Nhiều hành vi bị cấm trong PCCC theo đề xuất mới của Bộ Công an

Google News

Tại Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã đề xuất hàng loạt quy định mới, bổ sung thêm một số hành vi bị cấm.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025.
Theo đó, dự thảo Luật gồm 8 chương, 58 điều, bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
So với quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013, Điều 10 dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã bổ sung thêm một số hành vi bị cấm trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Cụ thể như: Xúc phạm, đe dọa lực lượng PCCC&CNCH thực hiện nhiệm vụ; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ PCCC&CNCH để thực hiện hành vi nhũng nhiễu; chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có văn bản thẩm định; đưa phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu...
Nhieu hanh vi bi cam trong PCCC theo de xuat moi cua Bo Cong an
Xúc phạm, đe dọa lực lượng PCCC&CNCH thực hiện nhiệm vụ là hành vi bị cấm theo dự thảo Luật PCCC&CNCH.
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng bổ sung quy định về nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Theo đó, sau khi tổ chức nghiệm thu dự án, công trình thuộc danh mục phải thẩm định thiết kế theo quy định thì chủ đầu tư phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý chuyên ngành để kiểm tra kết quả nghiệm thu về PCCC
Đặc biệt, doanh nghiệp chỉ được phép đưa hạng mục công trình, công trình đã được xây dựng hoàn thành vào khai thác, sử dụng sau khi được cơ quan quản lý chuyên ngành đã thẩm định thiết kế kiểm tra và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Trường hợp đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 60 đến 100 triệu đồng (căn cứ khoản 4 Điều 38 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Dự thảo Luật cũng điều chỉnh một số yêu cầu cơ bản về phòng cháy đối với cơ sở kinh doanh.
Theo đề xuất mới, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, địa điểm làm việc, công trình phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy sau đây:
Có biện pháp phòng cháy như thực hiện và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; trang bị phương tiện phòng cháy; kiểm tra phát hiện sơ hở, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy...
Có quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Bảo đảm an toàn phòng cháy đối với từng loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh: Có phương tiện, hệ thống PCCC&CNCH; hệ thống kỹ thuật; hệ thống liên lạc; thiết bị truyền tin báo cháy, sự cố, hệ thống cập nhật, khai báo dữ liệu về PCCC&CNCH; giải pháp ngăn cháy, chống khói, thoát nạn. Có phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Có lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở.
Bên cạnh đó, Điều 19 của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bổ sung thêm một số nội dung về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện.
Cụ thể, đơn vị điện lực có trách nhiệm thực hiện và duy trì các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC đối với hệ thống điện truyền tải; kiểm tra, đánh giá, khuyến nghị kịp thời việc lắp đặt, sử dụng bảo đảm an toàn đối với hệ thống, thiết bị điện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi ký hợp đồng bán điện và trong quá trình sử dụng điện; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn PCCC trong sử dụng điện.
Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức sản xuất, kinh doanh thiết bị điện phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật...
>>> Mời độc giả xem thêm video Chàng shipper lao vào biển lửa cứu người vụ cháy chung cư mini:
 
Bình Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)