Cũng như những lần trước, khi
Apple cho ra đời các dòng sản phẩm mới, sự xuất hiện của
iPhone 6 được những người yêu
công nghệ ở Việt Nam chào đón rất nhiệt tình.
Có người còn không đợi được đến ngày 19/9, khi Apple mở bán chính thức, đã đặt mua ở nước ngoài. Tôi không dám bàn đến cái thú là người đầu tiên được sở hữu sản phẩm công nghệ cao này, bởi vì nói thực là tôi không hiểu. Nhưng tôi nghĩ, đứng về mặt sành điệu và chịu chơi thì người Việt Nam mình chẳng kém gì các nước khác, có khi còn hơn nữa là đằng khác.
Vậy nhưng, lại nhớ đến cái tin vừa đọc mấy hôm trước: Việt Nam không đủ điều kiện để sản xuất ốc vít và sạc pin cho hãng Samsung. Thật là một điều đáng để suy nghĩ!
Hai sự việc trên khiến tôi liên tưởng tới một điều: Người Việt chúng ta đang trở thành những người tiêu dùng sành điệu. Bất kỳ sản phẩm nào mới xuất hiện trên thế giới là ta cũng có thể mua được ngay. Từ iPhone 6 đến tivi màn hình cong... Về điểm này thì đúng là thế giới phẳng, đúng là những người có tiền thì bình đẳng. Bởi vì cứ có tiền là có thể đặt hàng ở bất kỳ đâu trên thế giới. Nhưng chỉ thế thôi, nếu ta không tự sản xuất được, ta mãi chỉ là người tiêu dùng, dù được tôn lên là thượng đế thì cũng vẫn chỉ là những người bị động.
Thôi thì nếu nói kinh tế thị trường, cái gì có hiệu quả thì mình nhập, cái gì rẻ thì nhập về cho tiện, chẳng cần phải đầu tư để sản xuất làm gì cho mệt... nhưng chúng ta đang ngày càng bị lấn sân, mà thực ra phải nói bị đẩy bật ra khỏi sân của chính mình. Bao nhiêu năm nay mà công nghiệp phụ trợ chỉ dừng lại ở việc in ấn bao bì! Và công nghiệp mới chỉ dừng lại ở khâu gia công và lắp ráp!
Cách đây 5 năm, tôi đã có buổi trò chuyện với một chuyên gia về cơ khí, ông rất đau xót trước việc ngành cơ khí không được đầu tư phát triển đúng với tầm vóc của nó. Ông bảo, ngày nay cái gì cũng sẵn, nên nếu nghĩ tội gì phải làm, cứ nhập về cho tiện thì rất nguy hiểm. Và thực tế chúng ta đang trở thành những người tiêu dùng của thế giới. Dù có là người tiêu dùng sành điệu thì vẫn chẳng có gì để mà tự hào.