Bộ GD&ĐT vừa công bố điểm thi THPT Quốc gia 2019. Theo đó, cho thấy, điểm trung bình các môn thi tăng lên nhưng số bài thi điểm 10 không nhiều và số điểm liệt giảm chỉ còn 3.128 thí sinh cả nước bị điểm liệt từ điểm 1 trở xuống. Hiện các trường đại học đang lựa chọn những cử nhân mới, đây cũng là thời điểm các cựu sĩ tử và các phụ huynh lại bước vào cuộc chiến mới với những căng thẳng, áp lực ở cấp độ cao hơn.
Các “cựu sĩ tử” vừa phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông khá căng thẳng lại tiếp tục phải lo lắng về việc đỗ, trượt cho đến khi các trường đại học công bố điểm chuẩn.
Bên cạnh đó, hàng nghìn sĩ tử bị điểm liệt, trượt tốt nghiệp THPT và sẽ không đủ điều kiện xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019 đang tỏ ra vô cùng thất vọng khi không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Ở một xã hội học tập như nước ta, dù ai đó có nói rằng “Đại học không phải con đường duy nhất” nhưng vào đại học vẫn là mơ ước của hàng triệu bạn trẻ khi rời ghế nhà trường THPT.
|
Không có con đường nào trải đầy hoa hồng mà thành công, nhiều khi chính những con đường chông gai mới dẫn đến sự thành công thật sự. |
Mỗi năm, dù có đến 200 nghìn sinh viên tốt nghiệp không tìm kiếm được việc làm, với nhiều bạn trẻ, đại học vẫn là niềm mơ ước, được ví như cánh cửa mở tương lai. Tuy nhiên, với xu thế phát triển hiện nay, vào đại học đã không còn là chuyện quá xa vời nhưng với nhiều phụ huynh, học sinh, vào trường đại học nào để có tín hiệu tốt cho tương lai mới là điều mà họ đang hướng đến?
Con đường nào trải hoa hồng – con đường nào chông gai? luôn là câu hỏi của các bạn trẻ đặt ra khi lựa chọn trường đại học để xét tuyển. Đã xa rồi cái thời có tấm bằng đại học dù ở trường học nào cũng là điều cao quý, danh giá mà hiện nay, có tấm bằng đại học ở trường nào mới là điều mà nhiều bạn trẻ quan tâm.
Tất nhiên, điều các phụ huynh và học sinh hướng đến luôn là những trường đại học top đầu mà họ cho là có nhiều ngành nghề đang hot. Khi ra trường dễ tìm kiếm được việc làm hay các ngành nghề đặc thù như quân đội, công an để không phải lo công việc khi ra trường. Điều đáng buồn, trong số đó, không ít người chọn ngành nghề cho con theo ngành nghề của bố mẹ đang làm như bố làm công an thì mong con vào công an, bố làm kinh doanh thì mong con vào học trường đào tạo kinh doanh mà ít khi quan tâm đến sở thích cũng như năng lực của con cái. Còn các bạn trẻ đa số chọn trường, chọn ngành theo sự hướng dẫn của bố mẹ.
Dù thực tế, những trường top đầu luôn đảm bảo về chất lượng đào tạo và xu hướng ngành nghề đang hot trong thời điểm hiện tại nhưng không thể đảm bảo sự thành công hay thất bại của một sinh viên khi ra trường. Bởi, giáo dục chỉ giúp cá nhân có năng lực, kiến thức, kỹ năng còn việc có việc làm tốt sau khi ra trường hay không lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà trường học không phải là nơi có thể quyết định nên khi tốt nghiệp đại học không đồng nghĩa với việc khởi nghiệp thành công. Đại học chỉ là một con đường và sự thành công có nhiều lối rẽ.
Tuy nhiên, áp lực chọn ngành, chọn trường vẫn luôn khiến nhiều bậc phụ huynh và học sinh thất vọng vì điểm số không như ý, không vào được trường tốt như kỳ vọng khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi. Không biết các phụ huynh có chú ý đến việc, tương lai con em mình nhiều khi thành công do biết mình, biết ta, tự rèn rũa trong quá trình học tập, làm việc, trau dồi đạo đức bản thân và phải cộng thêm cả yếu tố may mắn và biết tận dụng cơ hội.
