biển quân sự, 4 xe biển xanh 80A); thế chấp tại BIDV Chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) 04 xe biển quân sự. Đến thời điểm khởi tố vụ án vẫn còn thế chấp 4 xe ô tô biển quân sự tại BIDV Chi nhánh Thành Đô (Hà Nội).
Đối với việc cho thuê xe biển quân sự và biển xanh 80A, Đinh Ngọc Hệ cho CTCP Cái Mép thuê 03 xe quân sự để tạo nguồn thu thế chấp cho MBBank chi nhánh Sài Gòn để vay tiền; cho CTCP Vận tải Bia Sài Gòn và Công ty Bia Đông Bắc thuê 02 xe biển xanh 80A, thu được số tiền 6.050.000.000 đồng.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn giao xe biển quân sự, biển xanh 80A cho nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng, vi phạm Quyết định 161/2008/QĐ-TTg ngày 04/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; vi phạm một loạt Thông tư của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn việc sử dụng xe ô tô.
Việc đăng ký sau đó cho thuê, thế chấp, không nộp thuế trước bạ là 3.183.150.000 đồng. Hành vi cho thuê, cho mượn và thế chấp xe ô tô nói trên còn dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước và Quân đội.
Hợp thức hóa nguồn xăng dầu kém chất lượng
Cuối năm 2012, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4 để cho Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà) thuê lại kinh doanh xăng dầu. Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập chi nhánh Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương và bổ nhiệm Trần Xuân Sơn (là người của Công ty Hải Hà) làm Giám đốc chi nhánh.
Việc thành lập chi nhánh Bình Dương thực chất là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hà Hải mà không liên quan đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng.
Sau khi được cơ quan chức năng cấp phép, Công ty Hải Hà mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn. Ngày 23/6/2014, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương kiểm tra cửa hàng xăng dầu Thái Sơn, lập biên bản về việc thiếu Giấy Chứng nhận đo lường cột bơm, thiếu hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu và lấy mẫu kiểm tra chất lượng.
Ngày 02/07/2014, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương thông báo 20.348 lít xăng tồn kho ngày 23/6/2014 không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu giải trình.
Sau khi được Trần Xuân Sơn báo sự việc, theo sự chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm đã làm văn bản gửi ông Lê Thanh Cung (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) mạo nhận là hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng để xin không bị xử phạt; đồng thời đặt vấn đề và liên hệ với Đại tá Bùi Văn Tiệp, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 để được giúp đỡ, sau đó Hệ chỉ đạo Lâm liên hệ với Bùi Văn Tiệp, ký hợp đồng gửi xăng, nhận số xăng kém chất lượng trên là của Sư đoàn 367 gửi, không phải là xăng kinh doanh để trốn tránh việc bị xử phạt.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ do Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn cung cấp và ý kiến của ông Lê Thanh Cung, Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương tin cậy đây là xăng dầu đơn vị Quân đội nên không truy xuất đến cùng, không xử phạt hành chính đối với số xăng kém chất lượng nêu trên.
Kết quả điều tra xác định mức xử phạt đối với việc kinh doanh xăng kém chất lượng nêu trên là 1.448.741.600 đồng.
Nhiều lần kê khai Bằng tốt nghiệp Đại học giả
Vào khoảng năm 2000, Đinh Ngọc Hệ mua của một đối tượng không rõ lai lịch 1 bảng điểm và 1 Bằng tốt nghiệp hệ tại chức Đại học Kinh tế quốc dân (KTQD) giả với giá 2.500.000 đồng.
Từ năm 2003-4/2016, trong quá trình công tác tại các đơn vị, Đinh Ngọc Hệ đã nhiều lần sử dụng bản sao Bằng Tốt nghiệp ĐH KTQD và bảng điểm giả nói trên để làm thủ tục nâng lương, phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, bổ nhiệm cán bộ, nên nhiều lần được nâng lương, điều chỉnh lương, nâng loại ngạch lương, phiên quân hàm quân nhân chuyên nghiệp từ trung cấp nhóm 1 sang hưởng lương loại cao cấp nhóm 1; phiên quân hàm Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp tháng 7/2015; Hệ được cấp số hiệu cán bộ tháng 8/2015, Bộ Quốc phòng có quyết định phong hàm sỹ quan Thượng tá cho Đinh Ngọc Hệ.
