Nhiều nhà báo bức xúc việc công an "gạt tay trúng má" phóng viên

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều nhà báo, phóng viên đã lên tiếng về vụ việc “gạt tay trúng má" của công an Đông Anh với PV Trần Quang Thế báo Tuổi Trẻ tại cầu Nhật Tân (Hà Nội).

Mới đây, vụ việc phóng viên báo Tuổi Trẻ - anh Trần Quang Thế - va chạm với công an trên cầu Nhật Tân khi tác nghiệp vào chiều 23/9 lại nóng dư luận khi Đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội - trả lời báo chí về vụ việc trên.
Theo lời Đại tá Ngọc trao đổi với báo chí, danh tính người mặc áo đen có xô xát với phóng viên Quang Thế trong clip trên mạng là Ngô Quang Hưng (23 tuổi, công tác tại đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh). Tuy nhiên, cảnh sát hình sự huyện Đông Anh chỉ có hành vi "gạt tay trúng má" và "giơ chân đá nhưng không trúng" vào người phóng viên Quang Thế.
“Với những hành vi của CSHS Đông Anh, căn cứ vào quy tắc ứng xử của lực lượng công an nhân dân, Công an Hà Nội đã quyết định giao cho Ban chỉ huy Công an huyện Đông Anh cùng với phòng tổ chức cán bộ căn cứ vào các quy định cụ thể hiện hành của ngành công an, tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách đối với chiến sĩ công an Ngô Quang Hưng”, Đại tá Ngọc cho biết.
Mới đây, Công an quận Tây Hồ đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính phóng viên Quang Thế với số tiền lên đến 14.405.000 đồng. Cụ thể, quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu cách hành vi: “Vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng”.
Tuy nhiên, ngay khi nhận được quyết định trên, trao đổi với báo chí, PV Quang Thế cho biết: “Tôi không đồng ý với nhiều nội dung trong quyết định xử phạt của Công an Hà Nội. Tôi đã trình bày với Công an quận Tây Hồ, Hà Nội rằng trong các quyết định xử phạt hành chính tôi chỉ đồng ý lỗi vi phạm để xe trên cầu, còn các lỗi khác, tôi hoàn toàn không chấp thuận lỗi vi phạm. Tôi cho rằng mình hoạt động nghiệp vụ theo Luật Báo chí và theo pháp luật Việt Nam”.
 Cú gạt tay của cán bộ công an khiến nhiều nhà báo, phóng viên bức xúc.
Nhiều nhà báo, phóng viên đã bày tỏ góc nhìn về vụ việc trên, nỗi lo lắng trong quá trình tác nghiệp cũng như cách ứng xử giữa công an và nhà báo tại hiện trường vụ việc.
"Không thể chấp nhận được hành vi côn đồ của cán bộ công an"
Là một nhà báo có nhiều năm kinh nghiệm, nhà báo Trần Đăng Tuấn khi trao đổi với VTC News về vụ việc này đã đưa ra quan điểm thẳng thắn: “Không ai có thể chấp nhận được kết luận này. Cho rằng, hành vi của phóng viên Quang Thế (báo Tuổi Trẻ) có sai thì việc hành xử như vây của cán bộ công an làm nhiệm vụ tại hiện trường là không thể chấp nhận được. Đó là hành xử côn đồ đường chợ. Cảnh sát có quyền cưỡng chế người vào khu vực bảo hiện trường, nhưng không phải bằng cách đấm đá thiếu văn hoá tối thiểu như vậy.
Trong trường hợp phóng viên vào khu vực hiện trường được bảo vệ thì lực lượng công an có thể dùng các biện pháp để ngăn chặn nhưng cảnh sát cả thế thế giới họ không có nghiệp vụ đấm, đá, đuổi theo như thế. Tôi nghĩ không thể có điều gì biện hộ về điều này. Hơn nữa, vụ việc này rõ như ban ngày được ghi lại bằng hình ảnh mà họ còn nói được là đây chỉ là hành động “gạt tay vào má” thì đối với những vụ việc không có hình ảnh nào chứng minh, thử hỏi ai sẽ tin vào kết luận của Công an Hà Nội? Tôi thực sự thấy đau lòng vì những vụ việc như thế này ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của ngành công an”.
Không chỉ nhà báo Trần Đăng Tuấn “không chấp nhận” hành vi côn đồ của cán bộ công an khi xô xát với PV Quang Thế mà nhiều nhà báo, phóng viên cũng thấy bức xúc bởi hành vi của cán bộ công an này và cách xử lý vụ việc của Công an TP Hà Nội.
 Nhà báo Trần Đăng Tuấn.