Dĩ nhiên việc có điểm cao sẽ là một xuất phát điểm tốt, giúp các thí sinh lựa chọn trường có danh tiếng hay ngành dễ xin việc, lương cao về sau. Nhưng đó chỉ là sự kỳ vọng. Thực tế có không ít thí sinh đầu vào rất cao, thậm chí là thủ khoa nhưng trong quá trình học tập, rèn luyện lại bị “tuột dốc” vì sốc văn hóa khi vào đại học, không làm chủ bản thân, thậm chí khi đó họ mới nhận ra ngành nghề mình theo học không phù hợp với bản thân nên chán chường và trượt dài theo những thú vui thâu đêm suốt sáng.
Thực tế, không ít trường hợp chọn trường theo ý phụ huynh sau khi ra trường dù được làm ở những vị trí nhàn hạ như văn phòng, công chức...Tuy nhiên, sau đó, họ lại từ bỏ những công việc này để tìm những công việc phù hợp với bản thân. Không ít những sinh viên các trường top đầu như Đại Học Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng khi ra trường phải đi làm thuê tại các nhà máy xí nghiệp hay sinh viên nhiều trường có tiếng tăm phải chuyển sang làm trái ngành nghề mình từng theo học.
Ngược lại, có nhiều học sinh dù bắt đầu với trường đại học, cao đẳng "tốp dưới" song nhờ chọn ngành phù hợp bản thân, biết tận dụng cơ hội, đã nhanh chóng khẳng định mình ngay khi trên ghế giảng đường và nhanh chóng tìm được cơ hội khi rời trường.
Trước sự biến động dữ dội và liên tục của thị trường lao động, để có những công việc tốt trong tương lai, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, năng lực chỉ là điều kiện đủ nhưng muốn làm tốt công việc cần phải có đam mê, ý chí, nghị lực và những kỹ năng mềm cùng thái độ làm việc tốt để thích nghi và phát triển.
Không ít những cử nhân đại học, thậm chí đã làm công chức, giáo viên đã rời bỏ những công việc liên quan đến bằng cấp để tự thân khởi nghiệp như việc giảng viên bỏ giảng đường về quê trồng rau sạch, nhiều người có vị trí làm việc lương cao, nhàn hạ đã rời bỏ để đi tìm hướng kinh doanh, khởi nghiệp tự thân. Và không ít người đã thành công hơn những vị trí mà khi tốt nghiệp đại học họ từng đảm nhiệm.
Thực tế trên thế giới và ngay tại Việt Nam cũng có không ít doanh nhân thành đạt mà không cần bằng cấp như ông bầu Đoàn Nguyên Đức, có hàng nghìn cử nhân làm thuê. Hay như Bill Gates hoặc Mark Zuckerberg đều nghỉ ngang khi còn là sinh viên nhưng họ đã thành công và được cả thế giới ngưỡng mộ. Dù biết rằng, không cần bằng cấp nhưng không đồng nghĩa với họ không học hỏi. Dù không có bằng đại học nhưng sự thành công của họ lại bắt nguồn từ những sở thích, đam mê, trưởng thành trong thực tế và vụt sáng do nắm bắt được cơ hội.
Thực tế, sự học luôn diễn ra ở khắp nơi không chỉ trên ghế nhà trường. Trường đời rộng lớn sẽ luôn là cơ hội để học tập và phát triển từ trong thực tiễn. Khởi nghiệp tự thân là như thế và cơ hội phát triển luôn dành cho tất cả những ai biết phấn đấu, thích nghi.
Đó là minh chứng cho việc, dù không vào được những trường đại học danh giá, dù chỉ học ở những trường đại học tốp dưới, thậm chí dù không được ngồi trên ghế giảng đường đại học nhưng nếu con người có ý chí vượt lên, biết phấn đấu và tự vận động để thích nghi với sự biến chuyển của xã hội, thì bất kỳ ai đều có cơ hội thành công, trở thành những người có ích cho xã hội.
Trượt đại học hay vào những trường đại học tốp dưới đừng coi đó là thất vọng rồi chán chường buông suôi, từ bỏ cuộc sống mà đó là cơ hội để các bạn trẻ phấn đấu, cố gắng, bởi ở đâu có ý chí, ở đó có một con đường. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, nhiều khi chính những con đường chông gai mới dẫn đến sự thành công thật sự.