Chiều 15-7, sau bốn ngày xét xử, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên án đối với 14 bị cáo trong vụ buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép... liên quan đến đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.
12 bị cáo nhận hối lộ
Trong vụ án này, 12 bị cáo bị tuyên phạm tội nhận hối lộ. Trong đó, ông Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4) bị tuyên phạt 15 năm tù, Lê Xuân Thanh (cựu thiếu tướng, cựu tư lệnh Vùng CSB 3) 12 năm tù, Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Trà Vinh) 10 năm tù.
|
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: UYÊN TRANG. |
Tám bị cáo khác, chủ yếu là các cựu quân nhân thuộc lực lượng BĐBP và CSB, bị tuyên từ hai năm sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù, cùng về tội danh nêu trên.
Riêng bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang) bị tuyên chung thân về tội nhận hối lộ và hai năm tù về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu trưởng Phòng xăng dầu Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh CSB) là người duy nhất bị truy tố tội buôn lậu, bị tuyên phạt mức án bảy năm tù.
Ngoài ra, bị cáo Cao Phước Hoài (lao động tự do, trú tại Bình Định) bị tuyên sáu tháng 21 ngày tù về tội không tố giác tội phạm, đúng bằng thời gian tạm giữ, tạm giam.
Về biện pháp tư pháp, tòa tuyên tịch thu toàn bộ số tiền thu lợi bất chính của các bị cáo, trong đó Nguyễn Thế Anh phải nộp hơn 19 tỉ đồng do nhận hối lộ (đến nay bị cáo chưa khắc phục đồng nào).
Theo cơ quan tố tụng, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, “ông trùm” Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cùng đồng phạm buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng.
Trong đó, Phùng Danh Thoại góp vốn 5 tỉ đồng để cùng nhóm của Hữu buôn lậu xăng từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Tính đến thời điểm bị phát hiện, ông Thoại cùng với nhóm của Hữu buôn lậu hơn 198 triệu lít xăng RON 95-III với tổng giá trị gần 2.800 tỉ đồng, trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít. Hữu được hưởng lợi 105 tỉ đồng, ông Thoại hơn 22 tỉ đồng…
Ngoài ra để thực hiện việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra, bắt giữ, Hữu và đồng bọn thống nhất chi hối lộ cho nhiều cá nhân thuộc lực lượng CSB, BĐBP, CSGT…
Trong đó, hai cựu tư lệnh Vùng CSB Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh lần lượt nhận hối lộ 6,9 tỉ đồng và 1,8 tỉ đồng; Nguyễn Thế Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng; Phạm Văn Trên (cựu chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Trà Vinh) nhận 1 tỉ đồng…
Riêng với Nguyễn Thế Anh, bị cáo này không trực tiếp nhận hối lộ mà thông qua em họ của mình là Nguyễn Văn An nhiều lần cầm tiền của Phan Thanh Hữu. Sau khi “ông trùm” bị bắt, Thế Anh chi tiền, hướng dẫn, nhờ người tổ chức cho An trốn ra nước ngoài.
Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng
Theo HĐXX, vụ án này có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm với xã hội nhưng vẫn thực hiện, trực tiếp xâm hại đến hoạt động đúng đắn, uy tín của cơ quan, tổ chức...
Cựu đại tá Nguyễn Thế Anh (cựu chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang) bị tuyên án chung thân về hai tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
Đối với hai cựu tư lệnh Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh, hai bị cáo quản lý hai vùng CSB có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên biển nhưng vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã trực tiếp hoặc thông qua vợ nhận hối lộ, qua đó giúp sức cho đường dây buôn lậu của Phan Thanh Hữu hoạt động trong thời gian dài mà không bị phát hiện, bắt giữ.
Đối với Nguyễn Thế Anh, trên cương vị cục phó Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP, phó chánh văn phòng thuộc Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia và chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang, bị cáo đều có chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, hoạt động buôn lậu nói riêng.
Tuy nhiên, khi được Hữu nhờ bao che, bị cáo đã đồng ý và nhận hối lộ. Bị cáo không trực tiếp nhận mà thông qua em họ của mình là Nguyễn Văn An để nhiều lần cầm tiền của Phan Thanh Hữu. Sau khi Phan Thanh Hữu bị bắt, để che giấu hành vi phạm tội của mình, bị cáo đã hướng dẫn, đưa tiền, thông qua mối quan hệ của bản thân để tổ chức cho em họ trốn ra nước ngoài.
Xuyên suốt phần xét hỏi đến tranh luận, cựu đại tá một mực kêu oan, nhiều lần phủ nhận tội danh, khẳng định không quen biết và chưa bao giờ nhận tiền từ Phan Thanh Hữu. Cựu đại tá còn nói “bị ép cung, buộc phải nhận những gì không có, những gì không làm”, thậm chí “dám lấy tính mạng ra để khẳng định”.
Tuy nhiên, theo HĐXX, quá trình điều tra, bị cáo từng khiếu nại đối với hành vi tố tụng của một số điều tra viên và kiểm sát viên nhưng đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Do đó, hành vi của những người tiến hành tố tụng trong vụ này là đúng quy định pháp luật.
Bị cáo nói bị ép cung nhưng không đưa ra được chứng cứ cụ thể để chứng minh nên không có cơ sở xem xét, các chứng cứ, tài liệu được sử dụng để buộc tội đối với bị cáo đều là hợp pháp.
Hai cựu thiếu tướng ăn năn hối hận
Quá trình xét xử, hai cựu thiếu tướng Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh thừa nhận hành vi sai phạm, bày tỏ sự ăn năn hối hận.
Ông Minh nói đã có 40 năm cống hiến trong quân đội nhưng không ngờ những ngày tháng cuối đời lại vướng vào lao lý. Bản thân bị cáo mắc nhiều bệnh như tim mạch, tiểu đường, không biết còn sống được bao lâu, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt để bị cáo ra tù.
Ông Thanh gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, hứa sẽ nỗ lực để khắc phục hậu quả do mình gây ra và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Riêng cựu đại tá Nguyễn Thế Anh vẫn phản đối cáo buộc của VKS đến cùng. “Bị cáo từng bị tội phạm gí súng vào đầu, bị trả thù dẫn đến trên người mang nhiều thương tật, thử hỏi có dễ dàng bị mua chuộc không? Bị cáo đã nhiều lần yêu cầu VKS đối đáp về thủ tục tố tụng, vị trí, chức năng của bị cáo nhưng VKS chỉ trả lời chung chung... Bị cáo thấy không thuyết phục, nếu HĐXX không xem xét, bị cáo sẽ kêu oan suốt đời” - bị cáo Anh nói