"Nhà báo đau một, công an đau mười"
Nhà báo Đào Thanh Tuy nêu ý kiến: “Công an hành hung nhà báo, nhà báo đau một, công an đau mười. Nhưng lãnh đạo Công an Hà Nội mà trả lời như thế, khi clip sờ sờ ra đó thì đau gấp trăm lần. Tôi lấy làm tiếc, giá mà Công an TP Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận sự việc, thẳng thắn kết luận đúng sai, thẳng thắn nhận khuyết điểm thì hình ảnh của họ đã tích cực hơn nhiều”.
"Nhà báo nên bỏ nghề nếu sự thật bị che khuất"
Phóng viên Đặng Tuyền, báo Pháp Luật TP HCM, nhìn nhận: “Việc Công an Hà Nội ra quyết định xử phạt với Quang Thế, PV báo Tuổi Trẻ và kỷ luật ở mức cảnh cáo chiến sỹ Công an không còn chuyện giữa báo chí và Công an nữa. Nó là câu chuyện của xã hội. Nếu chuyện này được chấp nhận thì toàn xã hội sợ công an, những người mang trọng trách bảo vệ họ. Côn đồ, xã hội đen đánh người còn bị pháp luật xử. Công an đánh người (hiển nhiên và không thể gọi khác được) trở thành cái “gạt tay” và bị khiển trách thì công an đánh người thoải mái. Và nếu chuyện này là thật, những người làm báo nên bỏ nghề hết. Xã hội yêu cầu nhà báo, phóng viên phải nói sự thật. Nhà báo bị đe dọa cả từ thế giới ngầm tới thế giới công khai thì nên chuyển nghề. Vì như Công an còn có tiền thuế của nhà nước trả cho công việc (trong đó có tiền thuế của nhà báo đóng vào); nhà báo sống bằng từng tác phẩm cụ thể, không làm thì đừng ăn. Nên tôi nghĩ, có mỗi sự thật là tôn chỉ mục đích của người làm báo mà xã hội không tôn trọng thì nên xóa sổ nghề báo. Tôi nghĩ, việc kết luận của Công an TP Hà Nội là thách thức tất cả những người dân. Đó là có clip, hình ảnh rõ ràng thế mà vẫn có kết luận nực cười thì những việc như lấy cung chỉ có Công an và đối tượng, biết chuyện gì xảy ra? Tôi vẫn nghĩ, cái gì đúng sẽ phải được tôn trọng. Công an sẽ phải chuẩn hơn côn đồ. Cả thế giới này nếu không có sự thật là tiêu chuẩn thì chỉ quay lại thời kỳ trung cổ thôi”.
 Phóng viên Đặng Tuyền, Báo Pháp luật TP HCM.
"Cần làm rõ trách nhiệm của công an"
Phóng viên Lê Tân, đang công tác tại báo Thanh Niên, Văn Phòng đại diện báo Thanh Niên tại Hải Phòng, cho biết: “PV Quang Thế không xuất trình giấy tờ giới thiếu khi tác nghiệp là sai. Nhưng việc công an đánh dân (clip ghi rõ hình ảnh mà báo Thanh Niên đã đăng tải) còn sai hơn. Nếu công an nói đó là hiện trường thì phải có dải phân cách, biển báo cấm chụp ảnh hoặc hàng rào người. PV Quang Thế có thể chỉ vi phạm đỗ xe trên cầu thôi. Cần làm rõ hơn trách nhiệm của công an”.
Nói về việc bảo vệ mình khi tác nghiệp tại hiện trường, Phóng viên Lê Tân cho biết: “Tại hiện trường vụ việc, luôn có lực lượng công an đến để điều tra và các cơ quan liên quan đến để thực hiện công việc cần thiết của họ. Trong đó, có phóng viên đến để tác nghiệp đưa tin. Để tác nghiệp an toàn, phóng viên hãy tôn trọng và hợp tác với công an. Khi vào hiện trường hãy hỏi ý kiến họ, nếu họ đồng ý vì nhận thấy quá trình tác nghiệp ấy không ảnh hưởng đến công việc điều tra thì được vào, nếu không cần tôn trọng họ. Phóng viên có thể tìm nơi thích hợp để ghi hình quanh khu vực đó. Bên cạnh đó, Công an cũng nên tôn trọng phóng viên. Mỗi người mỗi việc khác nhau nên hỗ trợ nhau vì việc chung một cách hiệu quả, hợp tình, đúng quy định của pháp luật”.
 Phóng viên Lê Tân, công tác tại Báo Thanh Niên.