Tháng 4/2016 Đinh Ngọc Hệ được bổ nhiệm giữ chức Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn. Hồ sơ lý lịch của Đinh Ngọc Hệ lưu tại Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng, Cục Quân lực, Cục Cán bộ có lưu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc Đinh Ngọc Hệ đã sử dụng Bằng Tốt nghiệp ĐH KTQD giả.
Như vậy, quá trình công tác trong quân đội, Đinh Ngọc Hệ đã nhiều lần sử dụng văn bằng, giấy tờ giả nêu trên để đề nghị nâng lương, bổ nhiệm, phong quân hàm.
Sai phạm của Phùng Danh Thắm
Sau khi Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng phê duyệt mô hình hoạt động công ty mẹ - con trên cơ sở đề nghị của Đinh Ngọc Hệ và các cơ quan chức năng của Tổng Công ty, Đại tá Phùng Danh Thắm (TGĐ Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) đã ký quyết định góp vốn thành lập Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; ký văn bản đề nghị Cục Quân lực, Thủ trưởng Bộ Tham mưu, lãnh đạo Bộ Công an cho Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P mua xe bằng vốn tự có; đề nghị tiếp nhân 12 quân nhân làm việc tại Công ty cổ phần trái quy định.
Mặc dù từ năm 2009-2016 Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P và cá nhân Đinh Ngọc Hệ không đóng góp gì cho Tổng Công ty Thái Sơn nhưng Phùng Danh Thắm vẫn đồng ý bổ nhiệm Đinh Ngọc Hệ làm Phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn.
Khi được Bộ Quốc phòng cấp biển xe quân sự, Bộ Công an cấp biển xanh 80A, nhất là sau khi Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng thoái 31% vốn, chỉ còn 20% vốn ghi nợ, với chức vụ là TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Phùng Danh Thắm có trách nhiệm trong quản lý đối với công ty con và Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P, quản lý quân nhân thuộc quyền, nhưng Phùng Danh Thắm không làm hết trách nhiệm được giao và buông lỏng quản lý, dẫn đến không kiểm soát được hoạt động của quân nhân Đinh Ngọc Hệ, để Đinh Ngọc Hệ sử dụng 29/38 xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A, thế chấp cho các ngân hàng để vay và bảo lãnh vay tiền; cho thuê 5 xe ô tô biển quân sự và biển xanh 80A; giao xe biển xanh, biển quân sự cho cá nhân và tổ chức sử dụng, vi phạm quy định của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Phùng Danh Thắm không có biện pháp kiểm tra, giám sát, quản lý số quân nhân làm việc tại Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P để quân nhân Đinh Ngọc Hệ cấu kết với các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong việc làm hợp đồng giả gửi xăng để né tránh việc xử phạt 1.148.741.600 đồng do kinh doanh xăng dầu kém chất lượng tại chi nhánh Bình Dương, xâm phạm đến lợi ích của khách hàng dẫn đến có đơn thư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của quân đội.
HĐXX xác định đây là hậu quả nghiêm trọng do hành vi thiếu trách nhiệm của Phùng Danh Thắm gây ra.
Mức án dành cho các bị cáo
Sau hai ngày xét xử công khai tại Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội, chiều 31/7/2018, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã tuyên án vụ án hình sự đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm.
Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ: 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”; 2 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt tù, Đinh Ngọc Hệ phải chịu mức án 12 năm tù.
Các đồng phạm của Đinh Ngọc Hệ trong tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng bị tuyên các mức án cụ thể như sau:
Trần Văn Lâm: 5 năm tù giam; Bùi Văn Tiệp: 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Xuân Sơn: 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo;
Riêng bị cáo Phùng Danh Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng bị tuyên phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo có trách nhiệm nộp lại trên 1,4 tỷ đồng tiền phạt từ việc kinh doanh xăng kém chất lượng, số tiền này Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương đã không xử phạt đối với Chi nhánh Bình Dương, CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P. Trước khi phiên tòa này diễn ra, các bị cáo đã tự nguyện nộp hơn 1,2 tỷ đồng, số tiền còn thiếu hơn 160 triệu đồng, bị cáo Trần Văn Lâm đã tự nguyện nộp trong ngày ngày cuối cùng diễn ra phiên tòa.
Theo PV/Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)