Ngày 12/12, tại Kỳ họp lần thứ 14 của HĐND tỉnh Bắc Giang, nhiều đại biểu đặt vấn đề về các cơ sở nhà đất công của các cơ quan, đơn vị không còn sử dụng, để hoang hóa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường và đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang cho biết, nguyên nhân chậm xử lý và biện pháp khắc phục tình trạng này.
Bắc Giang đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng đất công bỏ không
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang Bùi Quang Huy cho biết, thời gian qua, cơ quan này tiến hành rà soát lại toàn bộ quỹ đất công sở, đất các khu tập thể, các cơ quan Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Kết quả cho thấy, tỉnh Bắc Giang có 287 cơ sở nhà, đất của các trụ sở, công sản, khu tập thể với tổng diện tích hơn 26,7 ha không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, có 16 cơ sở nhà, đất của các cơ quan Trung ương trên địa bàn với tổng diện tích hơn 1,5 ha là trụ sở các đội thuế, kho bạc nhà nước, tòa án, bảo hiểm xã hội, bưu điện, ban chỉ huy quân sự. Đồng thời, tỉnh Bắc Giang có 271 cơ sở nhà, đất do địa phương quản lý với tổng diện tích 25,2 ha các huyện, thành phố là trụ sở các xã, phường.
|
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang Bùi Quang Huy trả lời chất vấn của đại biểu.
|
Ông Huy lý giải nguyên nhân tình trạng trên do các cơ quan, đơn vị Trung ương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chưa chủ động rà soát, báo cáo cấp trên lập phương án sắp xếp, xử lý nhà đất trình Bộ Tài Chính. UBND các huyện và thành phố trong tỉnh Bắc Giang chưa chủ động rà soát, thống kê, phát hiện việc không sử dụng đất, sử dụng đất không hiệu quả của các cơ quan Trung ương trên địa bàn, các tổ chức thuộc đối tượng quản lý.
Đồng thời, UBND huyện và thành phố tỉnh Bắc Giang trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa quan tâm đến quy hoạch các cơ sở nhà đất của các cơ quan, đơn vị của mình để đề xuất phương án sắp xếp, xử lý. Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang chưa chủ động phối hợp với các ngành, UBND các huyện và thành phố trong việc rà soát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, xử lý nhà đất. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang chưa thường xuyên đôn đốc các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện và thành phố, rà soát, thống kế lập hồ sơ đối với các cơ sở nhà đất.
Ông Huy đề xuất giải pháp giải quyết tình trạng các cơ sở nhà đất của các cơ quan đơn vị không còn sử dụng. Theo đó, các cơ quan Trung ương trên địa bàn khẩn trương báo cáo cấp trên phương án sắp xếp, xử lý nhà đất trình Bộ Tài chính. UBND các huyện và thành phố trong tỉnh Bắc Giang rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cơ sở nhà đất của các cơ quan, đơn vị không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
Sở Tài chính Bắc Giang chủ trì tham mưu UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị lập phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất trình phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang phối hợp các huyện rà soát lập, thẩm định điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cơ sở nhà, đất không sử dụng, sử dụng đất không hiệu quả; đôn đốc các cơ quan đơn vị lập hồ sơ thu hồi đất.
Không chỉ riêng tỉnh Bắc Giang, nhiều địa phương khác cũng vướng về công tác quản lý xây dựng, quản lý đất đai, đặc biệt là các khu đất "vàng" ở trung tâm thành phố bị bỏ hoang.
|
Nhiều công trình, trụ sở, đất công bị bỏ hoang gây lãng phí. |
Loạt nhà đất tại TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa bỏ không
Theo đó, tại TP HCM, nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) từ năm 2018 và 2 năm sau dự án được triển khai. Tuy nhiên, đến nay thực tế nơi đây chỉ là khu đất trống.
Khu đất 8-12 Lê Duẩn (quận 1) rộng gần 5.000 m2 cũng là khu đất trống, một góc nhỏ ở mặt tiền đường Hai Bà Trưng được sử dụng tạm để làm nhà vệ sinh công cộng. Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (rộng hơn 6.000 m2) nhìn ra sông Sài Gòn qua Công trường Mê Linh cũng trong tình trạng tương tự. Cả 2 khu đất trên đều liên quan tới các vụ án, sau đó được giao về cho UBND TP HCM quản lý. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã tiếp nhận và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý.