"Tăng cường các biện pháp tự bảo vệ mình khi tác nghiệp"
Phóng viên Đoàn Minh Sơn, báo Đời sống Pháp Luật, cho rằng: “Kết luận của công an Hà Nội thể hiện sự áp đặt. Tôi đồng tình với ý kiến của nhà báo Trần Đăng Tuấn: nếu chỉ là cú vuốt gò má PV Quang Thế thì công an không có lỗi, việc gì phải xin lỗi, kỷ luật. Kết luận của công an Hà Nội cũng không nhận được sự đồng tình của giới báo chí nói riêng và dư luận cả nước nói riêng. Công an Hà Nội đã xử lý khủng hoảng kém trong vụ việc này. Đồng thời, cũng sẽ tạo tiền lệ xấu thể hiện bằng việc dùng quyền lực của cơ quan công quyền áp đặt lên dư luận. Còn đối với đội ngũ những người làm báo, giờ đây họ phải tự tăng cường các biện pháp để bảo vệ bản thân trong quá trình tác nghiệp. Bởi vì, họ hiểu rằng không thể hi vọng vào sự bảo vệ của cơ quan công quyền khi chính lực lượng này đã quay lưng lại với nền báo chí và bất chấp tất cả, chà đạp lên dư luận”.
 Phóng viên Đoàn Minh Sơn.
"Cảm thấy thực sự tiếc vì vụ việc vừa xảy ra"
PV T.C, đang công tác tại báo Trí Thức Trẻ, cho biết, anh cảm thấy thực sự tiếc khi đọc được các thông tin về kết luận vụ xô xát giữa công an huyện Đông Anh với phóng viên của báo Tuổi Trẻ.
“Tôi nghĩ rằng, với những hình ảnh, video xác thực mà một số tờ báo đã đăng tải thì các cơ quan chức năng có đủ cơ sở để làm rõ đây là hành vi gì của các cán bộ công an Đông Anh. Việc công an Hà Nội cho rằng, đây chỉ là gạt hay vung tay vào má, giơ chân chứ chưa trúng, tôi cho chưa thực sự khách quan, rõ ràng. Bản kết luận này không chỉ khiến dư luận nghi ngại, đặt nhiều câu hỏi về việc có hay không sự bao che, bảo vệ cán bộ bằng mọi giá mà còn khiến chính các nhà báo, phóng viên khi đi tác nghiệp cảm thấy bất an”, PV T.C cho biết.
“Giờ đây, không chỉ xã hội đen, đầu gấu có thể cản trở, hành hung phóng viên mà chính lực lượng thực thi pháp luật cũng có làm việc này và sau đó, chỉ là lời giải thích "gạt tay", "vung tay", "giơ chân nhưng chưa trúng"... Thượng tôn pháp luật là điều mà tất cả các xã hội đều cần. Tôi mong rằng, Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ có ý kiến yêu cầu điều tra, xác minh lại vụ việc này, đừng để người ta nói, nhà báo bị hành hung xong còn thế này thì người dân sẽ đến đâu”, PV T.C nhìn nhận.
"Kinh nghiệm cần nhìn nhận khi tác nghiệp tại hiện trường"
Nhà báo Tuấn Hợp, báo điện tử Dân Trí cho biết: “Với những diễn biến vụ việc và hình ảnh clip ghi nhận về vụ việc, cán bộ công an về nghiệp vụ cũng có thiếu sót. Bên cạnh đó, đây cũng là một kinh nghiệm để phóng viên nhìn nhận khi tác nghiệp tại hiện trường. Ví dụ, phóng viên chứ không phải là cán bộ điều tra mà cần đi vào hẳn hiện trường. Mà có vào được thì chụp, quay những hình ảnh đó (trong nhiều trường hợp), toà soạn có ai dám dùng?".
Nhà báo Tuấn Hợp cũng nêu biện pháp bảo vệ bản thân khi tác nghiệp của phóng viên tại hiện trường: “Khi công an họ yêu cầu ra ngoài thì mình nên chấp hành bình thường chứ cố thủ đấy làm gì. Giá kể nếu họ bắt mình ra ngoài mà mình chấp hành theo họ thì mình không hoàn thành trách nhiệm với tờ báo thì hãy nói. Còn mình đến để lấy thông tin chứ có phải đến cãi nhau với họ đâu. Phải xác định nhiệm vụ của mình là gì”.
“Ngoài ra, có thể thấy, cán bộ công an trong vụ việc này cũng có lỗi khi không chăng dây bảo vệ khu vực hiện trường nên ai biết hiện trường là ở chỗ nào? Còn hành vi đánh đấm phóng viên thì không thể nào chấp nhận đươc”, nhà báo Tuấn Hợp cho biết.
Hải Ninh

Bình luận(0)