Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 7 (TP HCM) đã ra quyết định bắt khẩn cấp Nguyễn Ngọc Phượng (31 tuổi, quê Bình Phước) để điều tra liên quan đến cái chết của bé gái 17 tháng tuổi. Tại cơ quan điều tra Phượng khai do bé H. hay quấy khóc cộng với việc bố nạn nhân trả tiền công trông giữ trẻ chậm nên Phượng đã dùng tay, cán chổi đánh bé H. bị thương tích nặng dẫn đến tử vong…
|
Dãy nhà trọ nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ em. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu có căn cứ cho thấy đối tượng Nguyễn Ngọc Phượng đã đánh đập khiến cháu bé 17 tháng tuổi chấn thương sọ não và tử vong thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam để điều tra đối với đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Với thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, đối tượng Nguyễn Ngọc Phượng 31 tuổi nhận trông giữ trẻ em, gia đình nạn nhân đã tin tưởng giao cháu bé 17 tháng tuổi cho đối tượng này trông giữ. Theo kết luận giám định pháp y và kết quả xác minh ban đầu của cơ quan cảnh sát điều tra công an quận 7, TP HCM, cháu bé bị đánh đập, hành hạ, đặc biệt là chấn thương nghiêm trọng ở vùng đầu là nguyên nhân khiến cháu bé tử vong.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án, xác định hung khí mà đối tượng này đã sử dụng để gây thương tích cho cháu bé, có thể tiến hành thực nghiệm hiện trường để xác định loại hành vi dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp đối tượng nhận thức được rằng hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé nhưng vẫn cố ý thực hiện, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì có căn cứ để xử lý hình sự với đối tượng này về tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Với hành vi giết người dưới 16 tuổi (trẻ em), hành vi có tính chất côn đồ thì đối tượng thực hiện hành vi giết người trong trường hợp này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Theo luật sư Cường, trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng không có động cơ mục đích giết người, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, hành vi chỉ nhằm gây thương tích cho nạn nhân hoặc bỏ mặc việc nạn nhân có thể thương tích, khi phát hiện cháu bé bị thương tích nghiêm trọng thì sợ cháu bé tử vong nên đã mang đi cấp cứu... cơ quan điều tra cũng sẽ có thể áp dụng các tình tiết để xử lý về tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo quy định tại khoản 5, Điều 134 Bộ luật Hình sự hay không.
Trường hợp bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì mức hình phạt có thể chỉ tới 15 năm tù. Cụ thể khoản 5, Điều 134 Bộ luật Hình sự quy định như sau: Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.".
Vấn đề động cơ, mục đích, nhận thức và diễn biến hành vi cụ thể của đối tượng gây án sẽ quyết định việc khởi tố đối tượng này về tội cố ý gây thương tích theo khoản 5, Điều 134 BLHS hay tội giết người theo Khoản 1, Điều 123 BLHS. Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ đối tượng này có được phép trông giữ trẻ em hay không, đặc điểm nhân thân và năng lực, trình độ, nhận thức, đạo đức của đối tượng này như thế nào để đánh giá tính chất của vụ án cũng như làm căn cứ thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Pháp luật quy định giáo dục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, người thực hiện các hoạt động giáo dục đặc biệt là trông giữ trẻ em, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học... thì phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có đạo đức và có kỹ năng chăm sóc trẻ em...
Trẻ em ở độ tuổi mầm non thường chưa biết tự vệ sinh cá nhân, hay quấy khóc nên nếu giao trẻ em cho người không có kỹ năng sư phạm, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không có đạo đức phù hợp thì các đối tượng đó rất dễ nổi cáu, bất lực dẫn đến thực hiện các hành vi thiếu kiểm chế như đánh đập, hành hạ trẻ em.
Việc giao trẻ cho những đối tượng thiếu đạo đức, thiếu kỹ năng, không có chuyên môn nghiệp vụ là hiểm họa, là mối nguy hiểm đối với trẻ em.
Để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng, để trẻ em được bảo vệ, phụ huynh cần có những kiến thức cơ bản về Quyền trẻ em, biết cách thức bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là chỉ giao con mình cho những người có đạo đức, có đủ điều kiện về sư phạm, có sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động nghề nghiệp của họ...
>>> Xem thêm video: TP HCM: Xét xử vụ án bạo hành bé gái 8 tuổi đến tử vong