Hay như khu đất 35 Nguyễn Huệ (rộng 9.200 m2), tiếp giáp đường Lê Lợi - Pasteur cũng đang bỏ hoang. Địa chỉ này là tòa nhà Thương xá Tax lâu đời và nổi tiếng. Công trình cũ bị tháo dỡ và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (SATRA) được thành phố cho phép xây dựng trên nền cũ một khu phức hợp, song đến nay cũng vẫn là khu đất trống.
Tại tỉnh Khánh Hòa, trên đường dọc biển TP Nha Trang tồn tại nhiều khu đất "vàng" đang bỏ hoang nhiều năm nay. Cụ thể, khu đất 48-48A Trần Phú rộng hơn 3.600 m2 nằm ngay Quảng trường 2 Tháng 4, mặt tiền đường biển Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai. Phía trong khu đất này có một hố nước đen ngòm, khu nhà bỏ hoang phế từ năm 2003. Tháng 11/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định thu hồi khu đất này để giao cho nhà đầu tư khác nhưng từ đó đến nay, khu đất "vàng" vẫn chưa được khai thác.
Ngoài ra, dự án ở 82 Trần Phú rộng hơn 3.600 m2 cũng bỏ hoang gần 20 năm nay.
Đáng chú ý là khu đất 8.000 m2 của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa ở số 70 mặt tiền đường biển Trần Phú. Năm 2017, UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện dự án trụ sở làm việc Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa mới theo hình thức BT với Công ty TNHH Phương Đông Nha Trang (Công ty Phương Đông). Năm 2020, Công ty Phương Đông bàn giao 2 dự án nhưng khu đất vàng 70 Trần Phú và trụ sở cũ đang bỏ trống.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi - Trưởng Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị định 167/2017 đã có kết luận cuộc họp rà soát, sắp xếp, thu hồi nhà, đất công. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố phê bình Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) vì không thực hiện đúng chỉ đạo của UBND thành phố trong việc phối hợp thực hiện di dời, bàn giao nhà, đất tại địa chỉ 420 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh; yêu cầu SATRA làm việc với Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan - đang sử dụng nhà đất 420 Nơ Trang Long) và các đơn vị chức năng xác định cụ thể thời gian bàn giao nhà đất trên, cam kết di dời, bàn giao nhà đất đúng thời hạn. Trong thời gian chờ thực hiện di dời và bàn giao, Sở TN-MT xem xét, xử lý việc thuê đất ngắn hạn nhà, đất nêu trên theo quy định. Từ năm 2019, UBND TP HCM đã quyết định thu hồi nhà đất 420 Nơ Trang Long là tài sản thuộc sở hữu nhà nước do SATRA quản lý để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố tiếp nhận, quản lý.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND thành phố xem xét ban hành quy chế quản lý, khai thác quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng tiếp nhận, quản lý. Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung quy định, sở này kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo về việc quản lý, khai thác tạm thời đối với nhà, đất công giao cho tổ chức có chức năng cho thuê. Hiện TP HCM đã có chủ trương bán đấu giá 4.927 căn hộ và 40 nền đất.
Liên quan vấn đề lãng phí đất "vàng", HĐND tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần chất vấn nhưng UBND tỉnh cho biết còn nhiều vướng mắc phải xin ý kiến các cơ quan trung ương. Trong khi đó, theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, đơn vị đang quản lý 35 khu đất, trong đó có 18 khu, thửa đất phù hợp với quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ; còn lại 17 khu, thửa đất phục vụ mục đích công cộng. Theo kế hoạch, 18 khu, thửa đất phù hợp quy hoạch sẽ được đấu giá vào các năm 2023 và 2024, trong đó có khu đất số 48-48A đường Trần Phú nói trên; khu đất tại ngã tư đường Tô Hiệu - Trường Sơn, phường Vĩnh Trường hơn 4.200 m2; khu đất đường 23-10, xã Vĩnh Thạnh hơn 2.700 m2…
>>> Mời độc giả xem thêm video Bí ẩn ngôi biệt thự bỏ hoang, bên trong là kho đồ hiệu trăm tỉ: