Năm 2019 đã trôi qua, tuy nhiên với người dân Thủ đô Hà Nội đó là một năm với nhiều lo lắng trước hàng loạt các sự cố, khủng hoảng về môi trường xảy ra khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Trong đó đáng chú ý là hai vụ việc cháy tại Nhà máy Rạng Đông và xả thải ô nhiễm nguồn nước sông Đà.
Cháy nhà máy Rạng Đông, phát tán “chất độc” thủy ngân
Vào tối ngày 28/8/2019, kho chứa hàng triệu bóng đèn Nhà máy Rạng Đông (Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ bị cháy dữ dội.
Vụ cháy gây thiệt hại 150 tỷ đồng, trong đó 480.000 sản phẩm bóng đèn huỳnh quang; 2 triệu sản phẩm đèn tròn công suất thấp; 1,6 triệu bóng đèn HQ compact bị cháy.
Sau khi vụ cháy xảy ra đã dấy lên trong dư luận về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đã bất nhất trong việc đưa ra những cảnh báo. Nhiều người dân sống xung quanh nhà máy đã chọn phương án tạm di dời để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân, không ít trong số đó đã đến các cơ sở y tế để thăm khám.
Sự thật về việc thủy ngân phát tán ra môi trường chỉ được khẳng định tại tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/9/2019. Khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết qua tính toán số lượng đèn huỳnh quang và đèn compact bị cháy, cho thấy số lượng thủy ngân bị thất thoát ra môi trường là từ 15,1 – 27,2kg. Đồng thời cảnh báo, người dân sống trong bán kính 500 m tính từ hàng rào kho bị cháy sẽ chịu ảnh hưởng ô nhiễm thủy ngân.
|
Hình ảnh vụ cháy nhà máy Rạng Đông. |
Ngày 5/9, đại diện Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thừa nhận, căn cứ số sản phẩm bị cháy hỏng, Công ty tính quy ra hàm lượng thủy ngân là khoảng 15,5kg đến 15,6kg. Ngày 7/9, Công ty Rạng Đông chính thức gửi lời xin lỗi sau vụ cháy. Trong thư không nêu về hàm lượng thuỷ ngân thoát ra môi trường và nguy cơ với sức khoẻ của con người.
Vụ cháy và thông tin lượng thủy ngân phát tán đã khiến người dân lo lắng và bức xúc cho rằng Công ty Rạng Đông vô cảm, thiếu trách nhiệm, bưng bít thông tin khiến việc xử lý hậu quả vụ cháy bị kéo dài, tăng thêm những thiệt hại. Đồng thời đặt câu hỏi về trách nhiệm, năng lực của chính quyền Hà Nội trong giải quyết thảm họa môi trường cũng như việc cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường đến người dân.
Sau đó, Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành tẩy độc khu vực. Người dân chỉ tạm yên tâm khi Bộ TN&MT phát thông báo môi trường xung quanh nhà máy đã an toàn. Mới đây, người dân khu đô thị 54 Hạ Đình (Hà Nội) đã có đơn yêu cầu Rạng Đông phải bồi thường.
Xả thải ô nhiễm nước sông Đà, vẫn chưa rõ trách nhiệm của Viwasupco
Khi nỗi lo ô nhiễm môi trường do lượng thủy ngân phát tán khi xảy ra vụ cháy Nhà máy Rạng Đông chưa hết, người dân thủ đô lại tiếp tục phải đổi mặt với nỗi lo ô nhiễm nguồn nước sạch khi xảy ra vụ việc nước sông Đà bị xả dầu thải dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sạch.
Vụ việc xả dầu thải đầu độc nguồn nước sạch Sông Đà được phát hiện ngày 10/10 khi người dân 8 quận, huyện ở TP Hà Nội phản ánh việc nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp có mùi dầu thải khó chịu, sau đó các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh.
Đáng chú ý, trước đó một ngày, Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát hiện dấu hiệu đổ trộm dầu thải tại khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), đầu nguồn nước sông Đà.
Cụ thể, báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho thấy, ngày 9/10/2019, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), các cơ quan chức năng sau đó đã kiểm tra hiện trường.
|
Xả dầu thải đầu độc nước sạch Sông Đà khiến người dân bức xúc. |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, một số cán bộ của Viwasupco có phát hiện việc này từ sáng 8/10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào của cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cũng như TP Hà Nội. Công ty này cũng không có bất kỳ hành vi nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định dẫn đến váng dầu này chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy đến hệ thống phân phối đến người dân các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Đáng chú ý, gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước này do nhiễm dầu, chứa hàm lượng styren trong nước vượt quá quy chuẩn và quy trách nhiệm cho Viwasupco vì không lập tức báo cáo khi phát hiện ô nhiễm.
Điều khiến dư luận bức xúc sau đó chính là những phát ngôn của các lãnh đạo Viwasupco khi ông Nguyễn Văn Tốn, thời điểm đó còn giữ cương vị Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cho rằng, khi xảy ra sự cố đã báo cáo cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình và tập trung mọi cán bộ, nhân viên xử lý sự cố. Dau khi xử lý hết váng dầu tại nguồn nước, súc xả toàn bộ bể tràn, bể chứa và đoạn ống dẫn nước khoảng 10km, kết quả xét nghiệm của Phòng Hóa nghiệm công ty cho thấy, chất lượng nước vẫn bảo đảm đủ các chỉ tiêu A theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Mùi vị nước tại nhà máy vẫn bình thường.
Đồng thời khi nói về trách nhiệm cá nhân, Tổng Giám đốc công ty CP nước sạch Sông Đà cho biết ông 'chỉ là Tổng giám đốc làm thuê' nên tới đây tổng công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm và nói rằng “Công ty cũng có lỗi nhưng người dân cũng phải thông cảm”.
Đáng chú ý, trả lời câu hỏi về việc xử lý hóa chất styren trong nước, ông Tốn cho biết không dám đưa ra lời khẳng định có xử lý được hay không vì đây là lần đầu tiên công ty đối mặt với sự việc này.
Trong khi đó, ông Bùi Đăng Khoa - Phó giám đốc công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cũng có những phát ngôn khiến dư luận bức xúc không kém sự phát ngôn của ông Nguyễn Văn Tốn khi nói về việc bồi thường cho người dân đã nói rằng: “Chúng tôi là người thiệt hại lớn nhất”.
Những phát ngôn trên khiến dư luận cho rằng cần làm rõ trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của Viwasupco liên quan vụ việc trên.
Ngày 16/10/2019, Công an huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường. Một ngày sau, công an tạm giữ hai nghi phạm đổ dầu thải là Nguyễn Chương Đại, Hoàng Văn Thám. Ngày 20/10/2019, người thuê Đại và Thám làm việc này là Lý Đình Vũ ra đầu thú. Theo lời khai các đối tượng số dầu thải được nhóm này lấy từ Công ty gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ. Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 3 người này và đang tiếp tục làm rõ vụ án.
Đáng chú ý, hơn chục ngày sau khi xảy ra sự cố, khi các cơ quan chức năng tuyên bố nước sông Đà đã đạt chuẩn sau khi xử lý, hàng vạn hộ dân khu vực Tây Nam Hà Nội tiếp tục quay lại dùng nước của Viwasupco. Tuy nhiên, động thái của doanh nghiệp này chỉ bồi thường “một tháng dùng nước miễn phí”.
Sáng 4/11/2019, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lần đầu lên tiếng nhận trách nhiệm của chính quyền thành phố trong vụ việc và hứa sẽ rút kinh nghiệm. Đến nay, trách nhiệm của Viwasupco và Công ty gốm sứ Thanh Hà vẫn chưa được làm rõ.
Những sự cố môi trường trên cho thấy, để hạn chế nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cần phải nâng cao nhận thức, tăng cường giải pháp từ chính con người. Đồng thời phải tăng cường chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức liên quan đến sự cố môi trường để tạo tính răn cho nhiều tổ chức, cá nhân khác trong việc bảo vệ môi trường.
>>> Mời độc giả xem video Toàn cảnh vụ cháy xảy ra tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông: